Ông Putin (trái) và ông Modi tay trong tay - Ảnh: twitter.com
Trong số các tiếng nói về sự việc trên, có lẽ tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) có trụ sở tại Hong Kong đã quan tâm hơn mức bình thường. Sáng thứ hai 9-9, tờ này đăng một bài có tít rất "giật gân": "Ấn Độ thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Hải [tức Biển Đông] bằng cách vươn ra với Nga và các cường quốc khu vực khác, theo các nhà phân tích".
Cảnh báo với ai?
Tác giả bài báo, Laura Zhou, về tờ SCMP từ năm 2010 và làm việc ở văn phòng Bắc Kinh chớ không phải trụ sở tòa soạn Hong Kong, giải thích cảnh báo "Ấn Độ thách thức Trung Quốc" như sau: "Theo bản ghi nhớ Nga - Ấn - hai đồng minh an ninh truyền thống - ở một diễn đàn kinh tế khu vực trong tuần này, tuyến đường biển Ấn Độ - Thái Bình Dương mới sẽ mở rộng từ thành phố cảng Vladivostok, ở Viễn Đông của Nga, đến Chennai, trên vịnh Bengal ở miền đông Ấn Độ".
Bài báo đặc biệt lưu ý: "Tuyến đường vận chuyển có một phần đi qua Nam Hải, nơi xảy ra nhiều tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng trong những năm qua", và nhấn mạnh: "Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết tuyến đường hàng hải dự kiến này phù hợp với chính sách "Hành động hướng Đông" vốn được thiết kế để làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị và kinh tế của quốc gia Nam Á này với các nước Đông Nam Á".
Thực tế "con đường biển đi qua Nam Hải" đi kèm cảnh báo: "Ngoài hợp tác trên tuyến hàng hải dự kiến, Ấn Độ và Nga có thể tăng cường liên minh trong lĩnh vực quân sự và công nghệ, theo một tuyên bố chung được công bố tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok".
Tác giả viện dẫn tuyên bố chung có đoạn nói tới việc "đạt đến những tầm cao mới của sự hợp tác qua niềm tin và quan hệ đối tác" giữa Ấn Độ và Nga ngày 5-9 để chứng minh cho luận điểm của mình: "Tuyên bố cho biết quan hệ đối tác có thể bao gồm việc cùng phát triển và sản xuất thiết bị, phụ tùng và linh kiện quân sự, cũng như cải thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi. Thông báo về hợp tác quân sự lớn hơn giữa Ấn Độ và Nga được đưa ra một năm sau khi New Delhi đồng ý mua các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất".
Để chứng minh cho việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Nga, tác giả nêu chi tiết: "Trong thỏa thuận hợp tác, Ấn Độ sẽ cung cấp cho Nga một gói vay "chưa từng thấy" lên đến 1 tỉ USD, giúp Nga phát triển vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của mình".
Cũng trong bài báo là trích dẫn của Hu Zhiyong (Hồ Trí Dũng), nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế của Viện Khoa học xã hội Thượng Hải. Theo Hu, việc cùng phát triển và sản xuất vũ khí "có thể báo hiệu rằng hợp tác Nga-Ấn đang đi đến một giai đoạn quan trọng" và "Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, [hợp tác với Ấn Độ], ở một mức độ nhất định, có thể đi ngược ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á".
Tuy nhiên, nếu đọc toàn văn tuyên bố chung cùng phát biểu của ông Modi và đối chiếu với thực tế quan hệ Nga - Ấn sẽ không có cảm giác các lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa tới mức đó.
Cũng cần lưu ý rằng dò lại các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc các ngày 6 và 9-9 sau sự kiện Vladivostok thì không thấy có câu hỏi - đáp nào về quan hệ Nga - Ấn. Trên tờ Global Times nổi tiếng dân tộc chủ nghĩa cũng chỉ đăng lại một bài trung lập của AFP có tựa đề: "Putin, Modi cam kết quan hệ chặt chẽ hơn". Tờ China Daily của Tân Hoa xã cũng không có ghi nhận nào "đặc biệt"!
Quan hệ thực tế Nga - Ấn
Điều mà tờ SCMP gọi là "tuyến đường biển đi qua Nam Hải" là suy ra từ bài diễn văn rất huê mỹ của ông Modi ở Vladivostok: "Chúng tôi sắp bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác mới ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khi các con tàu bắt đầu khởi hành từ Vladivostok và Chennai, và khi Vladivostok trở thành bàn đạp của Ấn Độ tại thị trường Đông Bắc Á, quan hệ đối tác Ấn Độ - Nga sẽ ngày càng sâu sắc và phát triển. Sau đó, vùng Viễn Đông sẽ trở thành một hợp lưu của Liên hiệp Á - Âu một bên và Ấn Độ - Thái Bình Dương bên kia, một khu vực mở rộng, tự do và dung nạp".
Phát biểu trên là của riêng ông Modi, chớ không có trong tuyên bố chung Nga - Ấn, tức không mang ý nghĩa hai bên cùng tuyên bố sẽ thiết lập con đường hàng hải mới. Mặt khác, trong một diễn đàn kinh tế khu vực Viễn Đông của Nga, việc nói tới con đường hàng hải Vladivostok - Chennai là chuyện hết sức thường tình.
Thêm nữa, tuyên ngôn "Ấn Độ - Thái Bình Dương mở rộng, tự do và dung nạp" (Open, Free and Inclusive Indo-Pacific) của ông Modi cũng không phải là tuyên ngôn "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng" (Free and Open Indo-Pacific, FOIP) của Mỹ thời Donald Trump, vốn là một ý tưởng và thực tế hoàn toàn khác.
Cả hai "Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Ấn Độ và Mỹ có vẻ giống nhau, nhưng lại khác nhau nhiều, như kiểu tiếng Anh của dân không phải bản xứ đã trở thành hiện tượng toàn cầu mấy năm qua: "same same, but different".
Tanvi Madan của Viện Brookings, trong nghiên cứu "Quan hệ Mỹ - Ấn Độ và ý tưởng Ấn Độ - Thái Bình Dương" mới đây đã nêu ra đến 7 điểm khác biệt giữa Ấn Độ và Mỹ về cùng một ý tưởng đó. Đáng chú ý nhất là khác biệt thứ 6: chính quyền Trump rõ ràng hơn nhiều về những gì họ coi là thách thức lớn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương: Trung Quốc.
Từ đó, hành động của chính quyền Mỹ thời Trump với Trung Quốc là mang tính cạnh tranh rõ rệt, nếu không muốn nói là đối đầu. Ngược lại, Ấn Độ muốn giảm nhiệt trong quan hệ Trung - Ấn, không muốn tỏ ra khiêu khích với Trung Quốc.
Thành ra, theo Madan: "Trong khi Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng phải đối phó với Trung Quốc, hai nước có tốc độ và phong cách khác nhau". Sự khác biệt đó có thể trở thành vấn đề nếu như dẫn đến khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế của hai bên. Madan kết bằng chi tiết: "Trong quá khứ, điều này từng dẫn đến sự thất vọng, rồi cả vỡ mộng với nhau".
Có thể kiểm nghiệm kết luận của Madan bằng cách đối chiếu với thực tế gần đây. Ấn Độ đã tỏ ra kín tiếng từ khi có các sự cố trên Biển Đông tháng 7 tới giờ, duy chỉ có một động thái là Tập đoàn ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ xin gia hạn thêm hai năm giấy phép thăm dò tại lô 128 của Việt Nam, sau khi giấy phép này hết hạn vào ngày 15-6-2019, theo PTI ngày 2-9-2019.
Trở lại với bài diễn văn của ông Modi, tất nhiên không thể thiếu mệnh đề quen thuộc cả với Ấn Độ, Mỹ, và mọi quốc gia không chủ trương chà đạp luật pháp quốc tế: "Quan hệ của chúng ta trong khu vực sẽ có nền tảng vững chắc là trật tự dựa trên sự luật pháp, sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia nào".
Cũng thế, việc Ấn Độ và Nga mua bán vũ khí, chuyển giao kỹ thuật, thậm chí hợp tác sản xuất, là chuyện mà hai nước này đã làm lâu nay, chẳng khác gì giữa Nga và Trung Quốc. Còn chuyện Ấn Độ đổ 1 tỉ USD vào vùng Viễn Đông của Nga, mà ông Modi khoe là "chưa từng có", có lẽ cũng phải đặt trong bối cảnh Ấn Độ đang rất cần những nguồn cung dầu hỏa thay cho Iran.
Tuyên bố chung nêu rõ vấn đề năng lượng mà cả hai bên đều rất quan tâm này: "Các nhà lãnh đạo quyết tâm thúc đẩy hợp tác thăm dò địa chất và cùng phát triển các mỏ dầu khí ở Nga và Ấn Độ, bao gồm cả các mỏ ngoài khơi.
Họ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc cung ứng tài nguyên năng lượng từ Nga đến Ấn Độ, bao gồm một thỏa thuận dài hạn về nguồn cung dầu thô từ Nga, khả năng sử dụng tuyến hàng hải Biển Bắc và hệ thống đường ống dẫn dầu.
Họ ghi nhận triển vọng của Tập đoàn Nayara Energy Limited tăng công suất trong nhà máy lọc dầu Vadinar. Ấn Độ và Nga đồng thời đồng ý xem xét triển vọng mở rộng hợp tác về thủy điện và nhiệt điện, hiệu quả năng lượng cũng như thiết kế và xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng từ các nguồn không thông thường".
Thông cáo cũng nêu rõ các hợp tác có thể bao gồm bên thứ ba, khi hai nhà lãnh đạo "thỏa thuận tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác có thể chấp nhận được và cùng có lợi ở các nước thứ ba, đặc biệt là ở Trung Á, Đông Nam Á và châu Phi".
Việt Nam (và nhiều nước khác ở Đông Nam Á, cũng như các khu vực được nhắc tới) tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ, khi Việt Nam đang có hợp tác nhiều mặt với cả hai cường quốc của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đó.
Ở một góc nhìn khác, có thể nghĩ rằng đây cũng là một hi vọng nhằm làm giảm "sức nặng" thái quá của hai "ông lớn" hiện nay trong khu vực là Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy một thế giới đa phương, và hi vọng nhờ thế, bình đẳng hơn, làm giảm sự gắn bó "bắt buộc" giữa Nga với Trung Quốc, hay giữa Ấn Độ với Mỹ, để bớt đi nguy cơ kéo bè kết cánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận