TTCT - Qua chuyến đi Hàn Quốc và Nhật Bản cùng cuộc họp “tứ giác” ở Tokyo mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình làng chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông. Hoa Kỳ cam kết gì với đồng minh cùng các đối tác? Có thể nói chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Biden gồm hai gói. Gói thứ nhất mang tên “Tăng cường trật tự quốc tế, Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Gói thứ nhì là “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng” (IPEF). Đây chính là điểm khác biệt “toàn tập” với “tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương” mà vào năm 2018, người tiền nhiệm của ông Biden, Donald Trump, đã khởi động, song vì những lý do chủ quan lẫn khách quan, rốt cuộc đã... “xì hơi”. Ảnh: Nikkei Asia ReviewSeoul: Ôn cố tri tânTrưa chủ nhật 22-5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng xuất hiện tại trung tâm hành quân ở căn cứ không quân Osan cách thủ đô Seoul 64km về phía nam. Osan là một trong hai căn cứ của không quân Mỹ tại Hàn Quốc, căn cứ kia là Kunsan, cách Seoul 180km về phía nam, bên bờ Hoàng Hải. Hơn 28.000 binh sĩ Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc theo tinh thần hiệp ước quốc phòng hỗ tương Hoa Kỳ - Hàn Quốc 1953.Cách đây đúng một năm, vào ngày 21-5-2021, ông Biden từng gặp người tiền nhiệm của ông Yoon là ông Moon Jae In tại Nhà Trắng (ông Moon vừa chấm dứt nhiệm kỳ hôm 10-5). Có điều ông Moon chủ trương hòa hoãn với Bắc Triều Tiên, khác với ông Yoon hiện tại. The New York Times 29-4-2021 viết: “Ông Moon kêu gọi ông Biden ngồi lại với Triều Tiên và bắt đầu các cuộc đàm phán, gọi việc phi hạt nhân hóa là “sống còn” đối với Hàn Quốc”. Kết quả hay hậu quả của sự hòa hoãn này, theo NYT: “Người tiền nhiệm của ông Biden đã rời nhiệm sở mà không tháo gỡ được một đầu đạn hạt nhân nào của Bắc Triều Tiên và Kim Jong Un đã thử lại vũ khí”.Không lấy làm lạ khi ông Yoon dứt khoát trong một phỏng vấn của CNN 23-5: “Nếu chỉ để tạm thời thoát ra khỏi sự khiêu khích của Triều Tiên hoặc xung đột, thì đó không phải là điều chúng ta nên làm. Cách tiếp cận này trong 5 năm qua đã được chứng minh là thất bại”. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, mà những đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đã ở quy mô toàn cầu, và vẫn được rao gần như hằng tuần suốt ba tháng qua từ Matxcơva, thêm một đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng quả là “quá tải”! Được biết, từ đầu năm, Bắc Triều Tiên đã phóng 16 tên lửa đạn đạo.Trong bối cảnh đó, ông Biden chọn đến tiền đồn Osan cùng ông Yoon để kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc. Trước tân tổng thống nước chủ nhà, Tổng thống Mỹ ngỏ lời: “Các bạn là tiền tuyến, đại diện cho cam kết của hai quốc gia chúng ta dành cho nhau”. “Các bạn” ở đây là quân nhân của không đoàn chiến đấu cơ số 51 của Mỹ đóng tại đây. Chuyến thăm này là một cố gắng rõ rệt của Mỹ hòng gầy dựng lại quan hệ từng bị bỏ phế dưới thời ông Trump, người đã đòi Hàn Quốc đóng tiền “bảo kê”.“Liên minh của chúng ta được hình thành qua những hy sinh chia sẻ trong chiến tranh Triều Tiên. Giờ đây, 7 thập niên sau, Hàn Quốc là một nền dân chủ vững vàng, phát triển và sáng tạo đổi mới”, ông Biden nói. Trong một góc nào đó, việc ông tán dương hợp tác Mỹ - Hàn còn là nhắc nhở chung “với cả thế giới” thế nào là “chọn bạn mà chơi” vào lúc mà tình hình có vẻ đang khiến nhiều nước nhỏ buộc phải chọn lựa.Ông Yoon đáp lời trong tâm trạng “và con tim đã vui trở lại”, nhắc lại rằng Osan là nơi quân Mỹ đã giao tranh trận đầu trong chiến tranh Triều Tiên. Muốn hay không, tình hình thế giới từ đầu năm càng khiến ông Yoon thêm lo ngại một cú đột kích từ miền Bắc: “Tôi tin rằng trung tâm hành quân này là tối quan trọng để cùng nhau ứng phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của CHDCND Triều Tiên”.Và không có Triều Tiên. Còn các mối đe dọa khác, như lời Heino Klinck, cựu quan chức phụ trách chính sách quốc phòng của Mỹ tại Đông Á, cảnh báo trên CSIS: “Cùng mối đe dọa hằng ngày từ Triều Tiên, là mối đe dọa lâu dài về một Trung Quốc hung hăng. Trung Quốc đã xâm nhập không phận và vùng biển của Hàn Quốc, cùng với cả máy bay của Nga nữa”.Tokyo: Đầu tàu cộng tácVới Nhật Bản, vấn đề còn bao trùm hơn. Là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản phụ thuộc vào sự thông thương an toàn trên Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà muốn thế phải đảm bảo trật tự dựa trên pháp luật, chớ không phải luật của kẻ mạnh. Thật ra, “chính chủ” của khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương (FOIP) là cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo, được đưa ra vào tháng 8-2016 tại hội nghị quốc tế phát triển châu Phi Tokyo lần thứ 6.Tài liệu “Japan’s Projects for Peace and Stability in the Indo-Pacific” (Những dự án của Nhật vì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu ra hai mối quan ngại sống còn với nước này: (1) Quan ngại cố hữu: “Do nhiều tuyến hàng hải chạy qua Ấn Độ - Thái Bình Dương, nên sự ổn định khu vực là thiết yếu đối với nền an ninh và sự thịnh vượng của Nhật Bản”. (2) Các thách thức hiện tại: “Các lực lượng võ trang nhanh chóng hiện đại hóa cùng hoạt động quân sự gia tăng cường độ”.Cũng Heino Klinck của CSIS Washington diễn giải: “Hãy xem xét kỹ các hoạt động của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực hải quân và không quân, và cách họ từng bước mở rộng cả về quy mô và phạm vi các cuộc tập trận và triển khai. Họ trở nên quyết đoán hơn, kích động hơn. Không quân và hải quân Trung Quốc đã thành thạo hơn nhiều trong các hoạt động “ngoài địa bàn hoạt động””.Đó là lý do Nhật Bản chủ trì các kế hoạch hợp tác an ninh với các nước trong khu vực với một quy mô rộng rãi, ít nhất cũng ngang bằng Mỹ, hoặc có phần hơn. Giải thích cho ý “ngoài địa bàn hoạt động” của ông Klinck, có thể nêu ví dụ hiệp ước an ninh Trung Quốc - Solomon vừa ký, vốn có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân và triển khai lực lượng sâu trong Thái Bình Dương.Sau Solomon, Trung Quốc đang chuẩn bị ký một hiệp ước tương tự với Kiribati, một đảo quốc khác trải dài khoảng 3.000km dọc đường phân ranh giữa Bắc và Nam Thái Bình Dương. Ông Gregory Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS, nói việc quân đội Trung Quốc tiếp cận Kiribati, cụ thể là đảo Christmas hoặc các đảo khác ở phía đông nước này, sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với quần đảo Solomon.Sự đồng quy về Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật và Mỹ càng làm cho sự cộng tác hai bên thêm gắn bó và hỗ tương. Trong họp báo chung với Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio cho biết hai ông đã thảo luận về tác động mà tình hình Ukraine có thể gây ra với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: “Chúng tôi đồng tình theo dõi chặt chẽ các hoạt động gần đây của hải quân Trung Quốc và cuộc tập trận chung của Trung Quốc và Nga, đồng thời phản đối mạnh mẽ nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ở biển Hoa Đông và Biển Đông, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ để ứng phó với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc... Ngoài ra, chúng tôi khẳng định rằng quan điểm cơ bản của chúng tôi với Đài Loan là không thay đổi”.QUAD: Đột phá trên biểnCùng chiều với các diễn tiến, hai nước lớn khác trong khu vực là Úc và Ấn Độ đã tham gia kế hoạch Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng Nhật Bản và Hoa Kỳ, tạo thành nhóm Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD). Điểm chủ chốt trong tuyên bố chung của QUAD khẳng định “không dung thứ” cho việc thay đổi nguyên trạng ở châu Á - Thái Bình Dương.Các lãnh đạo QUAD đã đưa ra nhiều cam kết cụ thể, trong đó có sáng kiến đột phá Đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương về nhận thức khu vực hàng hải (IPMDA). Nôm na mà nói, đây là một nỗ lực chung giúp các nước phân biệt, nhận ra tàu bè trong khu vực biển của mình tàu nào là “tàu ta”, tàu nào là “tàu lạ”, đang ở đâu và đi đâu trong thời gian thực.Sáng kiến này dự kiến sẽ thay đổi năng lực của các đối tác với QUAD ở khu vực Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương trong việc giám sát đầy đủ duyên hải của mình - một yêu cầu cơ bản cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực. Cụ thể, QUAD cam kết tăng cường khả năng nhận biết cảnh báo hàng hải của khu vực thông qua khoản đầu tư vào IPMDA trong 5 năm, nhanh chóng đưa các công nghệ tiên tiến nhất vào phục vụ lợi ích lớn hơn của cộng đồng Ấn Độ - Thái Bình Dương.Tham gia IPMDA, các nước sẽ dễ dàng kiểm soát vùng biển của mình, bắt đầu là chống đánh cá trái phép nhờ vào hoạt động của các trung tâm giám sát hiện có ở Singapore, Ấn Độ và Thái Bình Dương, sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối, tạo ra hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp từ Ấn Độ Dương, Đông Nam Á đến Nam Thái Bình Dương. Khởi động IPEFGói thứ nhì của chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng” (IPEF). Hôm 23-5 tại Seoul, ông Biden đã thông báo khuôn khổ này, với sự có mặt của Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các nước “chia sẻ cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, công bằng, dung nạp, liên kết, linh hoạt, an toàn và thịnh vượng, có tiềm năng đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm”.Tập hợp mới IPEF này xuất phát từ thực tế được cùng thừa nhận là lợi ích về chính sách kinh tế của các nước đan xen với nhau. Câu hỏi là sự gắn kết sẽ như thế nào khi không cùng một mức độ phát triển? Các nước cam kết hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực của các đối tác hầu giúp các nước tiếp cận linh hoạt IPEF, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.Các đề mục hợp tác là khai thác công nghệ, thúc đẩy đổi mới, tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi thích đáng các hệ thống năng lượng để đạt được an ninh năng lượng, và giải quyết khủng hoảng khí hậu sao cho tạo ra tăng trưởng đồng đều, bao trùm và cải thiện phúc lợi kinh tế - xã hội. IPEF cũng hướng tới thương mại mở rộng hơn, chuỗi cung ứng bền vững, và công nghệ năng lượng sạch. Tất nhiên, đây mới chỉ là những lĩnh vực từ nay khởi sự hợp tác; các nước sẽ còn tiếp tục xác định việc triển khai cụ thể khuôn khổ này sau. Các đàm phán cụ thể đó cho IPEF dự kiến sẽ kéo dài từ 12 tới 18 tháng.■Cuộc gặp thượng đỉnh QUAD giữa các Thủ tướng Anthony Albanese của Úc, Narendra Modi của Ấn Độ, Fumio Kishida của Nhật Bản và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Tokyo hôm 24-5, sau khi ghi nhận tác động bất lợi của đại dịch COVID, đã cam kết giải quyết vấn đề nợ bằng công cụ Cổng thông tin tài nguyên quản lý nợ của QUAD. QUAD cũng sẽ triển khai hơn 50 tỉ USD cho việc hỗ trợ cơ cấu hạ tầng và đầu tư trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong 5 năm tới.QUAD còn đưa ra các cam kết “thời sự” như chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, củng cố cấu trúc y tế toàn diện và phòng ngừa, xây dựng an ninh y tế tốt hơn, bao gồm tăng cường điều phối tài chính và y tế cũng như hợp tác khoa học và công nghệ. QUAD sẽ nâng cao năng lực để cải thiện khả năng phát hiện sớm và giám sát các mầm bệnh mới xuất hiện có khả năng gây đại dịch, đồng thời cùng cộng tác để tăng khả năng chống chọi với dịch bệnh và đại dịch. QUAD còn cam kết nỗ lực giúp phát triển các loại vắc xin mới để ngăn ngừa và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm. Các đối tác của QUAD đã cam kết góp 524 triệu USD cho giai đoạn tiếp theo của Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI). Tags: Triều TiênHàn QuốcJoe BidenẤn Độ - Thái Bình DươngQUADQuan hệ Nhật MỹĐánh cá trái phép
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau 2025 THẢO LÊ 05/11/2024 Việc giữ lại 21% ngân sách để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.