Tàu của Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar 2007 trên Ấn Độ Dương - Ảnh: AFP |
Trang Business Standard của Ấn Độ đưa tin New Delhi sẽ sớm công bố Malabar là cuộc tập trận quân sự ba bên, với sự tham gia chính thức của Nhật kể từ lần này.
Động thái này có một ý nghĩa quan trọng vì trước nay Trung Quốc luôn phản đối quốc tế hóa cuộc tập trận. Vịnh Bengal có một vị trí chiến lược, là cửa ngõ nối Ấn Độ Dương với tây Thái Bình Dương gồm có Biển Đông.
Cuộc gặp lần đầu tiên cấp bộ trưởng ngoại giao giữa Mỹ, Ấn và Nhật cuối tháng 9 cũng đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông và kêu gọi giải quyết tranh chấp trong hòa bình. Malabar 2015 vì thế diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt.
Chỉ vài ngày trước, có thông tin nói Washington đã mất kiên nhẫn với Trung Quốc và sẽ gửi tàu chiến đến phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo Bắc Kinh chiếm đóng, bồi lấn trái phép.
Ấn Độ thay đổi vai trò?
Dù chỉ là một thay đổi mang tính hình thức, lần biểu dương sức mạnh hải quân năm nay thể hiện quan điểm khác của Ấn Độ về ý nghĩa quốc tế của Malabar.
Trong lần tập trận năm 2007, dù ba nước Singapore, Úc và Nhật chỉ tham gia cùng Ấn Độ, Mỹ trong tư cách khách mời, nhưng Trung Quốc lập tức mở chiến dịch tấn công ngoại giao vào New Delhi.
Ấn Độ khi đó chọn cách xoa dịu các quan chức Bắc Kinh bằng cách biến Malabar trở lại là cuộc diễn tập song phương.
Nhưng một Malabar ba bên đang chính thức hình thành vào năm 2015, một bước đi mà truyền thông Ấn Độ mô tả New Delhi đã chần chừ rất lâu để thực hiện.
Nói theo trang phân tích National Interest, dưới triều đại Thủ tướng Modi, Ấn Độ đang chuyển chính sách “Nhìn về phương Đông” thành “Hành động phương Đông”.
Sự hiện diện của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương giờ đây không còn là khả năng nữa mà là một thực tế New Delhi phải đối mặt.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết New Delhi đang tiến hành các quy trình chính thức và sẽ sớm đưa ra thông báo về cuộc tập trận.
Trong bài phân tích đăng trên ấn bản The Interpreter, Viện Lowy về chính sách quốc tế của Úc tiếc nuối rằng Thủ tướng Modi đang bỏ qua cơ hội thể hiện hiếm có trong việc nâng cấp cả quy mô của Malabar 2015 thay vì chỉ mở rộng các bên tham gia.
Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua cũng là lần đầu tiên Úc tham gia cuộc tập trận song phương AUSINDEX-15 với Ấn Độ.
Song, Business Standard dẫn ý kiến giới chỉ huy hải quân Ấn Độ cho rằng dù với quy mô nhỏ, những lần tập trận gần đây đang trở nên tinh vi hơn, đồng thời thể hiện được sự tin tưởng giữa hải quân các nước.
Mỹ mang đến khí tài chiến lược
Cuộc tập trận Malabar 2015 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 19-10. Hải quân ba nước Ấn, Mỹ, Nhật sẽ diễn tập các kịch bản tấn công hạm đội tàu ngầm, tàu chiến và máy bay của quân địch.
Cả Ấn Độ và Mỹ sẽ đưa ra loại khí tài do thám hàng hải tân tiến nhất: máy bay P-8 Poseidon của Boeing. Phiên bản của Mỹ là P-8A, còn Ấn Độ là P-8I. Khi phát hiện chiến hạm hoặc tàu ngầm đối phương, Poseidon có khả năng nhanh chóng chỉ dẫn tọa độ của chúng cho hạm đội đồng minh dùng công nghệ vệ tinh liên kết kỹ thuật số.
Lần này, hải quân Mỹ cử USS Theodore Roosevelt - một trong 11 hàng không mẫu hạm chạy năng lượng hạt nhân của hải quân nước này - tham gia tập trận. Mẫu hạm Roosevelt chở theo 70 chiến đấu cơ gồm 44 chiếc F/18, 4 chiếc EA-18G Growler, 2 máy bay cảnh báo sớm E-2C và 20 trực thăng chiến đấu.
Ngoài ra phải kể đến chiến hạm USS Forth Worth, USS Normandy và tàu ngầm hạt nhân USS City of Corpus Christi. Cách đây bốn tháng, chiến hạm USS Forth Worth đã thực thi quyền tự do hàng hải khi đi vào vùng biển quanh quần đảo Trường Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây.
Ấn Độ sẽ mang đến Malabar 2015 một tàu tấn công lớp Rajput, hai tàu hộ tống lớp Brahmaputra và Shivalik, một tàu chở dầu và một tàu ngầm Kilo. Riêng Nhật sẽ trình làng tàu tấn công JS Fuyuzuki, một trong những khí tài hiện đại nhất trong cuộc diễn tập.
Mỹ, Úc thảo luận về Biển Đông Theo báo Financial Review của Úc, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne sẽ thảo luận với hai người đồng cấp John Kerry và Ashton Carter từ Mỹ về hành vi gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong tuần này. Bộ trưởng Quốc phòng Payne mới tuần rồi tuyên bố Úc phản đối hành vi “đe dọa” và “hung hăng” trong tranh chấp lãnh thổ, một ý ám chỉ đến cách Bắc Kinh đang hành xử trên Biển Đông. Trong một diễn biến khác, CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết tàu chiến Mỹ có quyền tự do cập cảng Philippines theo các thỏa thuận an ninh và quốc phòng sẵn có. Tuyên bố này xuất hiện sau khi có thông tin Mỹ sẽ gửi tàu chiến đến phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận