Các video hướng dẫn ăn các loại thịt sống xuất hiện tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội - Ảnh: T.H. chụp lại
Chúng ta có thể dung nạp văn hóa các nước nhưng luôn phải giữ được nguyên tắc ăn chín, uống sôi, rửa sạch.
Bác sĩ Lưu Phương
Nhiều video, hình ảnh hướng dẫn phong trào "ăn tươi nuốt sống" đang tràn lan. Các bác sĩ cho rằng nếu bắt chước các hình ảnh và video này sẽ gây ra những hiểm họa rất lớn với sức khỏe, trong đó đặc biệt bị nhiễm ký sinh trùng và hàng loạt các bệnh khác.
Chỉ bảo "ăn tươi nuốt sống" tràn lan
Một đoạn video kéo dài hơn 15 phút trên YouTube giới thiệu cách ăn bạch tuộc sống. Tại video này, hình ảnh tô bạch tuộc khoảng 5-6 con vẫn đang bò lổm nhổm trong nước được dùng để ăn sống.
Sau khi chỉ dẫn công thức pha chế nước chấm, người này bắt đầu bỏ con bạch tuộc đang sống và còn bò trên mặt bàn để ăn. Khi nhai các râu của chúng vẫn còn giãy giụa trên miệng nhưng người này vẫn nhai ngấu nghiến, chỉ trong vòng gần ba phút đã ăn hết con bạch tuộc.
Tương tự, tại mạng xã hội TikTok xuất hiện hàng loạt các video hướng dẫn ăn đồ sống.
Một trang TikTok quay lại đoạn clip dài hơn một phút ghi lại hình ảnh cầm một miếng thịt heo sống chấm muối rồi nhai ngấu nghiến. Clip này nhận được hàng nghìn lượt xem, chia sẻ.
Không chỉ riêng hình ảnh mực sống và cá sống, nhiều hình ảnh ăn những thực phẩm khác như cua sống, tôm sống... xuất hiện tràn lan trên mạng và được cho là ăn theo kiểu các nước.
Nhiều người có quan điểm rằng chỉ cần sử dụng nước cốt chanh, mù tạt, ớt cay hoặc rượu mạnh là có thể tiêu diệt được giun sán. Đây là điều không thể, vì những gia vị này chỉ có tác dụng khử mùi, đánh lừa vị giác.
Bác sĩ Hà
Nhập viện vì ăn sống
Không ít các trường hợp nhập viện chỉ vì thói quen ăn đồ tái, chưa nấu chín. Mới đây, một người đàn ông 56 tuổi ngụ tại Đồng Nai đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để khám bệnh và được nội soi tiêu hóa.
Tại khoa nội soi, các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân có một con sán dây bò đang trú ngụ trong tá tràng và kéo con sán ra.
Tuy nhiên do đầu sán bám rất chắc nên chỉ kéo ra được giữa chừng, bệnh nhân tiếp tục được cho dùng thuốc xổ để đẩy con sán ra ngoài hoàn toàn.
Bệnh nhân cho biết thêm thường có thói quen ăn bò tái từ nhỏ, khi ăn chỉ vắt chanh và chế nước sôi vào thịt chứ không nấu chín.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà - chủ nhiệm khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho biết xét về góc độ chuyển hóa, khi ăn đồ ăn sống rất khó để hấp thu được.
Nhiều người khi ăn sống thường sử dụng thêm các gia vị như mù tạt, ớt, muối, tiêu... Điều này chỉ làm cho người ăn có cảm giác khử được mùi tanh, hôi và tăng độ kích thích khi ăn.
"Hiện chưa có nghiên cứu nào rõ ràng về công dụng khi ăn các đồ sống. Chúng ta thuộc nhóm ăn chín uống sôi, không ăn thịt sống, do vậy men tiêu hóa không hỗ trợ cho việc hấp thu được đồ sống. Nếu có chỉ là hấp thu được một số các vi chất, khoáng chất.
Việc ăn các thực phẩm tươi sống còn phụ thuộc vào sự thích nghi của một nền văn hóa, do được thích nghi trong thời gian dài nên cơ thể sẽ tiết các chất để hấp thu", bác sĩ Hà cho biết.
Theo bác sĩ Hà, việc ăn đồ sống còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác nhau do cơ thể không thích nghi được có thể dẫn đến dị ứng, tiêu chảy, đầy bụng, không tiêu hóa.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng vệ sinh an toàn thực phẩm từ môi trường sống cho đến cách chế biến sẽ tạo điều kiện cho các loại giun, sán, nha bào bám trên da, trên thịt dẫn đến nguy cơ người ăn nhiễm ký sinh trùng.
Ăn uống sao cho đúng cách?
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - giảng viên bộ môn nội, Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho biết phương pháp chế biến thực phẩm an toàn nhất vẫn luôn là "ăn chín, uống sôi" và rửa sạch.
Thức ăn sống tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như bị nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc.
Bên cạnh đó, khi ăn sống sẽ mắc các bệnh lây qua đường tiêu hóa như nhiễm vi khuẩn HP (có thể gây ung thư dạ dày), viêm gan A, viêm gan E... Đặc biệt là rất dễ nhiễm ký sinh trùng: sán lá gan, sán dải cá, sán lá phổi... Khi chúng đã ký sinh thì rất khó để điều trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như động kinh, co giật, viêm cơ tim, viêm phổi, ho ra máu...
"Ngoài ra, việc nuốt luôn những thực phẩm như bạch tuộc sống có nguy cơ bị nghẹn, nuốt cua sống sẽ có nguy cơ mắc dị vật đường tiêu hóa và trong một số trường hợp có nguy cơ thủng ruột", bác sĩ Phương lưu ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận