Tên lửa mang theo tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ được phóng đi từ Trung tâm Không gian Satish Dhawan tại Sriharikota, bang Andhra Pradesh lúc 14h43 ngày 22-7 - Ảnh: REUTERS
Đài Russia Today (Nga) dẫn lời ông Yury Borisov, phó thủ tướng Nga, phát biểu trước báo giới tại thủ đô New Delhi ngày 22-7, cho biết về các thương vụ mua tên lửa đã được lên kế hoạch giữa hai nước.
Ông Yury Borisov ca ngợi thành tựu trong lĩnh vực khám phá không gian của Ấn Độ với sứ mệnh mới nhất vừa khởi hành lên Mặt trăng.
"Hôm nay chúng tôi chúc mừng các đồng nghiệp Ấn Độ của mình về việc triển khai thành công chương trình khám phá Mặt trăng", ông Borisov nói.
Cũng theo phó thủ tướng Nga, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác với nhau trong các chuyến bay đưa người vào vũ trụ trong tương lai. Ông Borisov không cung cấp thông tin chi tiết về các kế hoạch mua động cơ tên lửa của New Delhi.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 sau khi bị hủy phóng vào giờ chót trong lần trước (ngày 15-7) vì trục trặc kỹ thuật, cuối cùng cũng đã được phóng thành công tại Trung tâm Không gian Satish Dhawan tại Sriharikota, bang Andhra Pradesh lúc 14h43 ngày 22-7.
Việc phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ đánh dấu thời điểm khởi đầu cho sứ mệnh chinh phục Mặt trăng lần thứ hai của nước này.
Sứ mệnh đầu tiên kết thúc năm 2008 khi Ấn Độ là nước thứ 4 trên thế giới đưa được tàu thăm dò lên Mặt trăng. Nhưng lần đó vẫn chỉ là một sự "hạ cánh cứng".
Ở sứ mệnh lần này, tàu Chandrayaan-2 được kỳ vọng sẽ hạ cánh suôn sẻ hơn xuống bề mặt Mặt trăng. Tại đó nó sẽ bắt đầu nhiệm vụ thám hiểm và truyền hình ảnh về Trái đất.
Hiện tại Mỹ cũng đang sử dụng các tên lửa của Nga cho những chuyến bay vào vũ trụ của họ. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn đang sử dụng hệ thống tên lửa Soyuz do Nga sản xuất để đưa các phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận