Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2018 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Điều này phần nào cho thấy quyết tâm của Ấn Độ trong việc đặt dấu ấn ở Shangri-La 2018, và xa hơn là thể hiện cam kết về vai trò của mình trong tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một nét chấm phá của năm nay.
Ông Modi đã dành gần 40 phút để nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với Ấn Độ và khu vực nói chung.
"Hàng ngàn năm nay, người Ấn Độ đã luôn hướng về phía đông, không chỉ để nhìn thấy Mặt trời mọc, mà còn cầu nguyện vì ánh sáng ấy. Loài người luôn hướng về phía Mặt trời mọc, với những hi vọng vào những hứa hẹn cho thế giới" - ông Modi ví von.
Vị thủ tướng này lấy Singapore làm hình mẫu cho những gì các nước cần làm để định hình tương lai. Đó là một quốc gia toàn vẹn chủ quyền, mở cửa, kết nối, thượng tôn pháp luật và một quốc gia đứng về phía nguyên tắc chứ "không nép sau sức mạnh của ai khác".
Ông Modi chỉ ra 6 yếu tố trong chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ, trong đó được nhắc tới thứ hai chính là ASEAN. Ông nói: "Điểm thứ hai, ASEAN là trung tâm của chính sách hành động hướng đông. ASEAN đã, đang và sẽ là trung tâm cho tương lai của chính sách này".
Trong khi khẳng định quan hệ với ASEAN, ông Modi cũng khẳng định nếu Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác vững mạnh, điều này sẽ có ý nghĩa lớn đối với nền hòa bình và phát triển của thế giới.
Trước Đối thoại Shangri-La, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây được xem như một tín hiệu cho sự tham gia sâu sắc hơn của Ấn Độ vào tình hình khu vực. Nhưng ngược lại cũng gây một số hoài nghi cho các nước ASEAN, giữa bối cảnh một "bộ tứ" gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Úc có thể làm giảm mối quan tâm cho Đông Nam Á nói riêng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Zach Abuza, chuyên gia về Đông Nam Á, nhận định: "Ấn Độ lo ngại về Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, cũng như sáng kiến Vành đai - con đường của Bắc Kinh. Nhưng tôi nghĩ lịch sử dài lâu của Ấn Độ về việc không liên kết sẽ khiến bộ tứ còn khá xa với toan tính của họ. Tôi thấy rằng họ đang tiến hành những công việc riêng như thúc đẩy quan hệ song phương với Indonesia và xây dựng quan hệ lịch sử lâu dài cùng Việt Nam".
Mỹ có thể chuyển giao máy bay huấn luyện cho Việt Nam
Sáng 1-6, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Đây là một trong những sự kiện song phương đầu tiên diễn ra trong ngày khai mạc Shangri-La.
Hai bộ trưởng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua, nhất trí tiếp tục triển khai các lĩnh vực hợp tác hiện có phù hợp với các thỏa thuận đã ký, ưu tiên việc khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì các cơ chế đối thoại và trao đổi đoàn cấp cao.
Theo ông Mattis, Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.
Hôm nay, ông Mattis sẽ có bài phát biểu quan trọng về chiến lược của Mỹ đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận