06/06/2015 10:10 GMT+7

Đối trọng với Trung Quốc, Ấn Độ tự sản xuất vũ khí

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Từ khi lên nắm quyền năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông qua một loạt hợp đồng mua các “phần cứng” quân sự mới và cũng công khai ý định sản xuất vũ khí.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và người đồng cấp Ấn Độ vui vẻ bắt tay sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và người đồng cấp Ấn Độ vui vẻ bắt tay sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Modi muốn rằng Ấn Độ không chỉ là một nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, mà còn phải đạt 70% “phần cứng” quân sự sản xuất trong nước khi bước sang thập niên mới.

Theo trang tin Defense News, Ấn Độ đã khởi động chương trình hiện đại hóa quốc phòng khổng lồ trong những năm gần đây với số tiền lên đến 100 tỉ USD.

Trong báo cáo hồi tháng 3-2015, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (SIPRI) khẳng định nhập khẩu vũ khí của New Delhi đã tăng 111% trong giai đoạn từ năm 2009-2013.

Ấn Độ là nước mua vũ khí nhiều thứ ba ở châu Á, chủ yếu từ Nga với mức 75% và 7% từ Mỹ. Thậm chí, Công ty phân tích HIS cho biết trong năm 2015 và 2016, Ấn Độ sẽ trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai ở châu Á, dựa trên những hợp đồng mua vũ khí hiện nay của nước này.

Mua sắm dữ dội

Mỹ đang là đối tác mà Ấn Độ mong muốn bắt tay. Trong 10 năm qua, Mỹ bán cho Ấn Độ các loại vũ khí thông qua hàng loạt hợp đồng trị giá khoảng 10 tỉ USD.

Hôm 3-6, trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter, hai bên đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng 10 năm.

Hai nước đang tiến tới các chương trình hợp tác lớn hơn nữa về công nghệ quốc phòng, Bộ trưởng Carter cho biết Washington và New Delhi sẽ hợp tác trong lĩnh vực động cơ phản lực và công nghệ tàu sân bay.

Hai nước cũng ký kết các thỏa thuận về hợp tác tập trận hải quân thường niên ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc triển khai quân sự khá mạnh trong những năm gần đây. Đó được xem là dấu hiệu về việc Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng quốc phòng Carter cùng người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar cũng thảo luận hợp đồng Mỹ bán 22 máy bay tấn công Apache, 15 máy bay trực thăng Chihook, 4 máy bay tuần tra biển P-81 và súng bắn pháo 145M- 777 cho Ấn Độ, trị giá 4 tỉ USD.

New Delhi mua thêm 6 máy bay C-130J “Super Hercules” của Mỹ và 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Không quân Ấn Độ cũng đã đặt mua thêm ba máy bay vận tải quân sự chiến lược C-17 Globemaster từ Hãng Boeing (Mỹ).

Đây là loại máy bay vận tải quân sự chiến lược giữ vai trò xương sống của Không quân Mỹ, có thể chở tối đa 77.519kg hàng hoặc 158 lính dù trong khoang.

Tự chế tạo vũ khí

Hồi đầu tháng 5-2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định sẽ thực hiện chương trình nội địa hóa kỹ thuật đóng tàu chiến.

Theo đó, đơn đặt hàng tàu ngầm và tàu chiến sẽ phân phối cho các nhà máy đóng tàu trong nước. Trong 10 năm tới, trị giá hợp đồng đóng tàu của Hải quân Ấn Độ có thể sẽ hơn 50 tỉ USD.

Chính quyền New Delhi cũng đã thông qua bước đầu kế hoạch tự nghiên cứu phát triển 6 tàu ngầm động cơ hạt nhân, 7 tàu hộ vệ tàng hình với tổng trị giá khoảng 8 tỉ USD.

Nhà máy đóng tàu Cochin đang tự chế tạo tàu sân bay lớp Vikrant đầu tiên. Còn Công ty đóng tàu Hindustan đang chế tạo tàu ngầm hạt nhân INS Aridhaman lớp Arihant thứ hai cho Hải quân Ấn Độ.

Công ty Mazagon đóng sáu tàu ngầm động cơ diesel - điện lớp Scorpene. Công ty này cũng đã hạ thủy tàu khu trục tàng hình INS Visakhapatnam để chạy thử trên biển và sẽ bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2018. Tàu dài 163m, có trang bị tên lửa BrahMos, chạy với tốc độ 30 hải lý/giờ.

Không chỉ thế, Ấn Độ cũng đang tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo tên lửa. Tháng 11-2014, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Dhanush tự chế từ một tàu hải quân ở ngoài khơi bang Odisha.

Tên lửa Dhanush có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân trọng lượng lên tới 1.000kg thuốc nổ TNT, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu trên biển và trên bộ.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ hiện đại hóa quân đội “không có hoạch định” do thiếu kế hoạch chiến lược gắn liền với các mục tiêu địa chính trị dài hơi.

Lực lượng vũ trang của Ấn Độ vẫn đang thiếu các loại khí tài như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, máy bay trực thăng và những loại vũ khí có khả năng chiến đấu ban đêm. Ấn Độ vẫn đang tiếp tục nhập khẩu 65% phần cứng và phần mềm quân sự.

Muốn đối trọng với Trung Quốc

Ông Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên bộ, nguy cơ quân sự ở Ấn Độ Dương, Pakistan và Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự đang là mối lo lớn của Ấn Độ.

New Delhi phải mua thêm vũ khí để chuẩn bị cho cả hai tình huống là bị tấn công trên bộ và đảm bảo an ninh các tuyến thương mại trên biển Ấn Độ Dương.

“Điều đó yêu cầu chúng tôi phải đạt đỉnh cao khoa học kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên ngành công nghiệp quốc phòng chưa đáp ứng được nhu cầu này nên chúng tôi phải nhập khẩu vũ khí” - ông Cowshish giải thích.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên