Một nghiên cứu của Hiệp hội các Phòng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ và hãng tư vấn KPMG công bố ngày 25-5 cho biết, Ấn Độ đã nổi lên là nước xả rác thải điện tử nhiều thứ 5 thế giới, với xấp xỉ 1,85 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, trong đó 12% từ thiết bị viễn thông.
Rác thải điện tử ở Ấn Độ đã và đang là một vấn đề đặc biệt quan ngại trong những năm vừa qua. Với hơn 1 tỷ điện thoại di động đang lưu hành, hàng năm, gần 25% trong số đó sẽ hết vòng đời sử dụng và trở thành rác thải công nghiệp.
Bộ Môi trường, rừng và biến đổi khí hậu Ấn Độ đã công bố các quy định về quản lý rác thải điện tử, theo đó năm 2016 các nhà sản xuất điện tử lần đầu tiên phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm không còn được sử dụng do mình sản xuất ra. Các quy định này đặt mục tiêu thu gom được 30% rác thải điện tử trong hai năm đầu tiên và tăng dần lên 70% trong năm thứ 7 thực hiện.
Quy định trên còn đưa ra các mức xử phạt tài chính nghiêm khắc đối với những nhà sản xuất không tuân thủ.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên nhận định lĩnh vực quản lý rác thải điện tử ở Ấn Độ hiện còn thiếu tổ chức, vì vậy trên thực tế sẽ khó khăn và tốn kém để các nhà sản xuất điện thoại thực hiện được các mục tiêu theo quy định trong năm đầu tiên.
Ngoài ra, các thủ tục chi tiết thực hiện việc thu gom rác thải điện tử từ thị trường cũng cần được theo dõi chặt chẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận