BBC dẫn báo cáo của Euromonitor International cho thấy thị trường xa xỉ phẩm ở Ấn Độ đang bùng nổ với giá trị tăng khoảng 255 triệu USD/năm.
Tốc độ tăng trưởng sẽ là 86% trong giai đoạn 2013 - 2018, cao hơn cả mức tăng ở Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.
Ấn tượng là vậy, nhưng thị trường xa xỉ phẩm Ấn Độ đang bị các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh. Tầng lớp siêu giàu ở Ấn Độ vẫn chuộng các thương hiệu như Hermes, Jimmy Choo, Gucci và Burberry trong lĩnh vực thời trang.
Những cái tên như Bugatti, Lamborghini, Porsche và Ferrari vẫn xuất hiện trong danh sách siêu xe được ưa chuộng, với doanh số bán hàng tăng vọt không chỉ ở các thành phố lớn.
Ngay cả khi đã bị Tập đoàn ôtô Tata mua lại hồi năm 2008 nhưng nhắc đến Jaguar, người dân Ấn vẫn nghĩ đó là thương hiệu xe sang của Anh hơn của Ấn.
Và ngoại trừ các tập đoàn khách sạn lớn như Taj và Oberoi, Ấn Độ gần như chìm trên bản đồ các nước có thương hiệu xa xỉ trên thế giới.
Các nhà phân tích nhận định chiến dịch “Làm tại Ấn Độ” của chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động vừa qua chỉ có thể kích thích sự phát triển của các mặt hàng xa xỉ trong lĩnh vực thực phẩm hoặc tiện ích đi kèm.
Một trong những thương hiệu đó là trà No.3 Clive Road của cô Radhika Chopra. Sản phẩm trà của Công ty Chopra sản xuất và đóng gói ngay tại Ấn Độ, nhưng được bán với giá của một mặt hàng xa xỉ nhập khẩu.
“Những khách hàng Ấn Độ sẽ cảm thấy tự hào khi biết được một sản phẩm với thiết kế đẹp và chất lượng hoàn hảo lại đến từ chính đất nước của họ. Người Ấn Độ biết cách tiêu tiền, chỉ là họ không có nhiều sự lựa chọn khác” - cô Chopra bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận