Theo báo Hindustan Times, chính quyền Ấn Độ đang chuẩn bị đệ trình dự thảo cuối cùng của luật thu hồi đất đai mới lên quốc hội. Luật mới sẽ quản lý hoạt động thu hồi đất do nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân thực hiện, có ảnh hưởng sâu rộng tới hàng loạt dự án hạ tầng thuộc mọi lĩnh vực từ điện lực, viễn thông, giao thông cho đến giáo dục.
Bảo vệ đất nông nghiệp trước sự xâm lấn của quá trình công nghiệp hóa nhằm đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Đảng Quốc đại, vốn dựa chủ yếu vào lá phiếu của người dân nông thôn Ấn Độ. Năm 2004 khi lên nắm quyền, Đảng Quốc đại đã cam kết cải tổ luật thu hồi đất đai cũ. Theo luật cũ, chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân có quyền lấy đất từ tay người dân một cách dễ dàng nếu các dự án xây dựng được dán nhãn là “phục vụ nhu cầu công cộng” và phần thiệt hại thuộc về người dân.
Giá đền bù tăng gấp 2-4 lần
Reuters cho biết luật mới sẽ buộc các công ty tư nhân phải đền bù cho người dân lần lượt là bốn lần và hai lần mức giá thị trường hiện nay để thu hồi đất ở vùng nông thôn và thành thị. Ngoài ra, các công ty còn phải cung cấp nhà ở, việc làm, một mức lương hằng tháng cho người mất đất. Trong một số trường hợp, các công ty này thậm chí còn phải chia sẻ một phần lợi nhuận từ dự án khai thác trên mảnh đất ấy. Người lao động không có đất, làm việc trên khu đất bị thu hồi sẽ được hưởng một phần tiền khoảng 50 USD/tháng trong vòng 20 năm.
Ở khu vực đất bị thu hồi, nhà đầu tư chỉ được phép thu hồi khi có được sự đồng thuận của 80% chủ đất. Chính phủ khẳng định sẽ chỉ thực hiện thu hồi đất đai cho các dự án hạ tầng công cộng, ví dụ như đường cao tốc, đường tàu hỏa, hải cảng, hệ thống tưới tiêu... Chính quyền không được phép thu hồi đất của các dự án nhà nước hợp tác với tư nhân vì lợi nhuận. Với các dự án này, các công ty tư nhân sẽ phải tự đàm phán với chủ đất để đưa ra mức đền bù hợp lý.
Báo Financial Times cho biết chính quyền New Delhi quyết thực hiện luật thu hồi đất đai mới sau vụ Tòa án tối cao Ấn Độ buộc chính quyền bang Uttar Pradesh phải trả lại 150ha đất cho người dân làng Shahberi hồi tháng 7-2011. Dân làng đâm đơn tố chính quyền tỉnh buộc họ phải bán đất với mức giá 25.000 USD/acre (0,4ha) để phục vụ một dự án công nghiệp. Trên thực tế, chính quyền tỉnh lại đã bán diện tích đất này cho một tập đoàn địa ốc. Tòa án tối cao Ấn Độ mô tả chính quyền các địa phương đã trở thành “những kẻ cướp đất”.
Một số quan chức chính quyền Ấn Độ khẳng định hầu như chắc chắn dự luật mới sẽ được quốc hội thông qua bất chấp sự phản ứng dữ dội của các tập đoàn, công ty tư nhân. “Việc một đảng trong quốc hội phản đối luật này cũng giống như một sự tự sát chính trị - Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Phát triển nông thôn bình luận - Bởi tất cả các đảng đều muốn thu hút lá phiếu của cử tri vùng nông thôn”.
Chi phí dự án có tăng nhưng giảm kiện tụng
Trong thời gian qua, các tập đoàn, công ty Ấn Độ đã vận động hành lang dữ dội để luật thu hồi đất đai mới bị “ngâm” lại. Theo báo India Express, Liên hiệp Công nghiệp Ấn Độ (CII) ước tính chi phí để thu hồi đất của các công ty sẽ tăng 3-3,5 lần, khiến chi phí đầu tư của các dự án tăng vọt. Chủ tịch CII Adi Godrej mô tả luật này sẽ khiến ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi tiến trình thu hồi đất đai sẽ trở nên phức tạp và tốn kém.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí còn lớn tiếng khẳng định việc đền bù cao cho nông dân chẳng đem lại lợi ích gì. Dẫn chứng một số trường hợp đền bù ở Noida, Gurgaon và một số khu vực quanh New Delhi, họ cho rằng người nông dân một khi nhận được một số tiền đền bù lớn sẽ lại tiêu xài bừa bãi, hoang phí do chẳng biết làm gì.
Tuy nhiên, Bộ Phát triển nông thôn khẳng định kể cả với luật mới, chi phí thu hồi đất đai sẽ chỉ chiếm 2-3% tổng chi phí các dự án, trong khi lại giảm được đáng kể chi phí và thời gian kiện tụng, trì hoãn công trình cho tranh chấp đất đai. Theo luật mới, chính phủ sẽ thành lập một ủy ban độc lập để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tiền đền bù đất trong vòng sáu tháng. Các vụ kiện diễn ra ở tòa dân sự thường kéo dài tới vài năm.
Reuters cho biết hiện có khoảng 200 dự án nhà nước, trong đó có 80 dự án đường cao tốc, và nhiều dự án tư nhân đang bị đình trệ để chờ luật mới. Trong số đó có các dự án nhà máy thép trị giá hàng tỉ USD của các hãng Posco, ArcelorMittal, Tata Steel, cũng như dự án mở rộng khai thác than của Tập đoàn Coal India... Nhà kinh tế Aditi Nayar của Hãng ICRA nhận định quốc hội cần khẩn cấp thông qua luật thu hồi đất đai để các dự án nhanh chóng được triển khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận