Các nữ cảnh sát trẻ của Ấn Độ - Ảnh: Reuters |
Đặc biệt là tiếng nói của New Delhi dường như ngày càng cụ thể và sắc bén hơn.
Sáng 11-3, báo Manila Times đưa tin đại sứ Ấn Độ tại Philippines Shri Lalduhthlana Ralte nói rằng Ấn Độ chắc chắn ủng hộ luật pháp quốc tế và trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp.
“Quan điểm của chúng tôi với kiểu tranh chấp này là vậy, những nước có tranh chấp phải tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực để các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình. Chúng ta nên tuân thủ luật pháp quốc tế” - tờ báo dẫn lời ông Ralte.
Khẳng định quan điểm
Theo The Diplomat, phát biểu của đại sứ Ấn Độ là ý kiến gần đây nhất trong chuỗi các tuyên bố chính trị của New Delhi bắt đầu vào năm 2013.
Tại thời điểm đó, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đã lưu ý: “Một môi trường hàng hải ổn định là điều cần thiết để hiện thực hóa nguyện vọng khu vực chung của chúng tôi”.
Thể hiện sự ủng hộ đối với các tiến trình đa phương ở Đông Nam Á, thủ tướng Singh nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh các cam kết chung của các quốc gia liên quan về tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và hợp tác hướng tới việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc thành lập Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng để phát triển các chuẩn mực hàng hải nhằm củng cố luật pháp quốc tế liên quan đến an ninh hàng hải hiện có”.
“Chúng tôi ủng hộ việc các tuyến, các kênh thương mại và truyền thông cần phải mở tự do và tất nhiên là cả trên biển, vì luật quốc tế về biển của Liên Hiệp Quốc được tất cả các quốc gia sử dụng chung” - ông Shri Anil Wadhwa, thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ, phát biểu trước các phóng viên tại cuộc đối thoại Ấn Độ - ASEAN hằng năm ở New Delhi.
Thực thi bằng hành động
Khi ông Narendra Modi nhậm chức thủ tướng và sau đó công du Mỹ thì Mỹ và Ấn Độ lần đầu tiên đã đưa ngôn từ biển Đông vào tuyên bố chung.
Ngay trước chuyến thăm của ông Modi, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cũng đã đến thăm Việt Nam, ký một tuyên bố chung với những ngôn từ tương tự. Ngoài ra, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ấn Độ vào tháng 1-2015, tuyên bố chung Mỹ - Ấn Độ một lần nữa bao gồm ngôn từ như vậy.
Trở lại tuyên bố của đại sứ Ấn Độ tại Philippines, có vẻ đã thấy được quan điểm cuối cùng của Ấn Độ về vấn đề biển Đông: tài phán quốc tế.
Điều này không phải là điều gì mới mẻ hoặc bất ngờ, bởi kể từ khi Ấn Độ và Bangladesh giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa năm 2014 với sự trung gian của một tòa án quốc tế (trong đó phán quyết có lợi cho Bangladesh), giới quan sát đã nhận thấy sự ưu tiên của Ấn Độ đối với việc dùng tài phán.
Điều thú vị là các bình luận sau đó của đại sứ Ralte: “Ngay cả nếu chúng ta là nước mạnh, về chính trị hay kinh tế, chúng ta nên tuân theo nguyên tắc được quốc tế chấp nhận”. Hàm ý của câu nói quá rõ ràng cho các nhà quan sát ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, tuyên bố của đại sứ Ralte sẽ không mấy ý nghĩa cho đến khi được Thủ tướng Modi lặp lại tại thủ đô các nước trong khu vực Đông và Đông Nam Á.
Ấn Độ đang ở thời điểm phải thể hiện rõ ràng việc họ muốn các sự kiện được giải quyết như thế nào ở biển Đông. Tiếng nói rõ ràng của quốc gia châu Á khổng lồ này sẽ khiến những vấn đề của khu vực được điều chỉnh khác đi.
ASEAN là cốt lõi chính sách hành động phía đông của Ấn Độ Theo The India Times, phát biểu tại Đối thoại Delhi hằng năm về vấn đề hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định ASEAN là cốt lõi trong chính sách hành động phía đông của New Delhi và là trung tâm trong giấc mơ về kỷ nguyên châu Á. Nói về sự ưu tiên của Ấn Độ đối với ASEAN, bà Swaraj nhắc lại lời Thủ tướng Narendra Modi rằng New Delhi muốn thay đổi nhanh chóng “Chính sách hướng đông” sang “Chính sách hành động hướng đông”. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, ông Anil Wadhwa, cũng nói rằng Ấn Độ và ASEAN cùng chia sẻ tầm nhìn về một châu Á hòa bình, thịnh vượng và trỗi dậy, góp phần tăng cường hòa bình và an ninh toàn cầu. Bà Swaraj cũng xác định hợp tác hàng hải là chủ đề chính và nói hai bên đã bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận vận tải hàng hải. Thỏa thuận này có thể đạt được vào cuối năm nay. Nhằm thúc đẩy kết nối giao thông tốt hơn giữa hai khu vực, bà Swaraj nói Ấn Độ đã nỗ lực không ngừng để biến hành lang kết nối thành “hành lang hợp tác kinh tế”. “Nâng cao kết nối giữa Ấn Độ và ASEAN ở mọi mặt là ưu tiên của chúng tôi” - bà Swaraj nói. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn nhận định “Ấn Độ có thể là cánh cửa cho ASEAN bước vào Nam Á và Trung Đông”, theo The Nation. Về các thách thức an ninh, bà Swaraj nói khi hai bên có không gian địa lý cận kề nhau, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN chia sẻ những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chung. Ông Wadhwa nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo môi trường khu vực hòa bình, ổn định và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, tăng cường hợp tác Ấn Độ - ASEAN về an ninh hàng hải, tự do hàng hải và tìm giải pháp hòa bình cho các mối tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi hai bên hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, cứu trợ trong trường hợp xảy ra thảm họa, hợp tác chống cướp biển, chống chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận