"Cơn khát con trai" của các gia đình Ấn Độ đã khiến khoảng 21 triệu bé gái chào đời ngoài ý muốn của cha mẹ - Ảnh: AFP
Theo đài Channel NewsAsia, đây là những số liệu thống kê do chính phủ Ấn Độ cung cấp ngày 29-1.
Theo quan niệm truyền thống, các gia đình Ấn Độ luôn mong muốn có con trai, vì con trai là những người đóng vai trò trụ cột gia đình, cũng là những người thừa kế, nối dõi dòng tộc.
Cho đến nay, tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này, con gái luôn bị coi là gánh nặng tài chính vì sự tồn tại dai dẳng và nặng nề của hủ tục phải có phần hồi môn đáng kể khi về nhà chồng.
Mặc dù Ấn Độ đã có luật cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng tình trạng nạo phá thai trái phép liên quan tới giới tính vẫn được cho là nguyên nhân chính dẫn tới việc mất cân bằng giới tại Ấn Độ với tỉ lệ 1.000 bé trai / 940 bé gái.
Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra kinh tế thường niên của chính phủ Ấn Độ vừa công bố, nhiều gia đình vẫn tiếp tục sinh con cho tới khi họ có được số con trai như mong muốn.
Báo cáo nêu thực trạng: "Các gia đình đã có một con trai thì nhìn chung có xu hướng dừng sinh thêm cao hơn các gia đình mới sinh một con gái. Điều này cho thấy thực tế các gia đình đang áp dụng những nguyên tắc dừng sinh theo cách của họ, theo đó họ sẽ sinh con cho tới khi nào có được một bé trai và sau đó sẽ ngừng sinh thêm".
Các cặp vợ chồng Ấn Độ, nhất là phụ nữ, đều đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc phải sinh được con trai. Nhiều gia đình ở nông thôn thậm chí còn không cho con gái đi học, bắt con họ lấy chồng từ rất sớm.
Cũng theo báo cáo của chính phủ Ấn Độ, xu hướng chuộng con trai tại nước này rõ ràng đã không thay đổi trong bối cảnh kinh tế đã phát triển hơn. Ngay cả những gia đình giàu có cũng vẫn muốn có con trai.
Theo nhiều báo cáo nghiên cứu, việc lựa chọn giới tính thai nhi trái phép và nạo phá thai liên quan vẫn đang rất phổ biến tại nhiều nhóm cộng đồng thuộc các giai tầng kinh tế và xã hội khác nhau ở Ấn Độ.
Một nghiên cứu năm 2011 từng đăng trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh cho biết có tới 12 triệu bào thai bé gái bị nạo bỏ trong 3 thập kỷ qua tại Ấn Độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận