Ấn Độ sẽ phát hành hộ chiếu điện tử có chứa dữ liệu sinh trắc học của chủ sở hữu - Ảnh: NIKKEI ASIA
Dữ liệu sinh trắc học là những đặc điểm sinh học riêng của mỗi cá nhân như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, tĩnh mạch...
Công nghệ sinh trắc học sử dụng những dữ liệu này để nhận diện danh tính và xác thực bảo mật.
Theo báo Nikkei Asia, ông Sanjay Bhattacharya - thư ký bộ phận lãnh sự, hộ chiếu và thị thực tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ - thông báo trên tài khoản Twitter là "hộ chiếu điện tử thế hệ mới" sẽ sớm ra mắt.
Ông Bhattacharya cho biết hộ chiếu mới sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hiện chưa có thông báo chính xác về thời điểm ra mắt hộ chiếu này.
Theo ICAO, hơn 100 quốc gia và các tổ chức khác như Liên Hiệp Quốc đang phát hành hộ chiếu điện tử. Hơn 490 triệu hộ chiếu loại này đang được lưu hành trên thế giới.
Malaysia là quốc gia đầu tiên ra mắt hộ chiếu điện tử vào năm 1998, trước khi ICAO thông qua kế hoạch tích hợp dữ liệu sinh trắc học vào hộ chiếu và các giấy tờ du lịch khác cho toàn cầu.
Ngoài việc giảm thời gian chờ đợi tại các quầy thủ tục xuất nhập cảnh, giới chuyên gia nhận định hộ chiếu điện tử còn giúp giảm nguy cơ sao chép và giả mạo thông tin.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần lưu ý về vấn đề bảo mật để tránh việc bị rò rỉ thông tin cá nhân.
Ấn Độ đã cấp khoảng 20.000 hộ chiếu điện tử cho các nhà ngoại giao và các quan chức khác trong một dự án thí điểm bắt đầu từ năm 2008. Hiện quốc gia này đang chuẩn bị mở rộng chương trình tới toàn dân.
Ngày 7-1, Chính phủ Ấn Độ cho biết đã ký một thỏa thuận mới với Công ty phần mềm Tata Consultancy Services (TCS) để xúc tiến việc mở rộng. TCS sẽ có trách nhiệm nâng cấp công nghệ, tăng cường bảo mật dữ liệu và xử lý các vấn đề khác.
Từ năm 2017 đến 2019, Ấn Độ phát hành trung bình hơn 10 triệu hộ chiếu mỗi năm. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 6,8 triệu hộ chiếu vào năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận