TTCT - Lệnh phong tỏa toàn quốc với 1,3 tỉ dân ở Ấn Độ có vẻ đã không được tính toán đầy đủ, dẫn tới rất nhiều chật vật cho đời sống của những người lao động dưới đáy xã hội. Những người buôn gánh bán bưng ở Ấn Độ đang rất chật vật vì lệnh phong tỏa quá đột ngột. Ảnh: NYTimes Vào chiều thứ bảy, 28-3, một người đàn ông 39 tuổi tên Ranveer Singh đang di chuyển trên quốc lộ 2 tại Agra, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, bỗng thấy mệt. Anh khởi hành đi bộ từ sáng sớm tinh mơ ngày thứ năm 26-3 từ thủ đô Delhi và tới đây đã vượt được 200km. Còn 85km nữa là anh sẽ về đến quê nhà tại làng Ambah, bang Madhya Pradesh, nơi anh có vợ và ba con đang ngóng chờ bên kia sông Chambel. Nhưng giờ thì anh ôm ngực. Một quán bên đường mời anh vào nằm nghỉ, cho ăn bánh uống trà. Ranveer nói chuyện điện thoại được với gia đình bên vợ, rồi lăn ra chết tại chỗ. Bệnh tim anh có sẵn? Hay anh không chịu đựng được quãng đường dài về quê này? Ba năm qua, anh Ranveer sống ở thủ đô Delhi, làm việc giao cơm cho một nhà hàng. Ngày 25-3, trước hiểm họa lây lan bệnh Covid-19, Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh cấm túc cả nước để “cứu Ấn Độ”. Anh Ranveer sẽ sống thêm được ba ngày nữa. Thủ đô Delhi có hàng trăm ngàn người lao động công nhật như anh, với lương ngày từ 100 - 300 rupee (30.000 - 90.000 đồng). Họ ở nhà trọ hay ở ngay nhà chủ. Khi lệnh đóng cửa được ban hành thì các cơ sở kinh doanh này ngưng ngay hoạt động. Không còn thu nhập, không còn chỗ ở và không còn tiền thì họ làm gì đây? Giá bánh mì (roti) tại Delhi tăng ngay 50 rupee (15.000 đồng) một gói. Họ phải trở về làng thôi, ở quê còn dựa nhau củ sắn miếng khoai nắm gạo. Nhưng lệnh cấm túc cũng khiến xe đò, xe lửa, các phương tiện chuyên chở tư nhân cũng như công cộng ngưng hoạt động. Vậy là trên những con lộ lớn các thành phố, trên các trục giao thông, người ta thấy xuất hiện từng tốp “tị nạn Covid” đi bộ. Phần lớn là thanh niên độc thân, trung niên lao động xa nhà, của cải trong một cái balô, nhiều bạn hai tay thọc túi và không có đến một cái tay nải mang theo. Nhưng cũng có lác đác các gia đình bồng bế, bố ẵm con thơ và mẹ đội vali trên đầu. Kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng ở mức nhất nhì thế giới, vào khoảng 7 - 8% mỗi năm. Nhắc lại, suốt 20 thế kỷ qua, đây là quốc gia giàu có nhất thế giới trong 15 thế kỷ, chỉ nhường Trung Hoa thôi. Hẳn là 30 năm nữa, Ấn sẽ trở lại vị trí anh hai, anh ba này. Năm 2018, kinh tế Ấn qua mặt Pháp, 2019 qua mặt nước Anh và 2025 dự tính qua mặt Đức, 2027 qua mặt Nhật để trở thành nền kinh tế số ba trên thế giới. Vào lúc đó thì đã đến ngày giỗ thứ bảy của anh Ranveer. Phải nhắc lại vì những người như anh cũng góp sức vào cuộc tăng trưởng này. Hiện Ấn đang có 120 triệu lao động công nhật, trong lĩnh vực được gọi là “không có tổ chức”, với lương mỗi ngày bữa thất bữa đắc, cao lắm là đạt 500 rupee (150.000 đồng). Vụ đổi tiền mệnh giá lớn tại Ấn đột xuất năm 2016 để “chống tham nhũng” từng gây khó khăn cho kinh tế và gây hỗn loạn một thời gian. Lệnh cấm túc 21 ngày của chính quyền cũng đột ngột chẳng kém và không kèm theo biện pháp nào giúp đỡ dân chúng. Ta biết chuyện phải trả mấy chục ngàn đôla để lên xe tải container đi chui qua Anh quốc lao động. Ngày 26-3, công an bang Rajasthan kiểm tra hàng “nhu yếu phẩm” của hai xe tải và phát hiện 300 lao động chui trong các xe này. Họ không đi tìm việc ở phương Tây xa vời mà chỉ dùng cách này để chui trốn trở về làng khi mất việc ở trên tỉnh. Hôm 28-3, có 10 người, đàn ông và phụ nữ, bị phát hiện trốn trong một xe thùng phi dùng để chở sữa tại biên giới bang Maharashtra và Gujarat. Họ định dùng cách này để từ khu vực thành phố Mumbai trở về quê nhà ở bang Rajasthan. Khoảng cách là trên 1.000 cây số, khó mà đi bộ được, và may mà chưa có ai trong thùng phi chết ngạt. Ngay sau khi lệnh cấm túc ban hành, công an Ấn lập tức theo chỉ thị, dùng gậy đánh đuổi người vi phạm, xì lốp các xe lôi, xe ba bánh bị bắt gặp di chuyển. Việc cấm túc nghiêm ngặt được đối lập ủng hộ nhưng vấn đề lao động công nhật trở về làng, cũng như tiếp tế thực phẩm các khu vực bình dân và nghèo khó đô thị phải giải quyết, mặc dù chẳng có ai nghĩ đến khi ra biện pháp cấm đi lại. Chính quyền các bang kế cận thủ đô phản ứng tại chỗ, tùy tình hình đây kia, như tìm ra xe chở họ về đến bang hay lập các trạm phát nước, phát thức ăn cho những người đi bộ trở về làng. Công an liên bang cũng nhận được chỉ thị cần thông cảm với thành phần sống dở chết dở này, đừng quất roi nữa, mà tập trung họ trong khi chờ đợi để tìm phương tiện đưa họ về nhà. Chính quyền địa phương cũng lo tìm chỗ để cách ly họ 14 ngày trước khi họ trở về làng và lây lan bệnh nếu có. Con số này không ai biết chính xác, lên đến vài trăm ngàn, lang thang các quốc lộ, chưa nói đến hàng triệu còn cố thủ trong những ổ chuột thành phố, hay tại các hãng xưởng lem nhem là chỗ họ ăn ngủ tại ngay nơi lao động. Thành phần này làm đến đâu ăn đến đó, ráo mồ hôi là hết tiền, trong 21 ngày thì số phận họ sẽ ra sao? Ấn cũng bắt đầu tìm cách tiếp tế các cửa hàng thực phẩm, ấn định giá cả và sắp xếp giờ giấc mua bán... cho quần chúng nói chung, tức là những việc phải nghĩ đến trước khi ban lệnh cấm túc 1,3 tỉ người trên toàn bộ quốc gia. Biến cố đảo lộn sau một đêm kiểu này diễn ra ở Ấn không phải lần đầu dưới thời ông Modi. Ngày 8-11-2016, vào lúc 20h15, ông thủ tướng lên truyền hình cho biết là vào nửa đêm ngày hôm đó, tức là trong 3 tiếng 45 phút nữa, tất cả giấy bạc 500 và 1.000 rupee (150.000 và 300.000 đồng) sẽ không còn giá trị! Thời hạn để đổi tiền là 50 ngày. Mỗi người được đổi 4.000 rupee (1,2 triệu đồng), rút ra khỏi tài khoản ngân hàng là tương đương với 3 triệu đồng một ngày hay 6 triệu đồng một tuần, tại máy ATM thì chỉ được rút số tiền tương đương 600.000 đồng. Ấn Độ là quốc gia có mức sống ngang với Việt Nam, nhỉnh hơn một chút và tăng trưởng cũng cao hơn một chút nhưng đại khái là tương đương, và ta rất dễ hình dung các con số này. Các biện pháp trên làm xáo trộn kinh tế, khiến tổng sản lượng giậm chân trong nhiều tuần và chính quyền trong hai tháng sau đó liên tục nới thêm để sửa sai, nhưng rốt cuộc chuyện đổi tiền này kể như là lắm lôi thôi mà lại vô hiệu quả, tuy nó đã được chuẩn bị kín hở từ trước. Chuyện cấm túc cả nước, bước đầu là trong 21 ngày, lại không được chuẩn bị gì hết, trừ việc công an cảnh sát lúc nào cũng có sẵn roi. Đảng Quốc đại đối lập ủng hộ biện pháp này là cần thiết, qua tuyên bố của chủ tịch đảng là bà Sonja Gandhi. Sau khi có cảnh người lao động lũ lượt rời phố thì bà Priyanka Gandhi (con gái bà Sonja) mới cho biết là cần quan tâm đến vấn đề (bất ngờ) này. Ông Rahul Gandhi (em bà Priyanka và lãnh đạo đối lập tại Quốc hội) sát cánh với nhà nước trong biện pháp cấm túc thì vừa nhận ra là phải tổ chức tiếp tế số dân chúng nghèo khó trong nạn dịch. Thủ tướng Modi cũng ngỏ ý hối tiếc và xin lỗi quần chúng. Trong chuyện sơ xuất này, cả giới lãnh đạo Ấn Độ, cầm quyền cũng như đối lập, phát hiện ra nhiều điều mới lạ, là quốc gia của họ có nhiều người yếu kém, miếng ăn và miếng ở qua ngày chỉ vừa đủ sống, chưa nói gì đến vấn đề y tế và sức khỏe!■ Cấm túc thì lấy gì ăn! The New York Times đã phỏng vấn hàng loạt người lao động nghèo ở Ấn Độ sau lệnh cấm túc. Khoảng 80% trong lực lượng lao động 470 triệu người ở Ấn Độ làm trong lĩnh vực phi chính thức, không hợp đồng, không được luật lao động bảo vệ, rất nhiều người làm việc ngoài đồng ruộng, trong nhà máy, và trên đường phố khắp cả nước. Ashu và hai đứa em trai là dân nhặt rác ở những bãi rác lớn nhất của Delhi. Nếu chăm chỉ, một ngày Ashu có thể kiếm được số tiền tương đương 15.000 đồng. Cậu và hai đứa em không thể tới bãi rác thường như trước kể từ lệnh cấm túc. Cậu sợ gì nhất? “Tôi có nghe nói là có virus từ Trung Quốc, nhưng tôi sợ cảnh sát và không có cái ăn hơn” - Ashu nói. Ramchandran Ravidas, 42 tuổi, là người lái xe lam. Một ngày đẹp trời với anh là kiếm được khoảng 150.000 đồng. Anh ngủ luôn ở chỗ đậu xe. “Nếu không có nhà thì làm sao làm việc ở nhà?”, anh Ravidas hỏi. “Nhà tôi là chiếc xe này đây. Hôm nay là ngày đầu tiên trong đời tôi phải ăn đồ ăn ở chỗ phát từ thiện”. Raj Kumari là một phụ nữ làm nghề quét đường. Bà vốn vẫn làm việc này với chồng, cho tới khi ông qua đời tám năm trước. Bà giờ là lao động chính trong một gia đình còn sáu đứa con nhỏ sau khi con trai lớn nhất của bà bị cho thôi việc cũng vì lệnh phong tỏa. Không còn phương tiện công cộng, bà giờ cũng phải đi bộ hai tiếng mỗi ngày tới nơi làm việc. “Tôi vẫn phải kiếm tiền thôi”, Kumari nói. Bà tất nhiên cũng chẳng có găng tay hay khẩu trang gì. Mohan Singh, 18 tuổi, bán trái cây dạo trên những đường phố Delhi. Singh nói anh lo là chính quyền chỉ lo cho doanh nghiệp lớn, còn những người kinh doanh nhỏ lẻ như anh không được đoái hoài, dù Ấn Độ cũng đã công bố gói cứu trợ 22 tỉ đôla nhằm hỗ trợ hàng triệu người thất nghiệp vì cuộc khủng hoảng hiện tại. “Họ cần phải giúp những người như chúng tôi chứ”, Singh nói. “Những người làm ở ngoài đường như tôi, chứ không phải trong các công ty lớn, mới là đông nhất ở Ấn Độ”. Arjun Chauhan, 18 tuổi, làm nghề giao nước uống. “Nếu tôi ở nhà, gia đình tôi sẽ chết đói còn khách hàng của tôi sẽ chết khát”, anh Chauhan nói. Từ khi phong tỏa, thu nhập bình thường khoảng 200.000 đồng của anh Chauhan đã giảm một nửa. Anh nói gần như ngày nào anh cũng gặp rắc rối với cảnh sát, dù hàng hóa anh chở rõ ràng là thiết yếu. Tags: Ấn ĐộDịch COVID-1913 tỷ dânNhững ngày phog tỏa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.