Ảnh minh họa. Nguồn: marinetraffic.com
Tổng cục Vận tải đường biển của Ấn Độ (DGS) ngày 28/2 thông báo nước này đã bắt đầu triển khai quy định thu hồi giấy phép hoạt động với các tàu chở dầu và chở hàng có tuổi thọ trên 25 năm. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quốc gia có mức phát thải khí nhà kính đứng thứ 3 thế giới này đang tìm cách cắt giảm lượng khí thải và hiện đại hóa đội tàu chở hàng.
Quy định mới cũng cấm việc mua các tàu chở hàng có tuổi thọ trên 20 năm. Theo quy định hiện hành, loại tàu có tuổi thọ dưới 25 năm có thể được mua mà không cần bất kỳ giấy phép kỹ thuật nào. Bên cạnh đó, quy định trên cũng yêu cầu cải thiện điều kiện hoạt động đối với các tàu chở dầu trên 15 tuổi và kiểm tra bổ sung đối với tàu hàng để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế ở mức cao. Các chủ tàu không tuân thủ quy định sẽ bị tước giấy phép hoạt động.
Các tiêu chuẩn mới cũng sẽ áp dụng cho các tàu nước ngoài dỡ hàng ở Ấn Độ. DGS cho biết các tàu đang hoạt động bị ảnh hưởng bởi giới hạn mới về tuổi thọ sẽ được phép ra khơi thêm 3 năm nữa, bất kể tuổi hiện tại của chúng.
Độ tuổi trung bình của đội tàu Ấn Độ đã tăng lên trong những năm gần đây, trái ngược với xu hướng giảm trên toàn cầu. DGS cho rằng Ấn Độ cần hiện đại hóa đội tàu, thông qua việc xét kỹ lưỡng các tiêu chuẩn đăng ký và vận hành tàu. Quy định về độ tuổi giúp loại bỏ dần những tàu chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy sử dụng các tàu tiết kiệm năng lượng/phát thải carbon thấp.
Ấn Độ có kế hoạch trợ cấp tiền mặt, giảm thuế và đưa ra các ưu đãi khác để thúc đẩy ngành đóng tàu của nước này. Kế hoạch trên cũng bao gồm các khoản trợ cấp để thúc đẩy việc đóng tàu mới và đóng các tàu nhỏ chạy bằng điện giúp giảm khí thải carbon.
Hiện tại, Ấn Độ có khoảng 35 công ty đóng tàu, trong đó có một số công ty nhà nước. Mặc dù chi phí sản xuất tại Ấn Độ thấp nhưng các quy định về thuế ở địa phương đang ngăn cản đầu tư vào ngành vận tải biển của nước này./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận