Ngày 8-8, Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức quốc phòng và công nghiệp Ấn Độ, cũng như các tài liệu liên quan, xác nhận New Delhi đã hành động trong vài tháng gần đây.
Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh hai nước láng giềng này đang căng thẳng. Trong khi đó, New Delhi đang hiện đại hóa quân sự theo hướng tăng cường sử dụng drone và các nền tảng tự động khác.
Ấn Độ lo ngại an ninh
Tuy nhiên ngành công nghiệp quân sự của Ấn Độ vẫn còn non trẻ và phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc. Điều này khiến các nhà lãnh đạo an ninh của Ấn Độ lo ngại rằng các phụ tùng do Trung Quốc sản xuất đảm nhiệm các chức năng liên lạc, ghi hình, truyền dẫn vô tuyến và phần mềm điều hành có thể dùng để thu thập thông tin tình báo.
Theo Reuters, nhiều quan chức giấu tên trong lĩnh vực quốc phòng, công nghiệp đã xác nhận thông tin này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa lên tiếng.
Reuters cũng dẫn các tài liệu cho thấy động thái này là bước hành động tiếp theo sau khi New Delhi bắt đầu hạn chế nhập khẩu thiết bị không người lái kể từ năm 2020.
Theo đó, tại các cuộc họp vào tháng 2 và 3 thảo luận về đấu thầu cung cấp drone, các quan chức quân đội Ấn Độ đã nói với các nhà thầu rằng thiết bị hoặc phụ tùng từ "các quốc gia có chung biên giới đất liền với Ấn Độ sẽ không được chấp nhận vì lý do an ninh".
Một tài liệu đấu thầu khác cho biết các phụ tùng này có "lỗ hổng an ninh" giúp xâm nhập dữ liệu quân sự quan trọng và yêu cầu các nhà cung cấp tiết lộ nguồn gốc của những thiết bị này.
Bắc Kinh trước đó đã phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công mạng.
Không chỉ Ấn Độ, Quốc hội Mỹ vào năm 2019 cũng đã cấm Lầu Năm Góc mua hoặc sử dụng thiết bị không người lái và các phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc.
Hiện đại hóa quân sự
Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang củng cố hệ thống drone để đối phó với các nguy cơ, nhất là từ Trung Quốc. Hai quốc gia tỉ dân đã xảy ra nhiều vụ đụng độ căng thẳng ở biên giới những năm qua. Theo đó, New Delhi sẽ dành gần 20 tỉ USD cho hiện đại hóa quốc phòng giai đoạn 2023-2024.
Tuy nhiên, việc cấm các phụ tùng từ Trung Quốc sẽ gây khó cho các nhà sản xuất trong nước của Ấn Độ. New Delhi vẫn đang dựa phần lớn vào các đối tác nước ngoài để cung cấp phụ tùng và công nghệ sản xuất drone.
Ông Sameer Joshi, lãnh đạo Công ty NewSpace Research and Technologies có trụ sở tại Bengaluru, nhà cung cấp máy bay không người lái cỡ nhỏ cho quân đội Ấn Độ, cho biết 70% hàng hóa trong chuỗi cung ứng được sản xuất tại Trung Quốc.
Do đó, việc chuyển sang các đối tác khác sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, thậm chí khiến một số nhà sản xuất "nhập chui" phụ tùng từ Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận