02/04/2013 07:43 GMT+7

Ấn Độ bác đơn kiện của hãng dược Novartis, Thụy Sĩ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Tòa án tối cao Ấn Độ vừa bác bỏ đơn kiện của Hãng dược Thụy Sĩ Novartis về bằng sáng chế thuốc chống ung thư Glivec. Phán quyết mang tính cột mốc này sẽ bảo vệ nguồn cung thuốc phiên bản giá rẻ cho bệnh nhân các nước nghèo ở châu Á và châu Phi.

Báo The Times of India đưa tin ngày 1-4, Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết khẳng định phiên bản hiện tại của thuốc Glivec trị bệnh bạch cầu tủy do Novartis sản xuất “không mới mẻ hay sáng tạo”. Do đó, Ấn Độ đã đúng khi không cấp bằng sáng chế cho loại thuốc này. Luật pháp Ấn Độ cấm các công ty dược đòi bằng sáng chế thuốc bằng trò thay đổi chút ít loại thuốc hiện tại và quảng cáo là thuốc mới.

Đại gia dược phẩm Novartis đã đâm đơn kiện đòi bằng sáng chế thuốc Glivec tại Ấn Độ từ năm 2006. Lý do Novartis đưa ra là phiên bản hiện tại của thuốc Glivec ngấm vào cơ thể người bệnh nhanh hơn 30% so với loại thuốc cũ. Thuốc Glivec cũ của Novartis được cấp bằng sáng chế ở Mỹ và châu Âu trong thập niên 1990. Nhưng khi đó, Ấn Độ chưa áp dụng hệ thống bằng sáng chế cho các loại thuốc.

Người nghèo hưởng lợi

Với phán quyết này, các công ty Ấn Độ sẽ tiếp tục được sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ (generic) của thuốc Glivec với giá cho người dùng chỉ 73 USD/tháng. Trong khi sản phẩm của Novartis được Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép từ năm 2001, có giá tới 4.000 USD/tháng.

Báo New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết các quốc gia đối tác thương mại của Ấn Độ đã gây sức ép buộc chính quyền New Delhi nhượng bộ trong vụ kiện bản quyền thuốc Glivec. Thời gian qua, Washington và Hiệp hội Các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ (PRMA) đã vận động hành lang dữ dội với Ấn Độ. Chính quyền Tổng thống Obama thậm chí muốn các quốc gia đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải đồng ý cấp bản quyền cho các trường hợp tương tự như thuốc Glivec. Tuy nhiên, Ấn Độ đã không đầu hàng.

AFP dẫn lời luật sư Anand Grover thuộc Hiệp hội Hỗ trợ bệnh nhân ung thư (CPAA) đánh giá phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ sẽ giúp đảm bảo nguồn cung thuốc phiên bản giá rẻ cho bệnh nhân nghèo. Luật sư Pratibha Singh của Hãng dược Ấn Độ Cipla nhấn mạnh: “Phán quyết này có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Ấn Độ mà còn với các quốc gia đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin”.

Ý nghĩa to lớn

Theo Reuters, Hãng luật Hariani ở New Delhi cho biết phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ cũng sẽ trở thành tiền lệ cho các vụ kiện đòi bằng sáng chế thuốc tại quốc gia này. Thuốc chống ung thư Sutent của Hãng dược Pfizer và thuốc trị viêm gan C Pegasys của Roche đã mất bản quyền ở Ấn Độ hồi năm ngoái, và tiền lệ ngày 1-4-2013 sẽ khiến hai đại gia này rất khó giành lại bản quyền.

Tương tự, hồi tháng 1-2013 Hãng dược Ấn Độ Glenmark đã xuất xưởng phiên bản giá rẻ của thuốc chống tiểu đường Januvia do Hãng dược Mỹ Merck sản xuất. Merck đe dọa sẽ đâm đơn kiện. Hãng Gilead Sciences đang kháng cáo vụ Ấn Độ từ chối cấp bằng sáng chế thuốc trị HIV/AIDS Viread. Hãng Roche cũng đang kiện đòi bằng sáng chế thuốc trị ung thư Tarceva ở nhiều tòa án tại Ấn Độ.

New York Times dẫn lời giáo sư luật Brook K.Baker thuộc ĐH Northeastern (Mỹ) cho rằng các hãng dược phương Tây thực tế muốn dùng chiêu kiện tụng để đánh vào ngành công nghiệp dược giá rẻ của Ấn Độ. Bởi một phán quyết có lợi cho Novartis không chỉ khiến các công ty Ấn Độ hạn chế sản xuất thuốc phiên bản của Glivec và nhiều loại thuốc chính hãng khác, mà cả những loại thuốc tương lai. “Ngành dược phương Tây muốn phá hủy năng lực sản xuất thuốc giá rẻ của Ấn Độ” - giáo sư Baker nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ấn Độ đáp ứng 25% nhu cầu thuốc phiên bản giá rẻ toàn cầu. Xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ hiện lên đến 10 tỉ USD/năm. Theo MSF, 80% thuốc phiên bản chống HIV/AIDS tiêu thụ tại châu Á và châu Phi được sản xuất ở Ấn Độ.

qfrzeHNO.jpgPhóng to
Người dân Ấn Độ biểu tình chống vụ kiện của Novartis tại New Delhi hồi tháng 7-2012 - Ảnh: AFP
SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên