"Sượng" với tiền gửi xe
Mới đây, người dùng mạng xã hội tranh cãi về câu chuyện của một TikToker bán gỏi đu đủ trộn thu tiền gửi xe khi khách đến quán ăn.
Quán của TikToker này vừa mở tại Bình Dương chưa lâu, thời gian đầu quán vẫn miễn phí tiền gửi xe. Nhưng khi lượng khách tăng, chủ quán đã thu tiền gửi xe với giá mỗi chiếc 3.000 đồng.
Theo lý giải của chủ quán, vì chỗ giữ xe trước đây người ta cho mượn nên không lấy tiền khách, giờ họ chuyển sang cho thuê nên quán phải thu tiền gửi xe để trả tiền mặt bằng.
Nguyễn Thị Thanh Phương (22 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết cô khá thất vọng khi lặn lội từ TP.HCM xuống Bình Dương để ăn, lại còn tốn thêm phí giữ xe.
"Trước đây, tôi đã ghé quán hai lần, lúc đó còn chỗ cũ chưa dời tới nơi này, nhân viên rất nhiệt tình, giữ xe cũng chẳng mất phí. Lần này tôi khá bất ngờ khi tới tận đây ủng hộ mà còn tốn thêm tiền gửi xe", Phương nói thêm.
Cô gái trẻ cho biết 3.000 đồng là số tiền lẻ, nhưng nó khiến những khách hàng cảm thấy hơi "sượng" vì đã trả hết trong hóa đơn, khi về lại còn bị đòi thêm tiền gửi xe.
Tại TP.HCM, câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở nhiều nơi.
Có lần tôi đi uống nước ở một quán cà phê trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), vừa chạy xe tấp vào quán thì bảo vệ hướng dẫn chạy sang siêu thị đối diện để gửi xe vì quán đã hết chỗ.
Tổng tiền thanh toán của tôi và người bạn hơn 100.000 đồng, lại "đứt" thêm khoản tiền gửi xe tính theo giờ ở trung tâm thương mại là 20.000 đồng.
Đáng nói, phía quán cà phê không có bất kỳ sự hỗ trợ chi phí nào cho khách dù đã tốn tiền đến đây để uống nước.
Thậm chí, một quán cơm tấm đêm trên đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh) giá chỉ 30.000 đồng/đĩa nhưng khi đến ăn, thực khách lại phải tốn thêm 5.000 đồng gửi xe ở bãi đối diện.
Càng khó hiểu hơn khi bãi giữ xe tự phát này do người thân của chủ quán cơm mở và thu tiền. Khách tốn 5.000 đồng cho mỗi chiếc xe, nhưng có đảm bảo an toàn tài sản không thì chẳng ai biết được vì anh chàng giữ xe cứ chốc chốc lại chạy sang quán để phụ bưng cơm, nướng thịt.
Võ Thị Thu Thảo (22 tuổi, TP Thủ Đức) đến ăn lần đầu ở quán này cũng chính thức xin "bái bai" vì vừa ăn vừa thấp thỏm lo sợ chiếc xe không cánh mà bay.
"Tốn thêm tiền giữ xe đã thấy bực mình rồi, đằng này người giữ xe còn chẳng tập trung công việc, đưa phiếu cho khách xong lại chạy qua phụ quán. Tôi vừa ăn vừa phải trông chừng xe", Thu Thảo bức xúc.
Thực tế, nhiều quán ăn hay tiệm cà phê không có mặt bằng rộng để giữ xe cho khách đã giải quyết chu đáo hơn bằng cách hỗ trợ chi phí gửi xe ở bãi mà quán có liên kết trước. Thường khách sẽ nhận được hỗ trợ 50%, hoặc chỉ cần cầm hóa đơn thanh toán của quán đưa cho nhà xe thì sẽ được miễn phí.
Hoặc có nhiều quán giải quyết vấn đề thuê mặt bằng gửi xe bằng tính vào giá sản phẩm. Như vậy khách hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn và cảm thấy vui vẻ hơn nhiều.
Khăn ướt, trà đá… trên những hóa đơn tiền triệu
Nước lọc hay trà đá tưởng chừng là thứ không thể thiếu trong những quán ăn, ấy vậy mà vẫn có nhiều quán không phục vụ hai loại nước cơ bản này để "câu" thêm tiền khách.
Có lần tôi ghé một quán phở trên đường Hoàng Diệu 2 (TP Thủ Đức), không gian rộng rãi, mát mẻ, mỗi tô cũng có giá 45.000 đồng trở lên. Nhưng ngó nghiêng mãi chẳng thấy có bất kỳ bình trà đá hay nước lọc nào cho khách uống.
Hỏi ra, chủ quán cho biết nếu uống trà đá thì 5.000 đồng/ly, nước lọc 10.000 đồng/chai, cứ vậy tính tới.
Nhiều khách không khỏi khó chịu khi đến ăn ở những quán kiểu như thế này. Từ những dịch vụ cơ bản để níu chân khách hàng, giờ đây nếu muốn dùng thì phải bỏ thêm tiền để gọi.
Trong khi đó, những quán ăn bình dân lúc nào cũng có bình trà đá mát lạnh, hay bình nước lọc với chồng ly nhựa lịch sự được chuẩn bị sẵn ngay cửa ra vào.
Một câu chuyện thường thấy khác ở các quán nhậu là họ sẽ không phục vụ khăn giấy khô. Thay vào đó quán sẽ đem ra khăn ướt, khách dùng bao nhiêu thì sẽ tính tiền bấy nhiêu.
Nhiều nơi cũng tự động mang trà đá và đậu phộng ra bày sẵn trên bàn trong thời gian khách đợi món. Ai mới tới những quán này lần đầu trót nghĩ là miễn phí thì khi tính tiền sẽ rất bất ngờ khi dĩa đậu phộng nhỏ xíu có giá tới 20.000 đồng, trà đá 15.000 đồng/bình.
Nguyễn Hoàng Nguyên (22 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết anh thường xuyên "dính bẫy" kiểu như thế này.
"Đặc biệt là khi đi ăn những quán nướng, dầu mỡ lem luốc mà quán không có cả khăn giấy cho khách thì thật sự khó hiểu. Những lúc đó bắt buộc mình phải bỏ thêm tiền để gọi khăn ướt ra lau. Mất thiện cảm hẳn với quán!" - Nguyên bày tỏ.
Tổng hóa đơn thanh toán một chầu như vậy thường hết vài triệu, nhưng lại phát sinh thêm những khoản lẻ tẻ như trà đá, khăn ướt thì thật sự không phải ai cũng vui.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận