16/09/2017 15:05 GMT+7

An, đi tiếp hay dừng lại?

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Luôn có trong chiếc ví cũ nát của An là tấm giấy chứng minh nhân dân của mẹ - vật duy nhất mẹ để lại, nhắc nhớ những lời sau cuối: “Con đừng quên các em”.

An, đi tiếp hay dừng lại? - Ảnh 1.

Viết An đi phụ xe cho một xưởng may để kiếm tiền trở lại trường- Ảnh: M.VINH

Tôi không tin câu "Sài Gòn hoa lệ” - hoa của người giàu và lệ của người nghèo. Tôi chỉ tin mình sẽ không dừng lại nếu mình còn muốn đi tiếp. Hoa hay lệ là ở mình...

Nguyễn Viết An

Năm 2015 khi Nguyễn Viết An (thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) vừa nhập học Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Q.1, TP.HCM) thì mẹ qua đời sau ba tháng bạo bệnh.

Trụ cột gia đình

Ngày ngày An vẫn đến giảng đường và tìm mọi cách để tự nuôi mình. Lúc này hai em của An sống nhờ nhà dì ruột. Mọi chuyện học hành của các em do bố An - ông Nguyễn Văn Thiên - trang trải bằng công việc thuê mướn, dẫu bản thân cũng đau ốm liên miên.

Học ở quận 1 nhưng An thuê nhà tận Q.Thủ Đức cho rẻ. Tiền phúng điếu trong đám ma của mẹ, An dành một phần cho giỗ đầu, một phần cho những dịp cúng cơm hai năm sau đó. 

Một triệu cuối cùng, An "xin" mẹ làm hành trang đi học xa. Số tiền đó vừa đủ cho một tháng tiền nhà, hai thùng mì gói và một tập véxe buýt.

"Tháng đầu tiên ở Sài Gòn, mẹ "nuôi" tôi bằng tiền hương khói" - An nghẹn lời. Mỗi trưa khi bạn bè vào căngtin, An lặng lẽ đi bộ qua xóm lao động khu Vân Đồn (Q.4, TP.HCM). 

"Ăn ở đó rẻ được vài ngàn tùy thức ăn" - An kể và cười rằng mình thường chỉ kêu cơm trắng chan thêm ít nước cá kho. Thỉnh thoảng chủ quán để ý gắp cho khúc cá bị nát. Với An hôm đó là tiệc.

Tranh thủ ba ngày cuối tuần được nghỉ học, An xin đầu quân cho một công ty bảo vệ và làm ba ca mỗi ngày. An thật thà: "Không được làm một chỗ liên tục ba ca nên tôi đăng ký làm ba chỗ khác nhau. Hết chỗ này tôi chạy qua chỗ khác. 

Nói khó tin nhưng tôi thức trắng, thỉnh thoảng ngủ gục. Thời gian trống giữa các ca là lúc tôi vừa đi, vừa chạy bộ qua chỗ làm của ca sau". Sự khắc nghiệt, tằn tiện ấy giúp An đủ chi tiêu và đủ cho các em đi học.

Giữa năm 2016 khi đang về Nam Định (An quê gốc Nam Định) chuẩn bị giỗ đầu cho mẹ thì bố An bị tai biến nặng và liệt nửa người. Không còn lựa chọn nào khác, bởi gánh mưu sinh giờ đây không chỉ cơm áo cho cả nhà mà còn thêm phần thuốc men cho bố, An xin nghỉ học.

Khi thầy hỏi, bạn chỉ đáp gọn "con chán học" rồi vội bước mau, vì biết mình không kìm được những giọt nước mắt nếu nói nhiều hơn.

Nói nghỉ học là để mọi người không hỏi thêm nhiều và giữ những khó khăn cho riêng mình nhưng thực ra An chỉ bảo lưu kết quả như cách tự cho mình cơ hội, hi vọng quay lại giảng đường.

"Cách duy nhất để "đừng quên các em" như lời mẹ dặn là đi học và có một cái nghề. Người ta suôn sẻ thì học thẳng một hơi. Mình khó khăn, phải tính toán mọi phương án để chạm tới đích" - An rắn rỏi.

Nhịn ăn để được đi học

An ngược ra Hải Phòng nuôi bố nằm viện. Rồi số tiền tích cóp cũng hết sạch. An rơi vào thế khó, để bố nằm viện một mình cũng không được nhưng nếu ở suốt trong bệnh viện thì chẳng thể có tiền. 

Những lần ngồi ở hành lang, bạn thấy một nhóm thợ cứ tuần tự ba ngày/tuần đi sửa chữa đồ dùng trong bệnh viện. Vậy là bạn "đánh bạo" xin phụ việc và tự tin giới thiệu mình là học viên trường nghề, chuyên về điện - cơ khí. 

Mức lương của lao động phổ thông được trả theo ngày, với An là chiếc phao cứu mấy cha con trong hơn bốn tháng.

Bố xuất viện nhưng không thể tự đi đứng được. An quay lại Lâm Đồng làm thuê, phụ xe tải cho một xưởng may để gửi tiền ra Nam Định chăm bố và nuôi em. 

Những dòng tâm sự trên Facebook, An dành riêng cho mình: "Ai cũng được sống chung với ba mẹ, được đi học, còn mình thì sống được bên mẹ bao năm chứ? 15 năm rau muống luộc đã làm động lực để mình đến trường mỗi ngày. Rồi gắng gượng đi tiếp bằng những bữa bánh mì, mì gói. 

Cơ hội duy nhất nhưng cũng leo lét để thoát khỏi cái nghèo là học. Vậy mà giờ đây ngọn đèn leo lét ấy có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Cái nghèo đã thấm vào máu rồi chăng? Sự nghiệp sẽ ra sao, tương lai sẽ bấp bênh thế nào khi mà (họ hàng - pv) bắt mình về lại quê cũ bán mặt cho đất bán lưng cho trời?"...

Kết thúc dòng tâm sự là câu hỏi cho chính mình: "An, đi tiếp hay dừng lại?".

Bà Đinh Thị Thu Hoài, dì ruột của An, kể: "Nếu không vì quá ngặt nghèo, An sẽ không nghỉ học dù chỉ một ngày". Bà bảo An đi phụ xe lúc sáng sớm, đến 2 giờ sáng mới về nhà. Tiếng cửa vào nhà có thể không nghe nhưng tiếng lục nồi thì rất rõ. 

"Có lần tôi xuống bếp hỏi, nó vừa bưng tô cơm vét đáy nồi vừa nói tiền ăn, đi đường được chủ khoán 60.000 đồng/ngày. Nó nhịn ăn để tiết kiệm. Hỏi ăn trưa thì sao, An "khai" khi ăn sáng ở nhà chủ, nếu ăn đồ khô thì nó chừa một ít mang theo. Nếu là món nước thì An mua cái bánh tiêu ăn dọc đường".

Chị Hoài rơm rớm nước mắt: "Cháu nhịn đói nhịn khát để tích cóp tiền làm học phí. Tiền lương gửi trọn cho bố, cho em".

Cận ngày nhập học, An vẫn thoăn thoắt vác từng kiện hàng từ xe tải vào giao cho các cửa tiệm trong chợ Đà Lạt, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt rắn rỏi.

177 suất học bổng cho sinh viên các tỉnh Tây Nguyên

Hôm nay, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), báo Tuổi Trẻ phối hợp với các tỉnh đoàn khu vực Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Đài PT-TH Lâm Đồng trao học bổng "Tiếp sức đến trường" (thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 455 của báo Tuổi Trẻ) cho 177 tân sinh viên vượt khó học giỏi.

Trong đó có 10 suất đặc biệt trị giá 10 triệu đồng và 167 suất trị giá 7 triệu đồng.

Tổng trị giá hơn 1,2 tỉ đồng trích từ nguồn quỹ Giải golf gây quỹ "Tiếp sức đến trường" (do Công ty CP Phân bón Bình Điền - VTV9 Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ, Công ty CP đầu tư và kinh doanh golf Long Thành tổ chức) tài trợ.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và trên tuoitre.vn, tv.tuoitre.vn.

Năm 2017, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn xét trao học bổng cho hơn 1.700 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 13 tỉ đồng, trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL, 19 tỉnh thành phía Bắc, sáu tỉnh Tây Bắc.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên