19/08/2018 15:49 GMT+7

Án dân sự xử sai: Trầy trật đòi bồi thường

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Tuy nhiên, 8 năm qua chưa có vụ việc nào được giải quyết bồi thường.

Án dân sự xử sai: Trầy trật đòi bồi thường - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Sơn mất cả chục năm đi kiện và đòi bồi thường, nhưng tòa án cho rằng bản án bị hủy không gây ra thiệt hại cho ông - Ảnh: T.L.

Vụ việc của ông Lê Hồng Sơn (ngụ tỉnh Phú Yên) là một ví dụ điển hình tình trạng thẩm phán xử sai nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Xử sai nhưng không gây thiệt hại?

Năm 2004, ông Sơn bị em gái khởi kiện ra TAND huyện Tuy An yêu cầu trả lại 450m2 đất. Tòa sơ thẩm buộc ông Sơn phải giao trả toàn bộ diện tích đất cho em gái. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Phú Yên bác kháng cáo của ông Sơn, tuyên y án sơ thẩm.

Cả hai bản án này sau đó bị TAND tối cao tuyên hủy để xét xử lại vì có những sai sót nghiêm trọng. Khi xử phúc thẩm lần 2, TAND tỉnh Phú Yên tuyên công nhận 450m2 đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Sơn.

Trong hơn chục năm theo kiện, ông Sơn tốn không ít chi phí ra tận Hà Nội để gửi đơn kháng nghị giám đốc thẩm, bỏ bê công việc..., nên sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông đã gửi đơn yêu cầu TAND tỉnh Phú Yên có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của tòa phúc thẩm trong việc ra bản án trái pháp luật để làm căn cứ yêu cầu bồi thường 3,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Yên cho rằng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, ra bản án khi chưa có đủ căn cứ vững chắc chứ không phải ra bản án trái pháp luật, không cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Ngoài ra, tòa cũng cho rằng các thiệt hại do ông Sơn liệt kê là không có căn cứ, không đúng với thực tế. Do đó, TAND tỉnh Phú Yên không chấp nhận đơn yêu cầu bồi thường này. Hiện ông Sơn vẫn gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan thẩm quyền nhưng chưa có kết quả.

Trường hợp khác là ông Phan Hồng Phương (ngụ xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã gửi hàng chục đơn đến TAND tỉnh Tiền Giang và TAND cấp cao tại TP.HCM, yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự nhưng chưa được giải quyết.

Ông Phương là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Năm 2012, TAND TP Mỹ Tho xét xử và bác yêu cầu khởi kiện của ông. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã y án sơ thẩm. Hai bản án này sau đó bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy.

Khi xử sơ thẩm lại, TAND TP Mỹ Tho chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phương, công nhận ông và ba người khác được quyền thừa kế hơn 700m2 đất do mẹ ông để lại.

Cho rằng việc theo đuổi vụ kiện mất 6 năm, phải chịu nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần, ông Phương làm đơn yêu cầu TAND Tiền Giang bồi thường hơn 1 tỉ đồng vì ra bản án trái pháp luật. Tuy nhiên, tòa này đã trả lại đơn vì cho rằng thẩm phán không có hành vi ra bản án trái pháp luật.

Quy định "đánh đố" người dân

Mặc dù xử sai bị hủy, sửa như trường hợp của ông Sơn, ông Phương là rất nhiều nhưng theo thống kê của Cục Bồi thường nhà nước Bộ Tư pháp, tính từ năm 2010 đến nay chưa có vụ việc nào được giải quyết bồi thường.

Cũng chưa có trường hợp nào người có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong lĩnh vực tố tụng dân sự.

Lý giải về nguyên nhân này, một cán bộ Cục Bồi thường nhà nước cho biết theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nếu muốn được bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, đương sự phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, có thiệt hại thực tế do hành vi trái luật này.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, quy định này không khác nào "đánh đố" người dân, bởi để có các văn bản trên là quá khó.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: "Trường hợp của ông Sơn, muốn được bồi thường thì ông phải có văn bản của tòa xác định thẩm phán ban hành bản án trái luật. Đáp ứng điều kiện này không phải dễ, nếu không nói là bất khả thi, trừ trường hợp quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án gây hậu quả quá nghiêm trọng hoặc gây bức xúc dư luận".

Cũng theo luật sư Công, thông tư liên tịch số 01 của TAND tối cao - Viện KSND tối cao và Bộ Tư pháp quy định người yêu cầu bồi thường oan sai có thể dùng hai loại văn bản khác là: quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của chánh án tòa án xác định thẩm phán có hành vi ra bản án trái pháp luật nhưng chưa bị khởi tố và quyết định xử lý kỷ luật đối với thẩm phán ra bản án trái pháp luật nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, để có được các văn bản trên không dễ dàng chút nào nếu tòa án các cấp không quyết liệt trong việc giải quyết cho người dân.

Một thẩm phán TAND TP.HCM cho rằng việc ban hành quyết định thẩm phán ra bản trái pháp luật là rất khó có căn cứ. "Bên cạnh hiện tượng nể nang, bao che cho cấp dưới thì hiện nay án dân sự có tình trạng xử sao cũng được. Không có căn cứ rõ ràng, cụ thể cho khái niệm thẩm phán ra bản án dân sự trái pháp luật.

Vì vậy, án bị hủy nhiều nhưng nguyên nhân là do quan điểm của thẩm phán, do vô ý chứ không phải cố tình. Đó là lý do đương sự có án bị hủy không bao giờ có cơ hội được bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự" - vị thẩm phán này cho biết.

* Luật sư Nguyễn Thành Công: Cần quy định rõ trình tự thủ tục

Bản án dân sự bị hủy do hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng gây ra thì người bị thiệt hại phải được bồi thường. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật hiện hành còn khá nhiều bất cập nên thực tế chưa ai được bồi thường.

Quy định cần phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng mới đủ điều kiện đòi bồi thường như Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là điều khó khả thi.

Lẽ ra Nhà nước là chủ thể (được thẩm phán xử sai đại diện) gây ra sự sai trái phải tự mình xác định lỗi sai và bồi thường, chứ không phải đá quả bóng trách nhiệm về cho người dân như hiện nay.

Bên cạnh đó, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng liệt kê những trường hợp được bồi thường tương tự như quy định trong những trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đồng thời quy định luôn về trình tự thủ tục, giới hạn thời gian để xác định, ra văn bản kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong luật. Có như thế mới tạo nên sự rõ ràng, cụ thể và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Tránh lạm dụng “lật lại” các bản án dân sự

TTO - “Án dân sự xử sao cũng được!”. Đó là câu nói “cửa miệng” của nhiều người khi nói về việc vận dụng pháp luật tùy tiện trong các vụ dân sự. Nguyên nhân do đâu?

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên