Thượng tướng Võ Trọng VIiệt - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong những chia sẻ với Tuổi Trẻ về câu chuyện gìn giữ hòa bình, ổn định tại biên giới, thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh các biện pháp "mềm" để giữ biên giới, chủ quyền đất nước.
Đó là khoán bảo vệ rừng, với phương châm giúp người dân cải thiện đời sống, làm giàu từ rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.
Thứ hai là chương trình nhân dân tự quản đường biên giới, có nhân dân thì lũy thép biên cương mới bền vững.
Thứ ba là kết nghĩa nhân dân hai biên giới, ngoài lực lượng chức năng, nhân dân hai bên coi đó là đường biên chung để có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ, giám sát, phát hiện các vấn đề tại biên giới.
Thứ tư là cả nước hướng lên biên giới, như lập trạm quân dân y kết hợp, đưa cán bộ đến cùng tham gia sinh hoạt với địa phương, giúp nhân dân ổn định kinh tế.
Mình không chỉ giúp dân mình
* Trong những năm gần đây, quân đội không chỉ giúp người dân biên giới ở phía Việt Nam mà cả các nước bạn. Điều đó cũng là một kế sách để giữ biên cương như ông nói?
Không có quan niệm mình chỉ giúp dân mình. Dân biên giới thì ở đâu cũng khó khăn, nếu giúp thoát được nghèo thì ở đâu họ cũng chịu ơn. Trước đây biên phòng và địa phương luôn chủ động thực hiện, nhưng những năm gần đây có hẳn các chương trình.
Điển hình ở các vùng biên giới giáp Lào và Campuchia, Bộ Tư lệnh biên phòng có chương trình "Nâng bước em đến trường" để hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học ở cả Việt Nam và nước bạn... Rồi những đoàn khám bệnh từ thiện của các bệnh viện 108, Việt Đức, Việt Xô, Chợ Rẫy... hay bác sĩ ở các điểm trạm xá quân dân y vùng biên giới khám bệnh cho cả người Việt Nam và người dân nước bạn, không phân biệt gì.
Khi chúng ta giúp dân cả hai bên biên giới thì người dân bất kể nước nào đều thấy bảo vệ đường biên là trách nhiệm chung của mỗi nước. Quan điểm như vậy sẽ bền vững, đó là những chủ trương lớn trong hàng ngàn chủ trương đã triển khai.
Thượng úy Nguyễn Duy Thuần, trạm biên phòng Cả Trốt (xã Khánh Hưng, Vĩnh Hưng, Long An), khám bệnh cho bé Phích Cuông Kia, con trai chị Xôm Phích ở xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) - Ảnh: SƠN LÂM
"Bạn hiểu mình - mình hiểu bạn"
* Ở biên giới Tây Nam năm 2015, một số phần tử cực đoan phía Campuchia từng kéo đến các cột mốc tụ tập, xô xát. Khi ấy chúng ta giải quyết vấn đề này bằng biện pháp hòa hiếu như thế nào?
Đây là điều đáng tiếc trong việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia vẫn đang tiến hành, chưa hoàn thiện. Lợi dụng việc này, Đảng CNRP đối lập vu khống Đảng nhân dân Campuchia (CPP) thỏa hiệp với Việt Nam trong vấn đề biên giới.
Khi đó, Thủ tướng Hun Sen và các cơ quan chức năng CPP bày tỏ thái độ rất quyết liệt, phía Việt Nam cũng làm cho phía Campuchia, kể cả lực lượng đối lập phía Campuchia, hiểu được bản chất vấn đề.
Cao trào sự việc này là ở cột mốc 203 tại Mộc Hóa (Long An) khi CNRP huy động hàng ngàn người qua tụ tập, nhưng chúng ta phối hợp chặt chẽ với phía Campuchia, chủ yếu là nhân dân hai bên biên giới đấu tranh để vạch trần âm mưu của CNRP.
Tự người dân Campuchia thấy được đúng - sai, thiện - ác, thấy được thiện chí của lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam và cuối cùng các phần tử xấu phía Campuchia đã phải rút đi.
Đến nay, mọi biến động xảy ra trên biên giới đều được biên phòng Quân khu 7, Quân khu 9 phối hợp nắm kịp thời trên tinh thần "bạn hiểu mình - mình hiểu bạn".
Gắn bó với đồng bào như máu mủ thì đồng bào trả ơn bằng việc giữ gìn biên cương.
Thượng tướng VÕ TRỌNG VIỆT
* Với biên giới với Trung Quốc, biện pháp để gìn giữ chủ quyền có đặc thù gì?
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có lúc thăng trầm, nhưng về tổng thể hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc và vịnh Bắc Bộ, phía Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định đó là thành công của hai đảng, nhà nước, quân đội... Đây cũng là điểm sáng, là bài học kinh nghiệm để tiến hành phân định trên biển.
Một trong những hoạt động đáng chú ý ở biên giới hai nước trong nhiều năm qua là các giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, xuất phát từ đề xuất của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc hưởng ứng.
Đến nay đã tổ chức 4 lần, mỗi lần đều có nội dung sâu hơn, thiết thực, nâng tầm cao hơn. Lần đầu tổ chức tại Đông Hưng (Móng Cái) chỉ giao lưu hữu nghị "trên bàn giấy".
Sau đó hai nước đã đi đến thực địa là tuần tra chung, xây dựng công trình hữu nghị, tham quan một số đơn vị có kinh nghiệm trong việc bảo vệ biên giới.
Và lần thứ 4 diễn ra ngày 24-9 tại cửa khẩu Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) là lần gặp gỡ trên thực địa biên giới ở cấp cao nhất từ trước đến nay giữa đại tướng Ngô Xuân Lịch (bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam) và thượng tướng Phạm Trường Long (phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc).
Các cuộc giao lưu, gặp gỡ này đã chứng tỏ quyết tâm của hai nước trong việc giữ biên giới không có xung đột. Đó là thông điệp gửi đến nhân dân biên giới hai nước và với cả cộng đồng quốc tế.
Kiên trì sẽ thành công
* Có phải ông là người đã đưa đồng bào dân tộc Chứt rời bỏ cuộc sống trong hang đá về bản định canh định cư ở Hà Tĩnh?
- Tôi chỉ là người đề xuất, bởi trong một thời gian dài người Chứt sống trong hang núi, không biết chăn nuôi sản xuất với quan niệm "đói không lo, no không mừng".
Sau khi đi thực tế, tôi đề xuất nên đưa anh em biên phòng lên ở cùng họ. Đầu tiên bày cho họ biết giữ vệ sinh, sau đó chỉ họ cách trồng lúa, khoai, ngô.
Thứ nữa là tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết nếu không giúp họ thì có nguy cơ tuyệt chủng. Lại phải đưa quân y vào để thay thầy mo thầy cúng, đưa văn minh vào.
Dần dần khi bà con có ý thức định cư tại chỗ thì phải làm nhà, giúp họ lao động sản xuất. Kiên trì nhiều năm trời mới thành, ngày càng tin, càng nghe bộ đội.
Từ kinh nghiệm của Hà Tĩnh, sau này tôi đã cho biên phòng các địa phương biên giới lên giúp đỡ đồng bào La Hủ ở Mường Nhé (Lai Châu), hay Đan Lai ở Con Cuông (Nghệ An)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận