07/06/2016 00:18 GMT+7

Ăn cơm sao cho đúng?

MINH NHIÊN
MINH NHIÊN

TTO - Phân nửa dân số thế giới dùng gạo như là lương thực chính và nhiều nghiên cứu cho thấy loại thực phẩm này làm gia tăng mạnh lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, theo giáo sư Jeyakumar Henry - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng lâm sàng Singapore (CNRC), việc lượng đường trong máu gia tăng khi ăn cơm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng gạo dùng, món ăn chung với nó và thậm chí là... cách ăn cơm.

Năm 2014, CNRC thực hiện một nghiên cứu ở món cơm gà, một món ăn khoái khẩu của người châu Á. Kết quả cho thấy chỉ số glycaemic (GI) của gạo trắng là 96 và khi được dùng chung với các thực phẩm khác như ức gà, dầu đậu phộng và rau cải, GI giảm còn 50.

Chỉ số GI được dùng để đánh giá khả năng mà một loại thực phẩm có thể gia tăng lượng đường huyết. GI dưới 55 được xem là tốt và trên 70 đồng nghĩa với nguy cơ cao.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ăn cơm với đậu hủ sẽ cho GI tốt nhất. Các thực phẩm nhiều đạm khác như thịt gà và cá cũng giúp giảm chỉ số GI.

Một kết quả thú vị từ CNRC là khi ăn cơm gà, nếu dùng nước xúp gà trước sẽ giúp giảm GI vì nước xúp gà có nhiều axit amin giúp kích thích việc sản sinh insulin, một hormone có tác dụng điều hòa đường huyết.

Các nghiên cứu khác của CNRC cũng cho thấy uống sữa bò hoặc sữa đậu nành sau bữa ăn cũng giúp giảm lượng đường trong máu.

Việc hàm lượng đường trong máu quá cao dễ dẫn đến bệnh tiểu đường và nhiều hệ lụy khác về sức khỏe. Theo thống kê của Bộ Y tế Singapore, hơn 25% dân số nước này bị tiểu đường. Do đó các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần ăn uống hợp lý để giảm chỉ số GI; điều này sẽ góp phần duy trì sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

MINH NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên