29/01/2014 15:10 GMT+7

Ăn cơm nhà vác tù và... thể thao

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG
TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG

TTXuân - Cổ động viên là lực lượng không thể thiếu của thể thao đỉnh cao. Nhưng trong hàng triệu cổ động viên của thể thao Việt Nam, có một số người không chỉ đến sân để xem, cổ vũ hết mình mà họ còn tham gia, giúp đỡ môn thể thao mình yêu thích một cách hết sức nhiệt tình, không vụ lợi.

Những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ấy xứng đáng được vinh danh…

cdHwbTRx.jpg
Trung Hưng - “tín đồ” cầu lông - Ảnh: T.P.

Nhìn lại năm qua, điểm sáng của thể thao Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay ở các môn cờ vua, thể dục dụng cụ, cầu lông, bơi lội, bóng đá với U-19…Thế nhưng, người hâm mộ thể thao Việt Nam vẫn có thể tự hào với sự đam mê cuồng nhiệt của mình, mà chính những vị khách quốc tế đều phải nghiêng mình khâm phục. Và trong lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt đó, có những người thật đáng nêu gương cho các nhà quản lý “chuyên nghiệp” ăn lương nhà nước. Do khuôn khổ có hạn của trang báo, chúng tôi xin giới thiệu bốn gương mặt sau:

Trung Hưng: ăn cơm nhà, lo chuyện cầu lông

Có thể nói giới chơi cầu lông đỉnh cao của TP.HCM không ai không biết Lê Bá Trung Hưng (sinh năm 1979), một người “ngoại đạo” nhưng sành sỏi chuyện trong làng không thua bất cứ nhà quản lý nào ở lĩnh vực này. Sở dĩ nói Trung Hưng là “kẻ ngoại đạo” bởi anh xuất thân là thành viên đội năng khiếu bóng bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghỉ bóng bàn vì chấn thương lúc mới 15 tuổi, Trung Hưng học “cắm đầu” để có tấm bằng kỹ sư hóa Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

Công việc của anh chẳng liên quan gì đến thể thao, từ lúc còn là nhân viên bình thường đến khi trở thành người quản lý một công ty xuất nhập khẩu rồi mở công ty riêng. Chỉ có một thứ Trung Hưng không bao giờ thay đổi là tình yêu vô bờ bến dành cho cầu lông. Ban đầu, cầu lông chỉ giúp Trung Hưng đổ mồ hôi theo kiểu của một người chơi để khỏe. Nhưng càng chơi càng thích và anh đã có thói quen thức dậy từ 4g30 sáng mỗi ngày đi đánh cầu.

Nhưng Hưng chỉ trở thành một cổ động viên đặc biệt vào năm 2010, thời điểm Liên đoàn Cầu lông TP.HCM thuê chuyên gia người Indonesia Asep Suharno làm HLV cho Nguyễn Tiến Minh và đội tuyển TP.HCM. Qua theo dõi các buổi tập cũng như sinh hoạt hằng ngày của vị chuyên gia này, Hưng cảm phục tấm lòng của ông Asep dành cho cầu lông TP.HCM. Rồi từ cảm phục, anh cảm thấy day dứt với tư cách một người chủ nhà khi chứng kiến vị chuyên gia sống khá thiếu thốn. Thế là Trung Hưng âm thầm góp nhặt rồi giấu người thân tặng ông Asep 5 triệu đồng, số tiền không nhỏ với anh và gia đình lúc đó.

Cũng từ đó, Trung Hưng như người thân trong “gia đình” cầu lông TP.HCM. Anh trở thành “người anh tinh thần” của nhiều vận động viên trẻ khi chia sẻ với họ những khó khăn, tư vấn cho họ về kỹ năng sống và sẵn sàng xắn tay áo giúp đỡ mọi người trong nỗ lực cao nhất có thể của mình.

Chẳng câu nệ những cái cười khẩy của không ít người cho rằng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, Trung Hưng giúp đỡ rất nhiều cho cầu lông. Ví dụ như khi đội tuyển Việt Nam dự Giải vô địch thế giới 2010 tại Paris (Pháp) với năm thành viên. Sinh hoạt phí tại Paris quá đắt so với tiêu chuẩn đoàn Việt Nam, Trung Hưng tìm cách liên lạc với những Việt kiều ở Pháp để lo “hậu cần” cho đội, từ việc hỏi han thời tiết để mang áo ấm, hỏi giá gạo, ấm nấu nước đến cả nồi cơm điện... để nấu món Việt Nam cho dễ ăn và không quên gửi kèm lá quốc kỳ Việt Nam.

Giới cầu lông cũng chẳng quên được chuyện Trung Hưng đã cứu ông Asep một bàn thua trông thấy năm 2011. Khi đó, ông Asep vướng thủ tục xin visa khi muốn cùng Tiến Minh đi thi đấu tại châu Âu mà Liên đoàn Cầu lông TP.HCM cũng lúng túng không giải quyết được. Nhưng Trung Hưng đã lên mạng mày mò tìm hiểu luật xuất nhập cảnh rồi cố vấn cho Liên đoàn Cầu lông TP.HCM làm visa cho ông Asep vừa kịp hạn chót. Sau đó, Trung Hưng trở thành chỗ tin tưởng của các VĐV cầu lông Việt Nam khi cần hỗ trợ về luật, quy định của Liên đoàn Cầu lông thế giới.

Nhận thấy VĐV còn yếu tâm lý thi đấu, Trung Hưng tự mình tìm hiểu và liên lạc với thạc sĩ tâm lý Đào Tiến Dũng (tốt nghiệp Đại học Lund của Thụy Điển) nhờ về Việt Nam giúp. Chỉ tiếc là thể thao Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này nên sự kết nối này chưa thành công, và Hưng hít hà: “Tiếc quá, nhưng tôi sẽ kiên trì theo đuổi chuyện này”...

U7Nj0pCj.jpg
Cổ động viên Trần Song Hải (đội mũ) - Ảnh: Dư Hải

Trần Song Hải - tác giả của “rượu tự trọng”

Trong vài năm gần đây, dư luận hết sức lo lắng về những chiếc tàu cánh ngầm cũ kỹ liên tục gặp sự cố. Thế là vào giữa tháng 9-2013, một chiếc tàu mới trị giá 1 triệu USD do Việt Nam làm thân tàu, động cơ nhập từ Hãng MTU của Đức và hệ thống đẩy của Hãng Rolls Royce đã được chạy thử nghiệm thành công. Một trong những “cha đẻ” của dự án là Trần Song Hải, một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực nhập khẩu máy phát điện, động cơ từ châu Âu.

Nhưng Trần Song Hải lại được biết đến nhiều hơn dưới cương vị phó chủ tịch lâm thời của Hội CĐV bóng đá Việt Nam, với hình ảnh một anh chàng mập mạp, vui tính, luôn có mặt ở tất cả các trận đấu đỉnh cao của bóng đá VN hơn là một doanh nhân. Trong đó có vụ nổi đình nổi đám nhất là việc gửi tặng hàng loạt quan chức của Liên đoàn Bóng đá VN chai “rượu tự trọng”, nhằm mong mỏi những người có trách nhiệm hãy sống và làm việc hết lòng với bóng đá nước nhà.

Trần Song Hải bắt đầu yêu bóng đá Việt từ năm 1995, khi đội tuyển do ông Weigang dẫn dắt đã đoạt được HCB đầu tiên cho bóng đá nước nhà. Kể từ lúc ấy trở đi, anh không hề vắng mặt ở bất cứ giải đấu nào mà tuyển VN tham gia. Chính vì vậy, khi VFF xúc tiến thành lập Hội cổ động viên lâm thời bóng đá VN, anh đã được mời vào vị trí phó chủ tịch phụ trách phía Nam. Có điều, đến bây giờ hội vẫn chưa cắt được hai chữ “lâm thời”, mà theo nhiều nhà báo nói vui, đó là vì Trần Song Hải! Đơn giản bởi bên cạnh việc xem vì tình yêu, anh còn rất quyết liệt trong việc đấu tranh, phản biện với VFF mà vụ tặng “rượu tự trọng” là một ví dụ.

Hay trong năm 2013, anh còn đầu tư làm chương trình truyền hình “Tiêu điểm bóng đá” phát mỗi tuần trên An ninh TV. Đây là nơi anh mời các nhà chuyên môn, cổ động viên, nhà báo tâm huyết tham gia góp ý một cách hết sức thẳng thắn cho bóng đá nước nhà. Thậm chí, chương trình cũng là kênh đối thoại với các quan chức bóng đá.

Với tư cách là một cổ động viên, Trần Song Hải luôn nghĩ đến các “đồng đội” của mình. Như với sự kiện U-19 Việt Nam tham dự hai giải vô địch Đông Nam Á tại Indonesia và vòng loại châu Á ở Malaysia, do đây chỉ là giải trẻ nên các cổ động viên gần như “mù tịt” thông tin. Thế là anh đề xuất hỗ trợ Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM phát thanh trực tiếp các trận đấu của U-19 tại hai giải này để người hâm mộ ở nhà theo dõi.

Tại Malaysia, tình cờ gặp Hoài Ân - chàng trai có sáng kiến ghi hình các trận của U-19 VN bằng chiếc camera “cùi bắp” rồi bắn trực tiếp lên YouTube cho mọi người xem, Hải đã mừng như “bắt được vàng”, tình nguyện lo chi phí ăn ở tại Malaysia cho Ân. Tiếp đến, anh cũng quyết định đầu tư một dàn camera trị giá 10.000 USD để khi gặp phải những giải đấu “mù thông tin” thì sẽ cung cấp cho Ân làm truyền hình trực tiếp qua YouTube chất lượng hơn.

Lý giải cho việc suốt ngày đầu tắt mặt tối với công việc nhưng vẫn nhiệt tình với cổ động bóng đá, anh Hải chia sẻ: “Hạnh phúc nhất khi xem bóng đá đó là có thật nhiều người cùng dõi theo với mình. Với tôi, cổ vũ bóng đá là một sân chơi mà trong đó mọi người đều bình đẳng, đều vì lòng đam mê như nhau, nó giúp mọi người thoát ra sự bức bách trong cuộc sống đời thường”.

“Trung bình mỗi ngày tôi bỏ ra ba, bốn tiếng đồng hồ xem bóng đá Việt Nam và hoạt động trong hội CĐV, gần tương đương với thời gian dành cho công việc hoặc gia đình nên tôi rất mong thứ mà mình yêu quý sẽ phải sạch, phải đẹp. Tôi nghĩ những người hâm mộ khác cũng giống như tôi vậy thôi”, anh Hải tâm sự.

mhg8y2VX.jpg
Công Hiệp (trái) trong chương trình “Chạy & Ném - Ai cũng có thể chiến thắng… chính mình” - Ảnh: Thế Sơn

Nguyễn Công Hiệp và ước mơ… 1 triệu người chơi bóng rổ

Chưa từng là VĐV bóng rổ chuyên nghiệp nhưng Nguyễn Công Hiệp (sinh năm 1988) lại từ bỏ tương lai của một kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương khá cao để đeo đuổi ước mơ 1 triệu người Việt Nam chơi bóng rổ.

Công Hiệp lớn lên ở miền sông nước Cần Thơ. Anh biết đến bóng rổ từ những buổi quần thảo cùng bạn bè trên sân trường năm lớp 11 để “giết thời gian”. Càng chơi, Công Hiệp càng cảm thấy đam mê nên cứ hết giờ học, anh gần như túc trực trên sân bóng rổ.

Thi đậu vào khoa công nghệ thông tin Đại học Cần Thơ, Công Hiệp thúc đẩy cho ra đời đội bóng rổ của khoa và sau đó vô địch toàn trường. Bản thân Công Hiệp từng được mời vào đội bóng rổ tỉnh Cần Thơ nhưng anh từ chối để tập trung việc học.

Không dừng lại ở việc chơi cho khỏe, chơi cho thỏa lòng đam mê, Công Hiệp chạy vạy tìm tài trợ rồi sử dụng vốn kiến thức công nghệ thông tin của mình để lập ra Diễn đàn bóng rổ Việt Nam (bongrovietnam.com). Để “nuôi” diễn đàn, Công Hiệp phải “chạy sô” làm thêm ở nhiều nơi. Nhưng anh vui vì diễn đàn không ngừng tăng số lượng thành viên, từ chỉ lác đác vài người đến nay đã có hơn 53.000 thành viên trong cả nước. Ngoài ra, anh còn đứng ra tổ chức Giải vô địch CLB bóng rổ Cần Thơ với sự tham dự của hàng trăm VĐV nghiệp dư.

Ra trường, Công Hiệp được nhận vào Trung tâm công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ với mức lương khá. Nhưng niềm đam mê cứ thôi thúc Công Hiệp xin nghỉ để có thời gian nhiều hơn cho bóng rổ. Quyết định của Công Hiệp gặp sự phản đối của người thân nhưng anh quyết dấn thân theo con đường mình đã chọn.

Công Hiệp gần như không bỏ sót giải vô địch quốc gia nào để quay clip, làm tư liệu... bằng tiền túi. Khi đội Saigon Heat ra đời, Công Hiệp được tin tưởng mời về làm cố vấn, phụ trách truyền thông. Hết mình với Saigon Heat với ước mong đẩy phong trào bóng rổ Việt Nam lên tầm cao mới nhưng Công Hiệp đã thất vọng khi Saigon Heat ngày càng nguội.

Thế là một lần nữa, Công Hiệp lại xin nghỉ để có thời gian tìm hướng đi cho riêng mình và bóng rổ Việt Nam. Sau gần nửa năm tìm tòi, suy ngẫm, Công Hiệp đã cho ra đời sân chơi “Chạy & Ném - Ai cũng có thể chiến thắng… chính mình” đang có sức hút rất lớn đối với các bạn trẻ TP.HCM. Đây là chương trình bóng rổ duy nhất VN cho đến thời điểm này áp dụng việc tính điểm, phân cấp VĐV bóng rổ phong trào dựa trên khả năng và thành tích thi đấu của VĐV đó, tương tự bảng xếp hạng cá nhân của VĐV quần vợt chuyên nghiệp. Cứ mỗi tuần bốn buổi tối, Trung tâm TDTT quận 2 lại trở nên nhộn nhịp hơn với sự có mặt của hàng trăm bạn trẻ tham dự sân chơi này.

Công Hiệp chia sẻ: “Việt Nam có rất nhiều cầu thủ tiềm năng nhưng không được đầu tư, phát triển. Thể hình cầu thủ Philippines cũng không thật tốt nhưng họ vẫn đứng đầu Đông Nam Á và khá mạnh tại châu Á. Tôi muốn “Chạy & Ném - Ai cũng có thể chiến thắng… chính mình” trở thành điểm kết nối những người đam mê bóng rổ, từ đó tìm ra những tài năng để đào tạo thành VĐV chuyên nghiệp”.

Với tất cả việc làm của mình, Công Hiệp chỉ đúc kết thành một ước mơ: “Một ngày nào đó Việt Nam sẽ có 1 triệu người chơi bóng rổ…”.

7ve12c1o.jpg
Hoài Ân và cầu thủ Lương Xuân Trường - Ảnh: Dư Hải

Hoài Ân - như một ngôi sao!

Khi chuyến bay chở đội bóng U-19 Việt Nam trở về nước sau thành công vang dội ở vòng loại U-19 châu Á đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, có một nhân vật được người hâm mộ chào đón nồng nhiệt không thua những người hùng Công Phượng, Xuân Trường... Đó là chàng lập trình viên trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Hoài Ân, người đã “truyền hình trực tiếp” các trận đấu của U-19 VN tại giải này trên trang web YouTube.

Ít ai biết được đằng sau sự nhiệt tình tưởng mang tính tự phát này là cả một kế hoạch đã được dự tính kỹ lưỡng của Hoài Ân và người anh song sinh Nguyễn Ngọc Thiên Ân.

Tháng 2-2013, hai anh em Hoài Ân, Thiên Ân đã cất công lên tận Gia Lai để tìm hiểu học viện bóng đá nơi đây sau khi nghe phong thanh những chiến tích ở nước ngoài của đội bóng trẻ HAGL. Chỉ sau một lần xem các cầu thủ trẻ tập luyện, cả hai anh em đều tin chắc rằng đây sẽ là một thế hệ tài năng của bóng đá nước nhà trong tương lai, và một kế hoạch “lăngxê” ra đời.

Sau khi đưa những đoạn clip ghi hình các buổi tập của cầu thủ trẻ Học viện HAGL lên “quảng bá” trên mạng, Hoài Ân, Thiên Ân tiếp tục dự tính sẽ “mở rộng tầm mắt” cho người hâm mộ bằng việc thu hình trực tiếp lịch trình của đội U-19 Việt Nam tại các giải đấu sau đó.

Không thể đến Indonesia vì lý do công việc, hai anh em dành dụm tiền quyết tâm đi Malaysia cho bằng được. Cũng vì lý do kinh phí mà sau đó hai anh em đành phải “người đi kẻ ở” trong chuyến du đấu trên đất Mã của U-19. Từng có điều kiện đi nhiều nơi với công việc trong ngành quay phim, Thiên Ân hi sinh nhường lại suất đi Malaysia cho cậu em Hoài Ân vốn giỏi công nghệ thông tin. Tính toán kỹ càng từng chút một, từ kinh phí đi lại cho đến tìm hiểu các gói Internet ở Malaysia, rốt cuộc công việc “truyền hình trực tiếp” của Hoài Ân đã thành công rực rỡ (thu hút hơn 100.000 người xem trong trận thắng Úc 5-1). Còn ở nhà, cậu anh Thiên Ân lặn lội lên HAGL để chiếu các trận đấu lên màn ảnh rộng cho những cầu thủ nhí nơi đây được xem.

Nhiệt tình là vậy, nhưng cả anh em Hoài Ân lẫn Thiên Ân đều không thật sự là một CĐV cuồng nhiệt của đội tuyển VN trước đây, khi chỉ từng một lần trong đời đến sân xem đội nhà thi đấu và cũng không hề quan tâm các giải bóng đá trong nước. Hoài Ân chia sẻ: “Lần đầu được chứng kiến lối bóng đá đẹp và đẳng cấp của những cầu thủ trẻ này, tôi nhận ra mình đã tìm được thứ mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam luôn trông ngóng. Là một trong những người đầu tiên, tất nhiên tôi muốn được kể thật nhiều với những người chưa biết đến”.

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên