Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu |
Làm sao tránh khỏi việc người nước ngoài sẽ “quơ đũa cả nắm” rằng, cẩn thận với người Việt Nam vì đi ra nước ngoài thường ăn cắp hàng hiệu như đã từng xảy ra và nay tiếp tục xảy ra?
Hồi nhỏ, hẳn ba mẹ nào cũng dặn dò con cái kỹ lưỡng, nhớ sống tốt, tử tế, đàng hoàng, đừng để người ta nghĩ ba mẹ không biết dạy con, người ta sẽ mắng lây ba mẹ.
Đi học, chúng ta cũng được răn rằng, là học sinh của trường X, trường Y, các em phải có tác phong lễ độ, nhã nhặn, chuẩn mực, không được ăn nói bỗ bã mà ảnh hưởng tới uy tín của nhà trường...
Ý thức về chuyện cá nhân có thể ảnh hưởng đến tập thể, tới những người liên đới thực ra đã được dạy từ rất bé, qua các nấc thang trưởng thành.
Và, nếu ai nằm lòng điều đó thì chắc chắn có ửng xử phù hợp, trong mỗi việc làm sẽ biết quán xét có ảnh hưởng gì tới ba mẹ mình không, cũng như tới xóm làng mình, rồi trường lớp mình, lớn lao hơn là đất nước mình không?
Ứng xử với cộng đồng, trong những quan hệ của cuộc sống thiết nghĩ không phải chỉ đơn giản là chuyện anh làm anh chịu mà còn ít nhiều tác động tới người khác, tới tập thể.
Khi nói, ông bà mình còn dạy “uốn lưỡi bảy lần”, tức cần cẩn trọng trong phát ngôn vì có thể sẽ bị đánh giá này nọ, làm người khác buồn, tổn thương thì mình cũng sẽ bị thương tổn ít nhiều, huống hồ làm một việc gì đó.
Cần phải suy nghĩ kỹ để không vấp phải những sai lầm, dù biết con người ai không sai, nhưng cái sai dẫn tới hệ lụy như là đi ăn cắp để phải bị bắt, rồi bị phạt tiền... trong môi trường ngoại quốc thì thiệt là đau lòng, chắc chắn bị nhiều người Việt lên án, vì nó có ảnh hưởng gián tiếp đến họ (trong vai người Việt).
Bạn tôi là giảng viên môn Việt Nam học ở một trường Đại học của Thái Lan thi thoảng vẫn bức xúc về việc người Việt ăn cắp, ồn ào nơi công cộng, chen lấn trong khi sử dụng dịch vụ khi có dịp đi du lịch đây đó.
Bạn nói, có số người có tiền và cố nhiên đã nghĩ mình có quyền, cái quyền được chen, được lấn, được ồn ào ngay cả những nơi chốn cần sự im lặng, cần tôn trọng nguyên tắc ai tới trước phục vụ trước.
Rồi bạn lý giải, có lẽ, do thói quen chi tiền để được ưu tiên, được đối xử tốt hơn thông qua dịch vụ “bôi trơn” ở trong nước đã khiến những người có tiền đi du lịch quen cái cách ứng xử đó, tạo thành hành xử xấu xí khi đi ra biển lớn!?
Bạn cũng bày tỏ ngại ngần, nói thiệt lòng mình rằng, ở nước ngoài, nhiều người dè dặt với người Việt lắm, dù không phải tất cả người Việt đều như thế.
Bạn bảo, mình cũng là người Việt nên thi thoảng cũng bị nhìn bởi những ánh mắt “là lạ”, có lẽ vì họ nghĩ mình cũng có thể là người ăn cắp, hoặc văn hóa kém...
Bạn chia sẻ, thấy buồn khi nghĩ tới điều đó bởi chỉ vì một số “con sâu” mà làm cho người ta hiểu lầm về người Việt ai cũng vậy, để rồi những người Việt dễ thương, đàng hoàng, có văn hóa bị tổn thương do ánh nhìn hay cách đối xử, cũng như vài dòng lưu ý bằng tiếng Việt mà không phải thứ tiếng nào khác trong những nơi công cộng.
Phải tự hỏi vì sao người ta làm thế với mình, thấy xấu hổ để sửa và khi cần thiết thì đấu tranh để những người Việt đi ra biết giữ mình, không làm ảnh hưởng tới danh dự đất nước, không để bất kỳ người ở nước nào cũng nghĩ rằng người Việt là thế này, thế kia với những tính tình, ứng xử nơi công cộng mang nhiều điểm trừ đáng trách.
Có bạn còn nói đến đường cùng thế này, đối với những người Việt muốn đi ra nước ngoài cần có những lớp học ứng xử trước khi xuất ngoại để không phải gây ra những tình cảnh “hổ mình, xấu đất nước” như những trường hợp cá biệt song rất nổi cộm, được dư luận bức xúc trong những ý kiến cuối tin, bài như vụ hai người Việt mới bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt tại thành phố Zurich trong ngày 17-7 qua.
Mong lắm và thương lắm...
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Tấn Khôi. Bạn có đồng tình với những quan điểm này? Theo bạn, người Việt cần khắc phục những tật xấu nào ở nơi công cộng? Hãy chia sẻ cùng TTO qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận