Phóng to |
Theo sự nghiên cứu của tui, nạn ăn cắp giờ công bắt đầu từ… bộ ấm chén uống trà thời bao cấp. Không hiểu làm sao, cơ quan nào, phòng ban nào cũng có bộ ấm chén, bình thủy nước sôi, nồi nấu nước. Sếp lớn, nhân viên nhỏ vào cơ quan là pha trà nhâm nhi, nói toàn chuyện tào lao bát xế. Có ông cao hứng trải bàn cờ tướng ra bài binh bố trận. Các cô các bà sợ nước trà làm nổi mụn, hổng dám uống, rút vào hẻm hóc ngồi móc áo len. Chả ai muốn làm công việc cơ quan. Nhà báo xin vào gặp lãnh đạo làm việc 5 phút; lãnh đạo cũng khệ nệ pha trà, rề rà rót nước, kéo dài cuộc nói chuyện ra một giờ đồng hồ. Có thể nói, khách đến làm việc với cơ quan là cứu tinh cho những vị có tục ý ăn cắp giờ công!
Nay, chế độ bao cấp đã cáo chung nhưng tinh thần bao cấp vẫn sung mãn. Bộ ấm chén bình thủy ấm nấu đã được dẹp đi nhưng tình hình khoái tán gẫu, thích uống nước, thích trốn việc đi chơi thì tăng lên rất tích cực.
Không còn trà lá để lề mề, họ sinh ra bệnh… tám. “Nè bà, mối quan hệ Lan và Điệp tại miền Tây khác với tân nhạc lắm”. “Khác làm sao?”. “Lan và Điệp không yêu nhau mà chỉ là anh em. Điệp không che chở cho Lan. Lan có nhổ kiểng và nói tiếng Đan Mạch ở nhà Điệp nhưng Điệp hổng giận. Điệp xin hưu sớm rồi”. “Có khi nào vì Lan cắt đứt dây chuông không ông nhỉ?”. “Trời ơi, văn phòng ủy ban tỉnh làm gì có chuông mà cắt dây chuông. Hỏi lảng nhách”. Câu chuyện cứ vậy kéo dây cà ra dây bí rợ.
Có những ông đã uống cà phê rồi, ngồi trên ghế cơ quan lại đâm ra nhớ… không khí quán cà phê. Họ bèn tìm cách trốn việc. Không dại gì đi xe cá nhân cho cơ quan biết, họ nhắn tin hoặc điện thoại cho một ai đó đến chở họ. Nơi gặp gỡ thường là cổng sau - chữ Tàu kêu bằng là… “hậu môn” hoặc cửa bên hông cơ quan - chữ Tàu kêu bằng là “bàng môn”. Cứ thế, họ lặn mất, la cà quán cà phê, quán bi-da. Có ông vui vẻ hơn, rủ nhau gầy tụ đánh bài. Họ tin rằng trong giờ vàng ấy, cơ quan cảnh sát bận bịu nhiều chuyện, không hơi đâu mà đi bắt những nơi cờ bạc. Những “ông tiên” ở Sóc Trăng đánh cờ tướng ăn tiền cả tỉ đồng thường là trong giờ hành chánh.
Đối với những vị ăn cắp giờ công, khái niệm 8 giờ vàng ngọc e rằng chưa bao giờ đứng vững. Thủ trưởng cơ quan biết được, hỏi tới thì họ luôn luôn có cách chống chế. “Sao cô đến trễ cả tiếng đồng hồ?”. “Thưa chú, đêm qua thằng con cháu ấm đầu, khóc cả đêm”. “Anh đi đâu mà hồi nãy tôi tìm không gặp?”. “Báo cáo phó giám đốc, em tranh thủ đi xin nhập học cho thằng con. Mai là hết hạn rồi”. Cỡ nào cũng có lý do!
Có ăn cắp giờ công thì có biện pháp chống tệ nạn ăn cắp giờ công. Biện pháp ấy có gì mới? Năm ngoái ở miền Trung, đã từng có tình trạng giám đốc Sở Nội vụ đi “rỏn” các cơ quan, các hàng quán để ghi danh những anh trốn làm việc. Mới đây, ông bí thư Tỉnh ủy một tỉnh nọ cũng vi hành vào các tụ điểm vui chơi, quán nước, chộp những anh “thợ lặn”: “Đồng chí ở cơ quan nào?” là câu hỏi đầu tiên của ông. Và các “đồng chí” ấy đã phải khai báo.
Tích cực hơn, nhiều tỉnh qui định cấm công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ hành chánh. Có nơi nới rộng vùng cấm, cấm công chức uống rượu bia vào buổi trưa (dẫu phải tiếp khách) và vào cơ quan làm việc buổi chiều không được có mùi rượu bia.
Ăn cắp cái gì, kể cả ăn cắp giờ công, cũng là ăn cắp. Những tay ăn cắp giờ công lơ đãng với việc làm nhưng lại tích cực tự bảo vệ mình trong những lần bình bầu thi đua. Anh chị nào cũng báo cáo phần “ưu điểm” rất hoành tráng “Tôi luôn luôn bảo đảm ngày công, giờ công”. Văn chương bay bổng, nghe rất sướng lỗ tai.
Ấy, cái việc ăn cắp giờ công tồn tại trong hoạt động hành chánh sự nghiệp dài dài. Kẻ ăn cắp đổ tội cho đồng lương ít quá nên họ mới làm vậy. Cho nên, người ta vẫn nghe câu nói: “Đồng chí ở cơ quan nào?”.
Tuổi Trẻ Cười số 476 ra ngày 15/05/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận