28/06/2021 16:06 GMT+7

Ăn canh bún, mua trà sữa, cà phê... không chạm đến tiền

NGUYỄN TRÍ - SƠN TRANG
NGUYỄN TRÍ - SƠN TRANG

TTO - Không chỉ là "lãnh địa" của các cửa hàng, doanh nghiệp lớn, hiện việc thanh toán không tiền mặt cũng xuất hiện nhiều ở các cửa hàng, quán ăn nhỏ, thậm chí là lề đường.

 

Nhìn quán canh bún Nấm Mối nho nhỏ của bà Đặng Kim Liên (quận Phú Nhuận, TP.HCM), ít ai nghĩ rằng tại đây có đủ cách thanh toán từ tiền mặt đến chuyển khoản, cà thẻ hay quẹt ví điện tử. 

Theo bà Liên, do mở ngay trúng đợt dịch lần thứ 4 của thành phố, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách, bà nhờ con dâu dạy ngay cách sử dụng ví điện tử Momo, cũng như cách chuyển khoản tiền, bên cạnh việc liên kết với các ứng dụng giao nhận thức ăn để khách hàng trả tiền qua app.

Hào hứng khi tự tay kiểm tra số tiền khách vừa chuyển 40.000 đồng thanh toán tiền tô canh bún qua ví MoMo, bà Liên nói rằng trước đây mình chưa bao giờ nghĩ là có lúc sẽ mua bán mà không… chạm vào tờ tiền.

Ăn canh bún, mua trà sữa, cà phê... không chạm đến tiền - Ảnh 2.

Bà Liên và khách hàng trao đổi thông tin về việc chuyển tiền - Ảnh: SƠN TRANG

Nhưng từ khi mở quán, nhiều người khuyên thanh toán online cho an toàn, bà mới thay đổi thói quen này và hiệu quả bất ngờ.

"Việc thanh toán online cũng giúp tôi tiện hơn trong việc tính tiền. Chuyển khoản là đúng y số tiền, mình không cần phải đếm hay hồi lại tiền thừa cho khách. Mình lớn tuổi rồi, tính tiền có khi lại nhầm lẫn", bà Liên khẳng định.

Vừa thực hiện chuyển khoản cho bà Liên, anh Phạm Thanh Tuấn (quận Phú Nhuận) cho biết anh là khách quen từ khi quán mới mở. 

Tuy nhiên, khi mùa dịch anh làm việc tại nhà nên cũng ngại ra đường rút tiền, nhiều nhu cầu cơ bản như ăn uống thì anh toàn mua online và trả tiền qua chuyển khoản, trường hợp có đi mua thì cũng ít khi cầm tiền mặt, mà cũng không có tiền mặt để cầm.

Ăn canh bún, mua trà sữa, cà phê... không chạm đến tiền - Ảnh 3.

Tiền được khách hàng chuyển trả thông qua ví MoMo - Ảnh: SƠN TRANG

"Đa số là tôi gọi điện đặt hàng, cô chú giao tới rồi mình chuyển khoản. Hôm nào tới mua trực tiếp được thì khi tính tiền mình cũng trả tiền qua Momo luôn, rất tiện và cũng nhanh gọn", anh Tuấn thông tin.

Quy mô bán lớn hơn bà Liên, lại còn là người trẻ, chuyên bán hàng qua mạng, kênh xã hội nên việc thanh toán không tiền mặt với chị Lâm Tuyết Hương (quận 8) đã không còn xa lạ.

Ăn canh bún, mua trà sữa, cà phê... không chạm đến tiền - Ảnh 4.

Chỉ vài thao tác trên điện thoại, anh Tuấn đã thực hiện việc chuyển 40.000 đồng qua ví MoMo cho bà Liên - Ảnh: SƠN TRANG

Theo chị Hương, mùa dịch này việc buôn bán của chị lại trở nên tốt hơn do lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tăng vọt. Để tiện cho khách hàng, chị Hương chấp nhận thanh toán qua tất cả các loại thẻ ngân hàng, tín dụng và cả thanh toán qua MoMo.

Theo chị Hương, khách chuyển khoản chiếm tới 90%, từ vài chục ngàn đến tiền triệu, khách đều thanh toán trực tuyến. 

"Chuyển tiền qua MoMo nhanh mà không mất phí nên nhiều khách chọn để gửi tiền hàng. Giờ dịch bệnh nguy hiểm, khách cũng sợ trả tiền mặt cho mình hoặc shipper lỡ đâu lây lan virus", chị Hương chia sẻ.

Ăn canh bún, mua trà sữa, cà phê... không chạm đến tiền - Ảnh 5.

Rất nhiều các quán nước, đồ uống mang đi bình dân, ven đường cũng chấp nhận thanh toán không tiền mặt - Ảnh: SƠN TRANG

Trong khi đó, dù quầy đồ uống chỉ có vài ba cái ghế, giờ bán đem đi, nhưng theo ông Nguyễn Văn Nhất - chủ quầy đồ I.Tea (Q.Bình Thạnh), ông không chỉ xài MoMo mà còn sắm thêm máy cà thẻ (Pos) để phục vụ cho khách hàng. 

Vừa thực hiện cà thẻ tính tiền cho đơn hàng hơn 100.000 đồng chỉ trong khoảng 10 giây, ông Nhất cho biết nhờ tiện lợi trong thanh toán nên doanh thu cửa hàng tăng dần với hiện trung bình 5-7 triệu đồng/ngày, trong đó thanh toán không tiền mặt chiếm khoảng 40%.

"Shipper, sinh viên… đều không thiếu người chọn thanh toán bằng cà thẻ thì nhu cầu thanh toán không tiền mặt rất phổ biến, là nhà kinh doanh mình phải đáp ứng nhu cầu đó", ông Nhất nhận định.

Ăn canh bún, mua trà sữa, cà phê... không chạm đến tiền - Ảnh 6.

Tại các cửa hàng quần áo, việc cà thẻ để thanh toán trở nên phổ biến - Ảnh: SƠN TRANG

Nhiều người bán lẫn người mua cho rằng "cái được" lớn nhất của thanh toán không tiền mặt là tiện lợi nhờ công nghệ và phạm vi thanh toán online giai đoạn hiện tại khá phổ biến, nhất là hạn chế sự tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm virus trong đợt dịch COVID-19 này.

Chợ ế, các tiểu thương bán hàng qua Zalo, Chợ ế, các tiểu thương bán hàng qua Zalo, 'tiền vào tài khoản là hàng ship tận nhà'

TTO - Thanh toán không tiền mặt bằng cà thẻ, ví điện tử... không chỉ còn là "lãnh địa" tại các trung tâm thương mại, hàng quán sang chảnh, nơi giới trẻ hay đến "check-in" mà nay đến tiểu thương U60-70 tại các chợ... cũng tham gia.

NGUYỄN TRÍ - SƠN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên