Theo UBND huyện Thuận Nam, vào khoảng 11h ngày 15-9, ông Huỳnh Văn C. (35 tuổi), Đỗ Văn Ph. (34 tuổi, cùng ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná) và ông Đỗ Tài Tr. (35 tuổi, thôn 2, xã Nhị Hà) ra biển đánh bắt được một con cá nóc mú (khoảng 2kg).
Sau đó, ba người mang cá nóc mú về rẫy nhà ông Tr. (ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nấu canh chua ăn với cơm.
Đến khoảng 13h cùng ngày, cả ba người có các triệu chứng như: tê môi, tê lưỡi, tê tay, tê chân, mệt, chóng mặt...
Ngay sau đó, cả ba đã tự đến Trạm y tế xã Cà Ná để sơ cấp cứu ban đầu.
Tuy nhiên, do các triệu chứng nêu trên không hết nên cả ba được chuyển đến khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để tiếp tục cấp cứu và điều trị.
Đến 0h30 ngày 16-9, ông C. đã tử vong và được chuyển về nhà tại địa chỉ thôn Lạc Nghiệp 1.
Còn ông Ph. và ông Tr. đã được điều trị vượt qua cơn nguy kịch, hiện sức khỏe tương đối ổn định, đang được bệnh viện tiếp tục theo dõi.
Chủ tịch tỉnh ra văn bản về vụ ngộ độc cá nóc
Liên quan đến vụ ngộ độc cá nóc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phải ra văn bản giao các sở, ban ngành liên quan tăng cường công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là các giải pháp nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, lưu ý công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuyệt đối không ăn cá nóc.
"Trước mắt, các đơn vị chức năng thuộc Sở Y tế điều tra làm rõ nguyên nhân gây vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên (vụ ngộ độc cá nóc) và hướng dẫn địa phương xử lý theo quy trình, quy định.
Bệnh viện tỉnh tăng cường theo dõi, điều trị các trường hợp bị ngộ độc cá nóc" - văn bản nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận