Từ ngày 23-7, dịch vụ mới của Amazon chính thức hoạt động. Với sự hợp tác của khoảng 2.500 cửa hàng thuốc trên khắp Nhật Bản, dịch vụ này cho phép người mua nhận đơn thuốc điện tử sau khi được chẩn đoán trực tuyến thông qua ứng dụng chăm sóc sức khỏe toàn diện CLINICS hoặc tại bệnh viện và phòng khám.
Khám và nhận thuốc tại nhà
Nhật Bản đã triển khai dịch vụ kê đơn thuốc điện tử kể từ tháng 1-2023 sau quá trình đẩy nhanh số hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do dịch COVID-19, cho phép các hiệu thuốc bán theo đơn trực tuyến của bác sĩ.
Hệ thống tập trung này quản lý dữ liệu theo số thẻ y tế, được kỳ vọng sẽ giảm sai sót trong lấy thuốc, giảm trùng lặp với người bệnh khám ở nhiều nơi và ngăn việc dùng chung nhiều loại thuốc có thể gây nguy hiểm. Cùng với đó là sự đơn giản và tiện lợi cho phép người bệnh được chẩn đoán và kê đơn ngay tại nhà.
Tuy nhiên, dịch vụ này không mấy hiệu quả khi trong nửa năm đầu tiên chỉ có khoảng 2% số nhà thuốc và cơ sở y tế tham gia hệ thống.
Dịch vụ mà Amazon vừa ra mắt cũng sẽ hoạt động tương tự. Hãng tin Kyodo dẫn thông báo của Amazon ngày 24-7 cho biết dịch vụ Amazon Pharmacy của họ chủ yếu nhắm đến những người có vấn đề sức khỏe mạn tính, như tăng huyết áp hoặc viêm da dị ứng...
Theo đó, người dùng có thể truy cập tài khoản Amazon để tư vấn qua video với dược sĩ và được hướng dẫn dùng thuốc. Dịch vụ vận chuyển của Amazon sau đó sẽ đưa thuốc đến tận nhà hoặc đến các hiệu thuốc gần nhà người bệnh.
"Chúng tôi mong muốn cung cấp các dịch vụ phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của từng khách hàng", một lãnh đạo của Amazon Nhật Bản nói. Cho đến nay, chín hãng dược phẩm, trong đó có Welcia Holdings Co và Qol Holdings Co, đã bắt tay với Amazon để cung cấp dịch vụ Amazon Pharmacy. Amazon Nhật Bản cũng có kế hoạch hợp tác với nhiều hiệu thuốc hơn, bao gồm cả các hiệu thuốc vừa và nhỏ.
Theo báo Nikkei Asia, thuốc kê đơn ở Nhật có giá cố định nên chi phí mà người bệnh chi trả cho đơn thuốc trực tuyến không quá khác biệt so với mua trực tiếp. Amazon sẽ không bán thuốc trực tiếp nhưng dự kiến giới thiệu cho khách hàng những nơi có loại thuốc họ cần.
Nỗi lo cạnh tranh và tụt hậu
Trong khi giá thuốc do Chính phủ Nhật Bản quản lý, hệ thống phân phối thuốc tại nước này khá phân mảnh. Việc ra đời dịch vụ phân phối trực tuyến của Amazon sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt đối với các nhà thuốc truyền thống vốn trước nay phụ thuộc vào vị trí thuận lợi và đang tụt hậu trong quá trình số hóa.
Tính đến năm tài chính 2020, có khoảng 60.000 cửa hàng bán thuốc theo toa ở Nhật. Con số này đã tăng khoảng 10% trong thập niên qua khi nhiều hiệu thuốc nhỏ mọc lên trước các bệnh viện và cơ sở y tế.
Đến nay, các hiệu thuốc lớn ở Nhật cũng có ứng dụng của riêng họ. Chẳng hạn Công ty dịch vụ Medley có trụ sở tại Tokyo và một số công ty khác đã phát triển hệ thống cho phép các cơ sở y tế, hiệu thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc và chăm sóc y tế trực tuyến. Hệ thống này có thể cung cấp các dịch vụ tương tự như Amazon, tuy nhiên để cạnh tranh với gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ là điều không đơn giản.
Trong khi đó, Amazon lại có lợi thế lớn về công nghệ và đang tìm cách lấn sân vào mảng chăm sóc sức khỏe. Gã khổng lồ này đã mua lại công ty bán thuốc kê đơn PillPack vào năm 2018 và ra mắt dịch vụ Amazon Pharmacy vào năm 2020 ở Mỹ.
"Amazon vốn đã rất giỏi trong việc cung cấp mọi thứ và kết nối với khách hàng, đó có thể là tất cả những gì họ cần để giành được một phần trong thị trường chăm sóc sức khỏe đang phát triển nhanh chóng", chuyên trang công nghệ Verge nhận xét.
Nhật Bản đẩy mạnh việc bán thuốc trực tuyến
Theo tờ Nikkei Asia, Nhật Bản dự kiến cho phép bán trực tuyến hầu hết các thuốc không kê đơn sớm nhất vào năm 2025, mở rộng khả năng tiếp cận một số loại hiện chỉ được bán trực tiếp tại hiệu thuốc.
Việc bán trực tuyến thuốc không kê đơn thông thường đã được cho phép kể từ năm 2014. Tuy nhiên các loại thuốc điều trị cảm lạnh, dị ứng... vẫn phải bán trực tiếp. Theo kế hoạch của Bộ Y tế Nhật Bản, tất cả các loại thuốc này sẽ được bán trực tuyến, miễn là người bệnh được hướng dẫn cách sử dụng qua cuộc gọi video.
Dù vậy, một số loại nhất định như thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không được bán trực tuyến và người chưa đủ tuổi sẽ không thể mua online số lượng lớn những thuốc có nguy cơ bị lạm dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận