Quán xôi Yến trên đường Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Dẫu đã hàng ngàn lần thưởng thức vẫn nhận thấy món ngon Hà Nội mỗi lần ăn một lần khác, nhưng lần này tôi muốn thử đi tìm những trải nghiệm của một tour ẩm thực trong một không gian mới.
Nức mũi với xôi thập cẩm
Buổi sáng bắt đầu bằng xôi Yến trên phố Nguyễn Hữu Huân. Nhớ khi xưa, hàng xôi này đã nổi tiếng từ khi còn ngồi lề đường. Các loại xôi khi xưa cũng dân dã hơn: xôi xéo, xôi ngô (bắp) là những món được ưa chuộng nhất. Giờ nhà đã lên tầng, khách ngồi ăn bên trên nhìn xuống ngã ba có cửa hàng bán những hũ cốt bằng gốm, bằng sành, là lạ mắt. Giờ phổ biến nhất, và có lẽ cũng ngon nhất, là xôi xéo gà và xôi trắng thập cẩm. Hạt xôi vàng óng màu mỡ gà, tròn vo, vừa mọng vừa mẩy, hành phi thơm nức mũi và những miếng thịt gà thơm phức mời gọi. Đích thị là thứ gà ta thơm ngon chứ không phải gà tam hoàng hay gà vườn ăn cám Mỹ nhan nhản khắp nơi được dán mác gà ta. Ăn tới đâu thơm tới đó, cả gà, cả xôi. Xôi trắng thập cẩm, chắc du nhập từ phương Nam nhờ cái sự “thập cẩm” của nó, thật ra vốn xa lạ với truyền thống Hà thành. Cũng lạp xưởng, patê, thêm một quả trứng gà chiên như kiểu người Nam chiên trong món trứng kho hột vịt, bên cạnh những miếng chả quế vàng rộm và giò lụa trắng phau. Ấy thế mà cái sự “tả pí lù” mang tên xôi ấy cũng khá là hấp dẫn và quá ngon miệng. Ai dám bảo người Hà thành bảo thủ nào? Mười người vào quán thì có tới tám người gọi xôi thập cẩm.
Sau một hồi dạo phố, xem người ngó xe, cái bụng cũng đã ngót ngót là lại có khả năng nạp tiếp. Để dành chỗ chứa cho những món hay ho còn rất nhiều trong danh sách, chúng tôi quyết định bỏ qua món bánh gối Lý Quốc Sư hấp dẫn nhưng là bom tấn calorie, mà sà xuống hàng cháo sườn Ngõ Huyện. Chẳng quán xá gì, có hai cái nồi và vài cái ghế cho khách ngồi trên vỉa hè, bán một món ăn tưởng như đơn điệu nhất thế gian, thế mà cái hàng cháo ấy không những đã tồn tại hàng bao năm trời mà danh tiếng còn lẫy lừng gần xa. Với một người ghét cay ghét đắng món cháo như tôi thì nguyên cái sự lần nào ra Hà Nội cũng phải mò tới đây đã đủ lạ lẫm lắm rồi. Đó là thứ cháo từ bột gạo (chắc có cả nếp) với sụn sườn và thịt bằm, ăn cùng với quẩy. Hàng cháo lúc nào cũng đông, cả phe tóc dài lẫn phe tóc ngắn. Còn tôi đến đây không chỉ để hít hà cái vị thơm của mùi gạo mới trong ngày đông tháng giá, mà còn để ngắm cái lao xao bán buôn trên đường, ngắm ngôi nhà cũ kiểu Pháp sơn xanh đỏ phía đối diện (lần nào cũng chụp hình không biết chán) và để xem hàng chữ ai đó viết trên tường: “Will you travel the world with me?” có còn hay không.
Xong món cháo sườn Ngõ Huyện là đến lúc ngồi đồng. Lần nào cũng vậy, đến một nơi có quán cà phê nhỏ trên phố Ấu Triệu, xưa kia tôi hay ngồi tầng hai (lầu 1), là nơi có bộ bàn ghế chân quỳ, gỗ đã lên màu đen bóng. Từ đó có thể ngắm trọn vẹn tháp chuông nhà thờ và những tàn cây mang sắc của mùa, lọt gọn trong khung cửa sổ như một bức tranh và chìm trong những điệu jazz xưa cũ. Quán cà phê nay đã mang một diện mạo mới. Bức tranh nơi cửa sổ không còn như xưa nữa, thay vào đó là cả một khu vườn giữa lưng chừng trời, treo ngang tháp chuông mấy trăm năm tuổi. Ngồi giữa những ngọn cây dưới bầu trời đông, uống cà phê là một trải nghiệm mới ở chốn cũ. Dẫu xứ kinh kỳ xưa vẫn nổi tiếng về văn hóa uống chè (trà) chứ không hẳn là cà phê, nhưng tôi vẫn thấy cà phê Hà Nội mang chất Pháp nhiều hơn Sài Gòn. Với tôi, đó là một thứ cà phê uống-để-rồi-thấm. Nhấp từng ngụm chậm rãi, để từng giọt đắng ngấm dần, rồi nhẩn nha còn lại một vị ngọt “hậu” đến mê hoặc trong vòm miệng và thấy hương cà phê thoát ra...
Mua kem Tràng Tiền - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ăn kem nhớ về quá khứ
Rời quán cà phê và thả bước quanh hồ Gươm. Tôi nghĩ có nhiều, rất nhiều người Hà Nội ngày nay không biết đến thế nào là “thả bộ quanh hồ Gươm”, và họ đã bỏ qua một sự tao nhã rất riêng của Hà Nội. Mỗi mùa một cảm xúc, nhưng tựu trung vẫn là một sự nhẹ nhàng đầy quý phái. Sắc thái và không khí của hồ Gươm thật sự riêng biệt và khác hẳn hồ Tây hay hồ khác, có lẽ nhờ vào những cành lá la đà soi bóng trên mặt hồ, những thân lộc vừng cổ thụ luôn vươn về phía nước. Hồ Tây rộng hơn nhiều và mang một vẻ tâm linh, huyền bí, trong khi hồ Gươm mang một dáng vẻ gần gũi hơn với người Hà Nội và du khách. Bên phía gần đường Tràng Thi cũng có một quán cà phê ngoài trời mà tôi ưa thích. Nước uống thì không đặc biệt gì lắm, nhưng từ đây bạn có thể ngắm tháp Rùa từ một góc không - truyền - thống, và rặng liễu thướt tha, hàng chục năm vẫn cùng một dáng đổ, mặc cho vật đổi sao dời. Uống cà phê, uống vị không gian, uống cả màu thời gian. Thú vui ấy mấy nơi có được?
Ghé vào mấy gallery và hiệu sách phố Tràng Tiền ấm sực, khi bước ra lại đập mặt vào cái lạnh. Mà cũng lạ, trời càng lạnh thì lại càng thích ăn kem. Người Hà Nội về thăm phố không thể không ăn kem Tràng Tiền, dù rằng ngày nay kem Tràng Tiền cũng không thiếu ở Sài Gòn. Cắn vào cây kem cốm, bùi béo và thơm mùi lúa non, cái lạnh từ ngoài thấm vào trong, từ trong toát ra ngoài, hòa vào cái lạnh của không gian, của mùa. Cảm giác đó làm sao có được với cây kem Hà thành trong nắng nóng Sài thành? Ăn kem que Tràng Tiền bây giờ chủ yếu để nhớ lại một quá khứ, khi mà cây kem còn là mơ ước của những đứa trẻ thời nhọc nhằn, bất kể vào mùa hè đổ lửa hay trong ngày đông tháng giá. Lớp trẻ nay sẽ rất khó thấy ngon và không hình dung nổi. Nhưng nếu chúng được nghe, hay được kể một cách công bằng về mọi thứ đã qua, có thể thái độ của chúng đã khác, bạn có nghĩ thế không?
Sau một hồi sa đà vào mấy cửa hàng tơ lụa đầy hấp dẫn trên phố Hàng Gai, Hàng Bông, chẳng thể thoát khỏi sự quyến rũ khi đi ngang qua ngõ Tạm Thương. Cái tên ngõ nhỏ nghe đã hay rồi, mà món ăn còn hay hơn: nem chua rán. Nem chua Hà Nội cũng được làm theo công thức như nem chua các vùng miền khác nhưng không ngọt đường, không quá chua và cũng không quá cay. Chiếc nem gói nhỏ như cuốn chả giò miền Nam, mang vị thơm của thịt, vị bùi béo của bì, của thính và vị chát đến ngọt ngào của lá ổi. Nem được rán đủ độ giòn, đủ vàng và thơm phức, cắt đôi ăn cùng củ đậu (củ sắn) và xoài xanh chua chua ngọt ngọt, chấm tương ớt. Món này không phải là món truyền thống Hà Nội nhưng rất được ưa chuộng, nhất là với các cô cậu teen khi “trà chanh chém gió”. Đây cũng là một trong những trải nghiệm ẩm thực quá thú vị, khi thấy một Hà Nội cởi mở hơn với những cái mới, từ trong chuyện bếp núc thế này.
Phố phở cuốn
Giã từ phố cổ với đôi chút luyến tiếc vì không còn thời gian (và cả bụng) để thưởng thức những món nức tiếng vùng chợ Hàng Bè như miến trộn, phở trộn, nộm đu đủ khô bò... làm một cuốc xích lô lên tận làng đúc đồng Ngũ Xá xưa kia. Làng đã thành phố và nghề đúc đồng cũng đã mai một, nhưng phố thì đã làm nên danh tiếng: phố phở cuốn. Nhà nhà bán phở cuốn và tấp nập khách ăn phở cuốn. Nhưng tôi vẫn chỉ ăn ở một quán duy nhất nằm ngay góc phố và cũng không ăn phở cuốn. Tôi thích món phở chiên phồng và món phở trộn chua hơn, với tôi đó mới là đặc sản, chưa thấy ở đâu có. Mà nếu bắt chước cũng khó có thể tạo ra được độ phồng của miếng bánh phở như những chiếc gối nhỏ xinh không một chút dầu mỡ như vậy. Chưa kể cái vị chua ngọt thanh tao rất đặc trưng được tạo ra từ giấm Bắc (khác loại giấm trong Nam, dù nguyên liệu cũng không khác biệt nhiều), cũng như sợi phở dày mà vẫn thanh, dai nhưng lại giòn, không giống với loại bánh phở thường dùng để nấu phở bò. Điều đặc biệt nữa ở đây là một loại nước uống không liên quan gì đến phở: nước râu ngô (bắp) mía lau nóng hổi, ngọt dịu và thơm mát. Uống một ly nước râu ngô có cảm giác như uống cả đất trời, uống cả quá khứ với những tháng ngày chân trần, đông cũng như hè trên bạt ngàn ruộng ngô bên bờ sông Hồng đỏ màu phù sa. Trẻ con Hà Nội xưa hầu như ai mà không có?
Màn đêm dần buông xuống hồ Trúc Bạch khi tour ẩm thực của tôi đến hồi kết. Lạ một điều là “cái bụng” dù ăn uống nhiều như vậy vẫn không thấy khó chịu, chẳng hề óc ách. Phát hiện thêm là món ăn Hà Nội quá thanh tao và số lượng thì vừa phải, giá cả lại quá hợp lý, nói rằng ẩm thực nơi đây cũng mang tính nho nhã như người Hà Nội có là quá lắm không?
Chỉ biết rằng: Em ơi, Hà Nội phố, ta sẽ còn quay lại... ăn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận