Bánh căn Đà Lạt - Ảnh: Huyền Trần |
Theo những người dân Đà Lạt cho biết, bánh căn Đà Lạt được nhập cư từ những người dân miền Trung. Tuy nhiên, qua bàn tay chế biến khéo léo độc đáo riêng của con người Đà Lạt, du khách dần dần cảm nhận hương vị bánh căn rất nhẹ nhàng thanh đạm và thơm ngon lạ lùng, ẩn chứa nét tinh túy rất riêng của Đà Lạt mà không nơi nào có được.
Dọc theo các con phố nhỏ trên cung đường hành trình khám phá thành phố xứ sở sương mù, bạn không khó tìm ra những quán bánh căn nóng hổi. Bởi hình ảnh chiếc lò than to, có nhiều “lỗ tròn” trên bề mặt, lò luôn nghi ngút khói thơm lừng, khiến ai đi ngang cũng muốn dừng chân nán lại.
Hình ảnh chiếc lò than ,có nhiều “lỗ tròn” trên bề mặt rất đỗi thân quen - Ảnh: Huyền Trần |
Bánh căn là một loại bánh được xếp vào hàng dân dã nên nguyên liệu làm ra bánh cũng không có gì là cầu kỳ, khó kiếm. Nguyên liệu làm bánh căn chủ yếu là từ những loại gạo bình thường. Nhưng để có được những chiếc bánh căn thơm giòn, người bán phải chú tâm vào khâu pha chế.
Bột gạo làm bánh căn được pha chế theo một công thức đặc biệt: Gạo được ngâm nước, sau đó xay mịn cùng với một ít cơm khô, bột được đổ trên khuôn đất hình tròn và nướng trực tiếp trên lò than hồng.
Trứng được đổ trên mặt bánh, tạo thành nhân bánh - Ảnh: Huyền Trần |
Bánh căn Đà Lạt trở nên đặc biệt khi kết hợp đa dạng với nhiều loại nhân theo khẩu vị của thực khách. Nhân bánh có thể là trứng cút, trứng gà ta, trứng vịt được đổ trên mặt bánh khi bột bánh đã se gần chín. Nếu không dùng trứng, thực khách có thể chọn cho mình nhân hải sản, không thì chút đậu xanh đã xôi chín vàng ươm rất bùi.
Bột gạo đã được xay nhuyễn từ hôm trước được các cô chủ quán đổ vào những khuôn tròn. Tiếp đến, những quả trứng được đập thật đều tay và đưa vào giữa khuôn, vàng ươm tô điểm trên nền bột bánh trắng phau.
Công đoạn đổ bánh vào khuôn - Ảnh: Huyền Trần |
Khuôn bánh được đậy nắp, tiếng than tí tách nổ lộp độp càng làm thực khách ngồi chờ nóng ruột muốn thưởng thức ngay.
Một yếu tố quan trọng làm nên vị ngon của bánh không thể thiếu đó là nước chấm. Nước chấm của món bánh căn Đà Lạt được pha chế rất khéo theo phong cách đúng vị của người Đà Lạt, gồm nước mắm pha với chút mỡ hành và chút ớt hoặc sa tế, hoặc nước mắm nêm pha cùng nước mỡ hành và xíu mại.
Nước chấm mỡ hành ăn kèm pha đúng vị của người Đà Lạt - Ảnh: Huyền Trần |
Cái ngon nhất của bánh căn là chấm ngập cặp bánh còn nóng hôi hổi vào chén nước chấm, rồi cắn một miếng bánh đã thấm nước chấm nồng vị ớt, béo ngậy mùi hành phi.
Vị thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng của bột gạo xay tan nhẹ cùng vị bùi bùi, béo béo của trứng cút hoặc trứng vịt, cùng cái thơm đậm đà rất riêng của nước mắm, tất cả hòa quyện và tan nhẹ trên đầu lưỡi dường như xua tan hết cái lạnh của xứ sở trên cao nguyên này.
Với mỗi một cặp bánh có giá dao động từ 3.000 - 5.000 đồng tuỳ thuộc vào nhân bánh, bánh căn có thể ăn vào buổi sáng như món điểm tâm nhưng chuộng nhất là ăn vào buổi chiều tối.
Chính vì thế, trong những buổi chiều se lạnh, được ngồi bên quần bên bếp lửa hồng thưởng thức từng chiếc bánh căn nóng hổi, thưởng thức hương vị thơm ngon của món ăn vừa ngắm cảnh đẹp của thành phố sương mù khi chiều xuống thì "không còn gì bằng". Du khách bỗng nhớ nhiều hơn, yêu nhiều hơn hương vị mộc mạc của một loại bánh miền quê...
Đĩa bánh căn nóng hổi, xua tan cái lạnh đầu đông - Ảnh: Huyền Trần |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận