29/04/2015 15:44 GMT+7

​Bánh tẻ ăn rồi muốn ăn thêm nữa

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

TTO - Về những vùng quê Bắc bộ, bạn đừng quên thưởng thức món bánh tẻ của những bà mẹ quê. Hình ảnh những bà mẹ cắp thúng bánh tẻ đi bán không biết tự bao giờ đã trở nên quen thuộc, bình dị.   

Bánh tẻ gắn bó từ lâu với đời sống của người dân miền trung du Bắc bộ - Ảnh: N.T.Lượng

Từ lâu, cư dân nông nghiệp ở vùng trung du Bắc bộ đã tạo cho mình những đặc sản gắn liền với hạt gạo, hạt ngô do chính họ làm ra. Nhiều món bánh đã được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành món ăn dân dã mà đậm đà tình quê.

Bánh tẻ là món ăn đậm đà mà dân dã của vùng quê trung du Bắc bộ. Người dân thường chế biến món bánh này để ăn hằng ngày hay vào dịp tết, cưới hỏi và bán thường ngày ở phiên chợ quê. Là thứ quà đơn sơ nhưng ấm áp tình nơi thôn dã, về những phiên chợ quê, cảnh những bà mẹ quê cắp thúng bánh tẻ đi bán là hình ảnh quen thuộc, bình dị. 

Món bánh tẻ có từ lâu rồi, không ai biết rõ món bánh này có từ bao giờ, chỉ biết rằng chiếc bánh tẻ gắn bó với cuộc sống của người dân quê từ bao đời nay, gắn với cây lúa nước do chính bàn tay con người trồng cấy.

Bánh tẻ được người dân miền trung du chế biến quanh năm, ăn mùa nào cũng hợp. Chất liệu chính để làm bánh tẻ là gạo tẻ, loại gạo cấy trên đồng đất phù sa phì nhiêu vừa thơm vừa dẻo.

Sau mỗi vụ gặt, người ta chọn những loại gạo trắng, ngon, hạt tròn mẩy để làm bánh tẻ. Gạo được ngâm qua đêm cho mềm sau đó xay thành bột nước để làm bánh.

Không giống cách chế biến bánh rợm hay bánh trôi, bột bánh tẻ để nguyên nước trong xô sau đó cho lên nồi đun để láng bột chín thành bánh.

Sau khi bột đã chín và đặc sệt lại, người ta bắt đầu gói thành những chiếc bánh nhỏ. Lá dùng để gói bánh tẻ bao giờ cũng là lá dong nhỏ để nguyên bản. 

Bột gạo tẻ được láng đặc - Ảnh: N.T.Lượng
Nhân dùng chế biến bánh tẻ - Ảnh: N.T.Lượng
Màu trắng của gạo hòa vào màu xanh của lá dong - Ảnh: N.T.Lượng
 
Bánh tẻ được đưa vào nồi hấp - Ảnh: N.T.Lượng

Thông thường người dân sử dụng hai chiếc lá dong để gói cho bánh được ngon và kín. Khi láng bột xong, đến công đoạn làm nhân bánh. Đây là khâu khá quan trọng vì nhân sẽ tạo nên vị đặc trưng của bánh tẻ.

Ở quê, người dân dùng mộc nhĩ, hành khô, thịt nạc xen lẫn mỡ sau đó băm nhuyễn, thêm chút hạt tiêu dùng để làm nhân bánh. Lá dong được trải ra, thoa lên mặt lá chút dầu hoặc mỡ, dùng muôi múc bột bánh đổ vào lá, cho nhân vào giữa bánh sau đó gói lại và dùng lạt buộc vào giữa bánh.

Sau khi việc gói bánh hoàn thiện, cho bánh vào nồi, chờ nước sôi lên khoảng 15-20 phút là bánh chín. 

Bánh tẻ dài khoảng một gang tay, hình khum dẹt, lá loang loáng mỡ. Khi bóc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá dong, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân. Do vậy, màu sắc của bánh rất hài hòa và dịu mắt.

Bánh tẻ tuy đơn sơ nhưng khi ăn để lại dư vị khó quên. Bánh tẻ quê có vị thơm của lá dong hòa lẫn mùi thơm của gạo, hành, thịt, có vị béo của thịt băm, cái mềm dẻo, giòn của bánh cộng với cái lật sật của mộc nhĩ tạo cảm giác vừa thanh vừa ngon khi thưởng thức.

Khi dùng bánh tẻ, người ta không quên dùng nước mắm ngon, ăn kèm với rau húng, tía tô. Bánh có thể để được 2-3 ngày.

Bánh tẻ miền trung du Bắc bộ để lại dư vị ngọt ngào khó quên - Ảnh: N.T.Lượng
Hấp dẫn món bánh tẻ Bắc bộ - Ảnh: N.T.Lượng

Người ta bày bán bánh tẻ ngay tại chợ và chẳng bao giờ bánh bị ế vì với người dân nơi đây hay khách phương xa, bánh tẻ ăn rồi thấy ngon và đậm đà dư vị, muốn ăn thêm nữa và muốn mua bánh tẻ về làm quà.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên