25/02/2015 09:55 GMT+7

​Âm nhạc dân tộc và khát vọng hòa bình

Minh Trang
Minh Trang

TT - Mang chủ đề Mùa xuân hòa bình, qua từng bản nhạc, các nghệ sĩ của đoàn nhạc gõ dân tộc Phù Đổng bắt đầu kể lại câu chuyện với nhạc cụ dân tộc trong mỗi chuyến đi.

Nghệ sĩ Đức Vọng giới thiệu nhạc cụ sanh, sứa với khán giả thưởng thức - Ảnh: Minh Trang

Sáng 24-2 (mùng 6 tháng giêng), nhiều nơi đã bước vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Hội Di sản cũng vậy, chỉ khác chăng nơi đây lại chọn cho mình một khởi đầu thật đặc biệt với buổi trình diễn và giới thiệu hơn 30 nhạc cụ dân tộc đến đông đảo du khách... ngay trong không gian của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM.

Mang chủ đề Mùa xuân hòa bình, qua từng bản nhạc, các nghệ sĩ của đoàn nhạc gõ dân tộc Phù Đổng bắt đầu kể lại câu chuyện với nhạc cụ dân tộc trong mỗi chuyến đi.

Đó là lần sang Nhật biểu diễn cho du khách và kiều bào ta dịp gần tết, khi nghe tiếng trống giòn giã liên hồi đã có thính giả kéo tay nghệ sĩ Đức Vọng thầm thì: “Nghe tiếng trống mà như tiếng pháo quê nhà, nghe tiếng trống mà ngửi thấy cả mùi bánh chưng, hương đốt. Nghe sanh, sứa mà mường tưởng đến tiếng dế kêu sau lũy tre làng. Nghe thôi mà thấy xúc động bởi nhạc cụ không chỉ tạo nên tiếng hát mà còn tạo nên cả tiếng côn trùng biết hát...”.

Với hơn 30 loại nhạc cụ khác nhau thuộc bộ gõ từ đàn đá Tây nguyên, đàn t’rưng, sanh, sứa, sáo Mông, kèn lá, đàn tranh...các nghệ sĩ đã làm sống dậy nét đặc trưng của nhiều không gian âm nhạc khác nhau từ Nam ra Bắc, từ cao nguyên đến đồng bằng.

Có những giây phút gần 200 khán thính giả nhiều màu da, nhiều ngôn ngữ như lặng đi bởi mê đắm trong tiếng sáo Mông gọi bạn tình thật da diết, cây sáo tuy “nhỏ mà có võ”, cây sáo mà “đàn ông và đàn bà Mông mà không biết thổi thì không nên duyên tình” - như lời giới thiệu của người thổi sáo.

Có lúc cả khoảng sân rộng của bảo tàng lại trở nên quá chật chội cho tiếng đàn đá trong trẻo của một “nghệ sĩ” trẻ măng chỉ mới 15 tuổi Đức Cơ hòa cùng tiếng trống và đàn t’rưng mạnh mẽ, vang rền...

Có lúc sau rặng tre xanh mướt lấp lánh nắng sớm của bảo tàng, tiếng đàn tranh ngọt lịm ngân lên một giai điệu Nam bộ bỗng dưng thấy gần gũi, thân thuộc đến lạ lùng.

Và có thể từ những “lúc” như thế, nhiều cảm hứng đã được khơi gợi hoàn toàn ngẫu nhiên, thú vị. Một vị khách nước ngoài đã chạy lên bắt tay nghệ sĩ Đức Vọng ngay sau khi xem phần biểu diễn kèn lá và chia sẻ: anh cũng muốn được thử tạo ra âm thanh với những dụng cụ ngẫu nhiên, một miếng giấy bạc chẳng hạn?

Những tiếng vỗ tay đã vang lên khi vị khách ngậm miếng giấy và thổi ra những âm thanh vui nhộn.

Không chỉ truyền cảm hứng cho người nghe mà ngay trong chính dàn nhạc, âm nhạc dân tộc cũng là cầu nối cho các thế hệ xích lại gần nhau.

Theo cha - nghệ sĩ Đức Vọng - học nhạc cụ gõ từ năm 8 tuổi đến năm 15 tuổi, Đức Cơ trở thành nghệ sĩ trẻ nhất của đoàn nhạc gõ dân tộc Phù Đổng khi năm 10 tuổi đã đoạt huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật toàn quốc 2010.

Rụt rè khi giao tiếp nhưng trên sân khấu, Đức Cơ lại cho thấy đam mê chinh phục mãnh liệt với mỗi loại nhạc cụ mình chơi, đặc biệt với những nhạc cụ không đơn giản như đàn đá Tây nguyên...

60 phút thật ngắn nhưng sự cố gắng của các nghệ sĩ trong việc truyền tải một cách đầy đủ nhất về các loại nhạc cụ điển hình đã được ghi nhận khi từ lãnh sự và phu nhân Nhật Bản tại TP.HCM, những vị khách vãng lai ở bảo tàng đến những du khách quốc tế ai nấy đều phải dừng chân ghé lại, đứng xem đến hết chương trình.

Câu chuyện hòa bình bằng âm nhạc dân tộc đã chinh phục được cả đôi tai lẫn trái tim người thưởng thức, đúng như những gì nghệ sĩ Đức Vọng đã chia sẻ khi bắt đầu: “Âm nhạc dân tộc đặt trong một không gian đầy...vũ khí như thế này tuy có tương phản nhưng cũng là dụng ý của chúng tôi, phần nào để thấy khát vọng hòa bình của người Việt qua nhiều thế hệ từ ngàn xưa đến bây giờ mạnh mẽ đến nhường nào...”.

 

Minh Trang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên