Phóng to |
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp |
Tháng 10-1995, Quỳnh Hợp xuất ngũ với cấp bậc đại úy. Hiện chị là biên tập âm nhạc Đài TNND TP.HCM, giảng viên sáng tác âm nhạc Nhạc viện TP.HCM, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Quỳnh Hợp đã có hơn 30 album riêng được phát hành cho thiếu nhi, tuổi hồng, truyền thống cách mạng, tình khúc, Hà Nội, Tây Nguyên, Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng... Chị đã giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân.
* Festival Huế 2008, chị đã có album Huế và em. Festival Huế 2012, chị lại có album Ngọt ngào Huế thuở dấu yêu. Festival Huế có điểm gì đã quyến rũ chị sáng tác hăng say như vậy?
- Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Album là những ca khúc về Huế tôi viết trong hơn năm năm qua, với những gì mình yêu mến và hiểu biết về Huế. Âm nhạc dân gian Huế rất đặc sắc và riêng biệt khiến cho những người sáng tác mong muốn được thử sức mình. Festival Huế 2012 chỉ là cái đích để tôi hoàn thành tác phẩm và ra mắt khán giả. Là một người làm báo, tôi nghĩ Festival là thời điểm thích hợp để những ca khúc ấy được giới thiệu rộng rãi. Và album còn là sản phẩm âm nhạc giới thiệu du lịch và văn hóa Huế.
* Trong album Ngọt ngào Huếthuở dấu yêu có 13 ca khúc đều do ca sĩ Lương Viết Quang thể hiện. Sao chị không chọn thêm các nữ ca sĩ vì có những ca khúc thích hợp với giọng nữ hơn?
- Lương Viết Quang là tìm kiếm của tôi từ khi tôi viết được những ca khúc về Huế, nhất là những bài mang âm hưởng Huế. Rất vô tình, những ca khúc tôi viết về Huế đều là tâm trạng của các chàng trai trải lòng với những kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ, chan chứa tình yêu và đầy mộng mơ.
Qua album này, Lương Viết Quang đã thể hiện vừa ngọt ngào, sâu lắng với những bài mang âm hưởng dân ca Huế ; vừa trẻ trung, sôi nổi với những bài pop, dance... mang đến cho khán giả hình ảnh Huế vừa lắng đọng, thâm nghiêm vừa tươi mới, rộn ràng. Còn tôi thì có một Huế của riêng mình, vừa dân gian vừa hiện đại.
* Chị được xem là “nữ nhạc sĩ bám sát thời sự”. Các sự kiện lớn đều có ca khúc của chị. Vậy chị sáng tác theo phong trào, theo đơn đặt hàng hay theo cảm xúc thật sự?
- Tôi viết rất thường xuyên từ những cảm xúc của mình qua những chuyến đi, những lần gặp gỡ bạn bè khắp nơi. Ra mắt album chỉ là dịp gom lại những gì mình đã viết. Làm báo thì phải bước cùng nhịp với thời đại. Những sản phẩm âm nhạc của tôi ngoài việc mang tính báo chí, còn mang được hơi thở của đời sống âm nhạc đương đại.
* Chị thường phổ thơ các ca khúc. Phải chăng viết lời cho ca khúc rất khó?
- Tự viết lời ca cho một vài bài hát thì không khó nhưng viết nhiều bài cùng một chủ đề thì khó cả về nội dung và cách diễn đạt. Album có một chủ đề cần sự đa dạng về góc nhìn, đa dạng về cảm xúc... Đặc biệt là màu sắc âm nhạc nhất thiết phải phong phú, đa dạng, nên việc phổ thơ là giải pháp thích hợp, nếu mình bắt nhịp được với giọng điệu thơ và ngôn ngữ thơ.
* Một số nhạc sĩ cho rằng phổ thơ lục bát thành ca khúc khó hơn các thể thơ khác. Chị có nghĩ như vậy?
- Nhìn chung, phổ thơ thể loại nào cho hay cũng khó nhưng phổ thơ lục bát thì khó hơn rất nhiều vì bản thân thơ lục bát đã có giai điệu. Một bài thơ lục bát có thể cầm lên hát theo âm hưởng dân gian nhiều vùng cả Bắc - Trung - Nam, tùy theo khả năng của nghệ sĩ. Vì thế, khi phổ thơ lục bát, nhạc sĩ phải thoát ra được những giai điệu tiềm ẩn trong thơ.
Trong album này có bốn ca khúc phổ từ thơ lục bát. Ba bài tôi đã chọn chất liệu âm nhạc là âm hưởng dân ca Huế truyền thống: trầm mặc, dịu lắng và thoáng nét hoài cổ là các bài Dịu khúc (thơ Mường Mán), Lỗi hẹn (thơ Nguyễn Đức Nam) và Em và Huế (thơ Mai Hữu Phước). Còn bài thơ Nữ sinh Đồng Khánh của nhà thơ Mai Văn Hoan, được viết với nhịp điệu tươi tắn, trẻ trung của pop. Mỗi bài sẽ mang đến cho người nghe những cảm xúc riêng.
* Trong hàng trăm ca khúc chị đã sáng tác, nếu chỉ được chọn ba ca khúc, chị sẽ chọn ba ca khúc nào? Tại sao?
- Cuộc sống muôn màu muôn vẻ lắm. Bài hát tôi thích có khi khán giả không thích và ngược lại. Ưu tiên chọn hai bài trong album này để khán giả có thể nghe và chia sẻ ngay: Vỹ Dạ nhớ em (thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên). Bài hát dịu, lắng, đậm âm hưởng Huế truyền thống và khiến cho bất kỳ ai nghe cũng nao lòng. Bài hát là “đất” để chàng trai thôn Vỹ Lương Viết Quang khoe sở trường “rặt Huế” của mình cùng những cảm xúc da diết, nhớ nhung ngân lên trong một chiều đông Huế...
Bài hát Chiều Bạch Mã (thơ Mai Hữu Phước) là kỷ niệm một chuyến lên Bạch Mã lần đầu tiên cùng với vài người bạn văn nghệ trong đó có nhà thơ Mai Hữu Phước cách đây năm năm (2007). Một bản hiphop rap trẻ trung. Nghe bài hát, ai đã lên Bạch Mã sẽ thấy mình trong đó. Ai chưa lên thì ao ước được lên đó một lần, nhất là đi cùng người ấy.
Bài thứ ba là Đảo chìm. Tôi viết nhạc và lời khi từ Trường Sa về đến đất liền và tình hình biển Đông lúc đó rất nóng, tàu thăm dò dầu khí Việt Nam bị cắt cáp (5-2011). Ngôn từ và giai điệu gần gũi. Tình yêu thương, sự tin tưởng và tinh thần lạc quan tràn ngập trong từng câu hát, khiến cho bất cứ người Việt Nam nào biết yêu Tổ quốc, yêu Trường Sa cũng sẽ rung động.
* Xin cám ơn chị.
Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận