11/01/2013 07:30 GMT+7

Ấm lòng bát phở mùa đông

ĐÌNH VŨ
ĐÌNH VŨ

TT - 4g sáng 6-1, trời Hà Nội chìm trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Ngoài đường sương mù phủ kín, không một bóng người. Bên trong quán Ơ... phở gà (219 Khương Trung Mới, Thanh Xuân, Hà Nội) chị Trang, chị My, anh Khánh cùng những anh em phục vụ quán đang tất bật nấu phở để chuẩn bị phát cho người nghèo.

nSa99KQU.jpgPhóng to
Quán Ơ... phở gà - Ảnh: Đình Vũ

Đây là chủ nhật thứ hai quán phục vụ miễn phí nên các thành viên trong quán ai cũng dậy sớm hơn để chuẩn bị. Mỗi người một việc từ lau dọn bát đũa đến luộc gà nấu nước chan, ai cũng háo hức vui ra mặt vì hôm nay thêm một ngày nữa bát phở do chính tay họ nấu sẽ đến với những hoàn cảnh khó khăn.

Ấm lòng người nghèo

Thấp thỏm ngoài cửa quán khi trời còn chưa hửng sáng trong manh áo ấm cũ rích, hai phụ nữ đã đứng đợi từ hồi nào. Thấy có người, chủ quán Nguyễn Thị Thu Trang liền ra mời họ vào rồi đon đả: “Hai chị ngồi đây uống ngụm trà cho ấm bụng rồi đợi chút nữa tụi em nấu xong sẽ dọn hàng”. Thấy chị chủ nồng nhiệt đón tiếp, một chị đứng tuổi hơn rón rén hỏi: “Miễn phí thật hả cô?”, “Vâng, quán em hôm nay phát phở gà miễn phí chị à...!”. Hai phụ nữ ấy là chị Tình và chị Miên quê ở Thái Bình làm nghề lượm ve chai và lau chùi nhà cửa, hôm nay đi nhặt ve chai sớm qua con phố này thấy biển báo treo ở ngoài nên hai chị đứng đợi xem thực hư thế nào.

6g sáng, khách đến mỗi lúc một đông, quán bắt đầu phát phiếu và phục vụ miễn phí. Dù đã đăng ký từ hai ngày trước nhưng ông Châu (52 tuổi quê tận Thanh Hóa, làm nghề kéo xe bò thuê ở Ngã Tư Sở) vẫn chưa tin lắm. Đang đứng xếp hàng chờ trong quán nhưng ông cứ chạy ra ngoài nhìn vào tấm biển ghi “Phở miễn phí dành cho người có hoàn cảnh khó khăn vào chủ nhật hằng tuần - đăng ký tại đây”, đọc lại thêm mấy lượt rồi mới vào chỗ xếp hàng của mình.

Đặt tô phở còn nóng hổi lên bàn, bà Lâm (59 tuổi, quê ở Hưng Yên, làm nghề bán nước chè dạo gần Trường ĐH Hà Nội, Q.Thanh Xuân) cẩn thận dùng giấy lau chùi lại đôi đũa tre cho sạch, vắt một ít chanh, cho thêm chút tương ớt vào đảo đều, bà hít một hơi thật sâu mùi thơm của tô phở gà rồi từ từ ăn.

Vừa ăn bà vừa xuýt xoa: ngon, ngon. Rồi vừa ăn bà vừa kể: “60 tuổi, gần 20 năm bám trụ ở cái đất này rồi mà giờ mới được ăn phở đó cháu à, nói thì không ai tin nhưng tiền ăn cơm còn chưa đủ lấy đâu tiền ăn phở, mỗi tô phở rẻ cũng 25.000-50.000 đồng chứ có ít đâu” - bà Lâm thật thà.

Trong bữa sáng chủ nhật hôm ấy có chị Vũ Thị Liễu quê ở Nam Định gây cho tôi sự chú ý nhiều nhất. Đẩy một xe ve chai đi ngang quán, chị ngước nhìn vào thấy rất đông người mà toàn những người ăn mặc lôi thôi, có ai đó nhìn quen quen như vừa đi nhặt ve chai với mình. “Nhặt được vàng hay sao mà hôm nay rủ nhau đi ăn đông thế” - chị ngạc nhiên lẩm bẩm.

Thấy chị loay hoay trước cửa, anh Khánh từ trong quán đi ra mời chị vào rồi ân cần: “Hôm nay quán em nấu phở miễn phí mời chị vào ăn”. Mặt chị Liễu đầy ngạc nhiên: “Miễn phí thật a...! Hay lại lừa người ta vào ăn rồi ép giá”. Anh Khánh phải giải thích rồi đưa tấm phiếu phát phở miễn phí ra chị mới chịu tin. Thấy vậy chị gọi luôn ba người bạn cùng phòng trọ đến ăn phở gà miễn phí.

Ăn xong tô phở, nước mắt chị giàn giụa: “Nói thật trước đây tôi sống cũng không đến nỗi nào, nhưng hơn mười năm nay kể từ ngày chồng mất tôi không biết đến tô bún, tô phở là gì, còng lưng làm cả ngày cũng không nuôi nổi ba đứa con với bố mẹ chồng nay đau mai ốm”.

BZdKUVas.jpgPhóng to

Sau 10 năm, chị Vũ Thị Liễu mới được ăn tô phở - Ảnh: Đình Vũ

Mong người nghèo được ăn đầy đủ

Dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nhưng chị Nguyễn Thị Thu Trang và chị Nguyễn Hà My cùng chồng là anh Nguyễn Văn Khánh vẫn quyết tâm dành ngày chủ nhật để nấu phở phát cho người nghèo. “Mình đói, mình thèm, mình khát thế nào thì người khác cùng giống vậy thôi. Tôi nghĩ đơn giản vậy nên bàn với anh trai và chị dâu cùng góp vốn làm. Mình có điều kiện sống hơn người khác một tí thì cũng nên chia sẻ cho người khác sự may mắn ấy” - chị Trang thổ lộ.

Anh Khánh tâm sự thêm, trong một lần chở vợ đi chơi về muộn qua cầu Long Biên thấy trời mùa đông mà nhiều người phải nằm co ro dưới gầm cầu, không chăn không chiếu, có đôi vợ chồng cũng vì không có tiền thuê nhà mà hằng đêm phải bế cậu con trai mới 4 tuổi chui vào phòng máy ATM để ngủ trốn mưa trốn rét. “Gặp những hoàn cảnh như vậy, vợ chồng tôi mới nghĩ đến việc tận dụng mặt bằng nhà mình để mở quán phở rồi dành ngày chủ nhật phát phở miễn phí giúp đỡ người nghèo”.

Quyết là làm. Vậy là quán phở mang tên “Ơ... phở gà” được khai trương vào đúng ngày Noel 24-12-2012. Đến ngày 30-12 thì những người nghèo đầu tiên ở Hà Nội được ăn phở miễn phí. Trong ngày đầu tiên ấy quán phục vụ 89 bát phở gà miễn phí. “Nếu nghĩ mở quán để kinh doanh thì tôi không làm vì làm cũng chẳng lời lãi gì, thay vì kinh doanh tôi cho thuê mặt bằng cũng được 40 triệu đồng/tháng khỏe hơn mà không phải suy nghĩ nhiều. Mình chỉ mong sao giúp đỡ được càng nhiều người có hoàn cảnh khó khăn càng tốt. Vợ chồng tôi đều đã có công ăn việc làm ổn định nên công việc ở quán phải thuê người làm, từ nấu nướng đến phục vụ, chỉ cuối tuần được nghỉ thì mới đến quán” - anh Khánh nói.

Chủ nhật vừa rồi, quán Ơ... phở gà đón tiếp hơn 150 thực khách là người nghèo, sống vất vả, khó khăn giữa lòng Hà Nội. Tiếp xúc với nhiều người tôi nhận ra ở họ niềm vui mà họ không nói thành lời, có người chỉ lẳng lặng bước đến gật đầu chào chủ quán rồi đi, cũng có người ăn xong đến bắt tay rồi ôm chị Trang, anh Khánh... khóc thút thít vì cảm động.

Như trường hợp bác Duy ngồi xe lăn bán báo dạo. Đến cửa quán không thể nào lên được cửa vì hành lang quá cao. Thấy bác hì hục mãi, một nhân viên phục vụ chạy ra bế bác vào trong ngồi, vừa ăn mà nước mắt bác chảy dài: “Kể từ ngày cha mẹ mất có ai quan tâm đến tôi đâu, đến đâu người ta cùng hắt hủi, xua đuổi mà nay lại có người cho ăn không thế này”.

Cũng trong hôm ấy quán dự kiến nấu 100 bát phở nhưng đến trưa lượng người đông quá mà không nỡ để mọi người bụng đói ra về, chị Trang quyết định mổ thêm ba con gà để nấu thêm phở phát cho người nghèo. “Làm việc này chúng tôi chẳng mong mỏi gì nhiều, chỉ muốn người nghèo cũng được thưởng thức món ăn ngon như những người bình thường khác”.

Tôi hỏi lượng khách đến đông thế này thì chị lấy kinh phí đâu mà làm lâu dài được, chị Trang đáp: “Không chỉ chủ nhật hằng tuần mà chúng tôi đang phấn đấu sắp xếp công việc cá nhân để tăng ngày phát phở miễn phí vào thứ ba và thứ năm hằng tuần nữa, chi phí do gia đình tôi tự bỏ ra. Nếu tới đây lượng người đến ăn ngày một đông, tôi sẽ vận động thêm anh em, bạn bè cùng làm, miễn sao giúp được nhiều người càng tốt”.

Tấm lòng người Hà Nội

Người lao động nghèo ở thủ đô đã quen với hình ảnh các thành viên trong CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội cứ trưa chủ nhật hằng tuần lại nấu gần 100 suất cơm rồi bán với giá chỉ 5.000 đồng tại cầu Mai Động (Q.Hai Bà Trưng), hay trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi thường xuyên có những đội tình nguyện nấu cơm, cháo đến phát miễn phí phục vụ người nhà bệnh nhân.

Tại gầm cầu Long Biên hay cầu Vĩnh Tuy mỗi sáng thứ bảy hằng tuần lại có một nhóm tình nguyện mang những bao bánh mì còn nóng hổi đến phát miễn phí cho người nghèo... Nói như anh Bùi Quang Long - chủ nhiệm CLB cơm 5 ngàn Hà Nội, đây là những hành động, những việc làm xuất phát từ tấm lòng của mỗi cá nhân dành cho người lao động nghèo tại thủ đô.

ĐÌNH VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên