27/07/2012 05:36 GMT+7

Âm binh - vở diễn ròng ròng cát chảy

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Trong ròng ròng cát chảy miền Trung, số phận bi tráng của nhân vật chính trải dài từ chiến tranh đến hòa bình. Một kịch bản khốc liệt mà Nguyễn Quang Vinh đã "đo ni đóng giày" cho nữ diễn viên từng thành công với vai Ðặng Thùy Trâm của chính anh trước đó.

DGPeEB65.jpgPhóng to

Từ trái qua: Xuân Hồng (vai Trung), Hoàng Yến (vai Nhi) và Trọng Hiếu (vai Quân) trong vở Âm binh. Vở sẽ được công diễn từ ngày 16-8 tại Nhà hát Thế Giới Trẻ, TP.HCM -Ảnh: Quang Vinh

Thời gian của chuyện kịch Âm binh (*) rất dài, từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 đến hôm nay. Song không gian lại hạn hẹp trong khu vườn hoang vu, xác xơ bởi đạn pháo đã giết chết đứa con gái ba tháng tuổi, chỉ còn lại duy nhất người mẹ. Khắp vườn nhấp nhô các ngôi mộ người thân. Người mẹ trẻ nức nở nguyền rủa chiến tranh, đau đớn vắt sữa từ bầu ngực căng vào mấy cái bát, đặt trên mộ cúng con.

Ngồi bên phía trái sân khấu, mặc áo choàng, vào vai gốc phi lao già, họa sĩ Trí Ðức lặng lẽ dùng tay vốc cát, ném lên mặt kính, nối với camera gắn sau cành cây ngụy trang. Theo tay họa sĩ, nét vẽ từ cát được phóng chiếu lên màn hình bao trọn phông hậu, với những tranh cát sinh động, liên tiếp như thay cảnh, làm nền cho diễn xuất. Quả là ngoạn mục khi lần đầu không gian sân khấu được xử lý rất mới lạ.

Cách diễn đầy nội lực

NSƯT Hoàng Yến (từng vào vai kịch Ðặng Thùy Trâm, hiện là phó giám đốc Nhà hát Thế Giới Trẻ thuộc ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) đã rất nhạy cảm với không gian biến hóa, vừa ước lệ lại vừa tả thực này. Mở màn, Yến bắt ngay vào vai Nhi, với phục trang đàn bà thời chiến, tóc tai rũ rượi, đang cho nhân vật Nhi của mình độc thoại, căm thù cái vùng đất cài răng lược giữa Mỹ ngụy và quân giải phóng. Nhi không biết đạn pháo từ đâu đã giết đứa con bé bỏng của mình? Thân hình tiều tụy, nội tâm diễn viên được huy động, đong đầy cảm xúc cho nhân vật ngay khi xuất hiện; giọng truyền cảm, rõ lời, cử chỉ diễn xuất rất độc đáo khi vạch áo ngực vắt sữa cúng con, Hoàng Yến đã khiến cả rạp im phắc. Cảnh tượng thật bi tráng, cứa ngay vào trái tim người xem, nhất là nghệ sĩ đồng nghiệp.

Sau vở diễn, NSND Ðoàn Dũng - người thầy dạy diễn xuất, nguyên hiệu trưởng ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - chạy ào lên sân khấu ôm Hoàng Yến, lệ tràn khuôn mặt: "Thầy xúc động quá. Em diễn thật cảm động, Yến ạ!", và ôm hai diễn viên nam: "Các bạn đã diễn tròn vai, tung hứng rất khéo với Yến"... Nhiều người xem cũng đã không cầm được nước mắt.

Cứ thế, Yến diễn nhân vật Nhi trong cách diễn đầy nội lực, uyển chuyển đi về giữa hai bờ thực - ảo của nhân vật người đàn bà thời chiến, giữa hai thái cực: Quân - người lính Việt cộng (Trọng Hiếu - phóng viên báo Công An, cựu sinh viên ÐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội bỏ nghề 20 năm, nay quay lại sàn diễn) và Trung - người lính Việt Nam cộng hòa (Xuân Hồng thủ vai), cùng bị thương nặng, cùng lạc vào khu vườn đầy âm binh của người đàn bà mất con. Nhi đã tha chết cho họ, cứu sống cả hai bằng bầu sữa của mình và những bát cháo thơm thảo.

"Mã sân khấu" độc đáo

Nhân vật Nhi của Yến rất phức tạp, tâm trạng nhiều biến chuyển, đầy lưỡng lự, ngờ vực và cả tin, cùng lầm lỡ bản năng. Yến đã diễn rất mỏng nhẹ, dịu dàng khi cho Nhi chăm bẵm hai người đàn ông ở hai đầu chiến tuyến và vô cùng bạo liệt khi rẽ đôi hai họng súng hai người chĩa thẳng vào nhau với đôi cánh tay mảnh dẻ. Và Nhi của Yến đã quyết liệt bốc cát nhét đầy hai họng súng, ngăn hai người lính bị thương không cho họ bắn nhau...

Kết cuộc, Nhi của Yến đã phải chọn lựa. Yến đã thuyết phục người xem khi dám từ chối một "công thức": Nhi phải yêu người lính Việt cộng mới là "phải đạo". Nhi của Nguyễn Quang Vinh chọn yêu Trung ngay từ kịch bản và được Yến ủng hộ bằng diễn xuất nương theo logic tự nhiên của nhân vật, khiến vở diễn quyến rũ, có nhiều cái để xem, để cảm, để nhớ và để nghĩ cho công chúng yêu kịch, ngay khi vở diễn đang diễn ra và cả khi tấm màn nhung đã khép với một kết thúc tươi tắn. Ðiều tử tế ở đời đã được người đàn bà chứng thực từ tấm lòng của hai người đàn ông mà bà đã cứu sống.

Về tổng thể, cả ba diễn viên sẽ không thể "lên hương" đến thế, nếu không diễn trên cái nền của chuyển động tranh cát. Cái gợi tả của tranh cát, hòa lẫn cảnh diễn tả thực: cát ròng ròng chảy trên tay hai nhân vật yêu nhau, rượi buồn trong tiếng Nhi hát: Nghèo chi nghèo rứa mà nghèo/Ðêm nằm cát vẫn còn theo lên giường, đã thành "mã sân khấu" độc đáo, đủ sức ám ảnh, lay động người xem...

(*) Vở dự thi Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Huế (từ ngày 14 đến 29-7) của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, tác giả: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Cao Ðức Xuân Hồng.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên