14/09/2024 14:56 GMT+7

Ấm áp từ những đốm lửa nhỏ qua trận lũ kinh hoàng ở miền Bắc

Sự cuồng nộ của thiên nhiên dường như chưa dừng lại. Mỗi sáng thức dậy lại thấy những nỗi đau mới chồng lên nỗi đau còn chưa nguôi ngoai ngày hôm qua.

Ấm áp từ những đốm lửa nhỏ qua trận lũ kinh hoàng ở miền Bắc - Ảnh 1.

Các chiến sĩ hợp sức đẩy một mảng tường lớn từ đống đổ nát để tìm người mất tích tại thôn Làng Nủ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hiếm khi thiên tai cùng lúc giáng xuống người dân ở nhiều địa phương miền Bắc như bây giờ. Nhưng trong đau thương, mất mát thì tình người lại càng sáng rõ hơn bao giờ hết.

Hàng ngàn chiến sĩ dầm mưa, lội bùn trong nhiều ngày qua để giúp dân chống bão, cứu người bị vùi lấp trong các trận lũ quét, sạt lở. Đã có những người lính hy sinh giữa thời bình. Rất nhiều người dân bất chấp hiểm nguy lao vào cứu nạn khi bản thân cũng mất nhà, mất tài sản.

Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai), ngôi làng bị vùi lấp hoàn toàn trong một trận lũ quét, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ và người dân làm việc không ngừng nghỉ trong vài ngày qua, dù chỉ để mang thi thể những người dân gặp nạn trở về để lo hậu sự.

Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai) gần 100 cán bộ, chiến sĩ băng rừng hàng giờ đồng hồ để tiếp cận khu vực người dân bị núi sạt lở vùi lấp và có cả trăm người dân khác cũng băng rừng để mang đồ tiếp tế cho lực lượng cứu hộ.

Sức người nhỏ bé vô cùng trước sự tàn phá của thiên nhiên. Nhưng nhiều sự nhỏ bé ấy đồng sức, đồng lòng lại tạo nên sức mạnh vượt lên nghịch cảnh.

Có những niềm vui của người đi cứu nạn nhanh chóng lan tỏa trở thành niềm vui chung của nhiều người. Đó là khi lực lượng cứu nạn tìm thấy 70 người dân của xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) chạy lũ trong rừng để tránh núi sạt lở, trong khi trước đó đã tưởng như họ bị vùi sâu trong đất.

Hay một cháu bé 6 tuổi ở Kim Bôi, Hòa Bình đã mất hết cha mẹ được lực lượng cứu nạn tìm thấy, kịp thời cấp cứu. Chàng thanh niên ở Tam Nông (Phú Thọ) dám bơi thuyền ra giữa dòng lũ dữ để cứu được người đàn ông bị rơi xuống sông trong vụ sập cầu Phong Châu.

Những ngày này, từ giới nghệ sĩ, trí thức đến những người dân làm nghề tự do kiếm sống, mỗi người theo cách riêng của mình đã góp sức với hy vọng chia bớt sự khó khăn, mệt nhọc, đau thương với người dân vùng bão lũ.

Việc một giáo sư đã mang tới báo Tuổi Trẻ sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng gom góp từ tiền đi dạy, viết sách và lương hưu để ủng hộ đồng bào bị bão lũ đã khiến rất nhiều độc giả lặng đi xúc động. Hành động đáng trân quý đó không chỉ mang đến 1 tỉ đồng mà hơn thế đã làm lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái.

Nếu những năm trước đây cả nước hướng về người dân ở miền Trung bị lũ lụt thì bây giờ cả nước đều hướng về miền Bắc. Nhiều phụ nữ ở Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên... đã thức thâu đêm để chiên cơm, làm bánh mì tiếp tế cho người dân ở vùng bị lũ cô lập.

Từ Phú Yên, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội..., người dân luộc trứng, gói bánh chưng. Ở chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) những người dân quanh năm sống bằng nghề lái đò đã lập tức chuyển thuyền lên ô tô mang lên Thái Nguyên, Yên Bái để cứu dân trong lũ....

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là câu nói quen thuộc của người Việt. Tình người trong bão lũ như những đốm lửa nhỏ được thắp lên.

Nhiều đốm lửa nhỏ có thể sưởi ấm cho những người đang phải gánh chịu mất mát, cho họ niềm tin vào sự tử tế để có động lực đứng lên từ biến cố.

Ấm áp từ những đốm lửa nhỏ - Ảnh 1.'Hạt cát' của thầy Thạch

"Dạ, cảm ơn em, không có chi", giáo sư Lê Ngọc Thạch hồi đáp với từng người lạ quen đang bày tỏ sự ngưỡng mộ lẫn yêu thương với thầy trên trang mạng xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên