15 phút trôi qua của trích đoạn Nửa đời hương phấn là 15 phút khán giả được thưởng thức "tài nghệ" chửi và đòi nợ của bà Hai Lung (nghệ sĩ Kim Giác).
Phóng to |
Sự trở lại của nghệ sĩ Kim Giác (trái) trong một chương trình cải lương phòng trà khiến nhiều khán giả xúc động - Ảnh: Anh Khoa |
Kết thúc trích đoạn, MC - NSƯT Hữu Quốc... nhỏ nhẹ bày tỏ: "Sao má dữ quá vậy? Má bớt dữ được không?". Ánh mắt sắc lạnh của bà Hai Lung giãn ra nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng: "Ðâu được con. Phải dữ vậy người kế bên mình mới đóng đạt chứ!". Khán giả vỗ tay rần rần trước câu nói giản dị mà chí lý của người nghệ sĩ năm nay đã 76 tuổi, người mà trước khi "sấn sổ" với cô Hương đã dợm hoài mới bước lên được bục sân khấu...
Không phải là cái tên sáng chói của làng cải lương, nhưng nghệ sĩ Kim Giác được khán giả nhớ đến với những vai mụ lẳng, mụ độc rất ấn tượng. Nghệ sĩ Hoàng Giang, chồng bà, cũng được báo giới ngày ấy tôn xưng là "đệ nhất kép độc".
Mười mấy năm nay bà rời xa sân khấu vì những căn bệnh tuổi già, vì thế sự xuất hiện trở lại của bà trong chương trình cải lương ở phòng trà Tiếng Xưa vào một ngày tháng 5 đã khiến nhiều khán giả mộ điệu cải lương hết sức bất ngờ và xúc động.
Tối 8-6, đêm cải lương phòng trà lần 5 đã diễn ra với chủ đề Đêm nữ ban. Chương trình quy tụ tám nghệ sĩ nữ gồm NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Thanh Thanh Hiền, Bo Bo Hoàng, Tú Sương, Trinh Trinh, Mỹ Hằng, Quỳnh Hương và ca sĩ Cẩm Ly. Chương trình tháng 7 (ngày 6-7) dự kiến sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương, Cao Thúy Vy, Ngọc Đợi... |
Trong một không gian khép kín, các dãy ghế được đặt sát ngay sân khấu nên khoảng cách nghệ sĩ - khán giả gần như là không có. Có vẻ như sự kết nối của chương trình không được dẫn dắt bằng kịch bản mà bằng cảm xúc. Ở đó, các nghệ sĩ vừa hát vừa tâm tình với khán giả một cách rất tự nhiên.
Khi NSƯT Phượng Hằng giới thiệu trường phái ca hơi dài, chị thừa nhận lối ca này có người thích người không và nhấn mạnh phải sử dụng đúng lúc, đúng hoàn cảnh thì mới đắc địa, còn không sẽ phản tác dụng. Chẳng hạn ở trường đoạn nhân vật buồn hoặc sắp chết mà ca hơi dài là... tiêu!
Và để minh họa, chị đã lên một câu vọng cổ hơi dài thật dài khiến khán giả... ngất ngư, nhưng sau đó lại đòi nghệ sĩ hát tiếp! Hóa ra, người xem không chỉ được nghe hát mà còn được hiểu thêm nét đặc sắc của mỗi phong cách ca. Một khi đã hiểu thì sẽ cảm, sẽ thấy thú vị để lại muốn được nghe, được thưởng thức thêm.
Trong không gian gần gũi, không hào nhoáng ấy, sức hút của nghệ sĩ được đo lường rất cụ thể, ai hát hay, có nội lực sẽ được khán giả liên tục yêu cầu, còn người hát yếu sẽ bị lơ là ngay... NSƯT Ngọc Hương do bị bệnh khớp nên khi hát ở đây ban tổ chức phải kê ghế để bà ngồi hát, khán giả vẫn thưởng thức và ủng hộ nhiệt tình!
Trong tình hình thiếu sàn diễn cải lương trầm trọng như hiện nay, cải lương phòng trà đã góp thêm cơ hội để nghệ sĩ có điều kiện gặp gỡ khán giả, đặc biệt các giọng ca trẻ có điều kiện trau dồi thêm làn hơi ở một không gian mà nghệ sĩ phải hát thật, không được nhép. Qua một vài đêm diễn, dù chưa hẳn là đông khách nhưng chương trình đã bắt đầu có một lượng khán giả tương đối ổn định.
Người xem ban đầu có thể đến vì tò mò thưởng thức món lạ, nhưng để chương trình trở thành món ngon, những người thực hiện cần chăm chút hơn đến nhiều nét đặc sắc và thú vị của nghệ thuật cải lương.
Nếu người biên tập am hiểu và biết cách khai thác phù hợp với không gian phòng trà, chương trình không chỉ làm thỏa lòng những người mộ điệu cải lương mà còn "dụ dỗ" thêm những khán giả bấy lâu còn lơ là với nghệ thuật truyền thống của đất Nam bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận