Một trẻ hoảng sợ trong video dọa ma được đăng tải trên trang mạng TikTok thu hút được hàng nghìn lượt xem - Ảnh: T.H. chụp lại
Những trào lưu "quỷ quái" này từ người lớn dễ dàng gây nguy hiểm cho trẻ. Với sự thịnh hành của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok trong thời gian gần đây, nhiều trẻ nhỏ sớm tiếp cận với mạng xã hội.
Đang ở lứa tuổi học hỏi, nhiều trẻ bắt chước làm theo các video, hoặc rơi vào ám ảnh, sợ hãi với những trò đùa từ "trời rơi xuống".
Ám ảnh vì nỗi sợ trên trời
Mới đây một trào lưu dọa ma gây ám ảnh cho trẻ nhỏ xuất hiện trên khắp các nền tảng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội TikTok. Hàng loạt video quay lại cảnh nhiều người lớn nhốt trẻ một mình trong phòng, cùng với âm thanh man rợ. Nhiều trẻ bị lôi ra làm nhân vật chính trong các clip này với mục đích câu view, lấy like.
Một đoạn video kéo dài khoảng 1 phút của một tài khoản TikTok tên là T.M. đăng tải ghi lại hình ảnh khi một người lớn và một trẻ đang chơi trong phòng, bỗng dưng chị này chạy ra khỏi phòng, đóng sập cánh cửa, để trẻ một mình trong phòng, cùng với âm thanh man rợ. Thấy vậy trẻ bỗng dưng khóc thét lên vì sợ hãi.
Điều đáng nói là các clip này lại nhận được hàng trăm lượt yêu thích, nhiều người tỏ ra khá thích thú với video này.
Không chỉ vậy, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "dọa trẻ ăn", "dọa trẻ hư", trên YouTube hàng trăm clip ngắn xuất hiện với những khuôn mặt quái dị, các clip này lại thu hút được hàng trăm hàng nghìn lượt xem.
Chị T.N.L. (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ cô con gái 9 tuổi sau khi vô tình xem được một đoạn clip bạn nhỏ bị nhốt trong phòng đã rất sợ hãi. "Hôm ấy, con không chịu tự đi vệ sinh, không chịu ở trong phòng một mình. Sau khi dò hỏi mới biết do con sợ sau khi xem clip trên TikTok và sợ bị mẹ nhốt như vậy", chị L. ngán ngẩm nói.
Chia sẻ về những trào lưu hù dọa trẻ trên mạng xã hội, chị N.T.H. (Hà Nội) bày tỏ: "Bản thân tôi khi xem những clip này cũng cảm thấy rùng mình chứ chưa nói đến những đứa trẻ mới chỉ vài tuổi. Tôi thật sự không hiểu được tại sao lại tạo trò đùa "vô bổ" đến như vậy. Những đứa trẻ có thể gặp vấn đề tâm lý khi bị nhốt trong phòng hay dọa nạt bằng các hình ảnh như vậy.
Tôi nghĩ phụ huynh nên giám sát kỹ những gì con được xem, được nghe trên mạng xã hội. Thay vì cho con tự xem các clip trên mạng, có thể cho con xem tivi, các chương trình giải trí, múa hát phù hợp với lứa tuổi của con".
Chị N.T.T. (35 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) có con nhỏ chỉ mới 4 tuổi cho biết ở nhà, đặc biệt thời gian con không lên lớp, để dỗ dành trẻ ăn hoặc không quấy khóc, chị thường xuyên cho trẻ lấy điện thoại để lướt TikTok.
"Con tôi tiếp cận rất sớm các trang mạng, thậm chí mỗi lần lấy điện thoại ra để con không lướt cũng phải dùng chiêu. Có hôm con không chịu ra ngoài vui chơi, mà chỉ cần lướt mạng xã hội. Mình chỉ nghĩ là cho con chơi vào thời gian rảnh chứ cũng không nghĩ gì nhiều", chị T. nói.
Nhiều trẻ còn nhỏ nhưng đã tiếp xúc với các thiết bị điện tử và sử dụng mạng xã hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Đu trend" bất chấp lợi - hại
Trao đổi với Tuổi Trẻ về trào lưu này, PGS Trần Thành Nam - giảng viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - đánh giá đây là một hành vi bạo lực tinh thần trẻ và phản ảnh sự thiếu ý thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
"Trước kia nhiều bậc phụ huynh dạy dỗ trẻ khi trẻ không nghe lời bằng cách dọa nạt như dọa ông ba bị, dọa công an bắt, dọa ngoáo ộp... với mục tiêu dọa nạt đứa trẻ để đứa trẻ nghe lời, gây nên hoang mang, sợ hãi cho trẻ. Đây là một cách thức dạy dỗ trẻ không nhân văn, dạy dỗ dựa trên dọa nạt, làm trẻ xấu hổ, sợ hãi... và đã từng bị lên án.
Với trào lưu nhốt trẻ trong phòng kín hay đeo mặt nạ để dọa trẻ như hiện nay lại không phải nhằm giáo dục trẻ mà chỉ với mục đích mua vui, giải trí của một bộ phận thì là một hành động càng phải lên án hơn. Với những trò dọa nạt như vậy sẽ khiến nhiều trẻ bị ảnh hưởng tâm lý.
Đặc biệt những đứa trẻ còn quá nhỏ không thể phân biệt được đâu là hiện thực, đâu là dàn dựng. Vì vậy, có thể những ấn tượng đáng sợ ấy xuất hiện trong giấc mơ của trẻ trở thành ác mộng. Cũng có thể trở thành nỗi lo lắng, ám sợ trong một số tình huống phải ở một mình, mất tự tin...
Hành vi này thể hiện sự kém văn hóa của giới trẻ khi lấy nỗi sợ hãi của người khác để giải tỏa stress của bản thân. Đây là một trò đùa, "đu trend" mà không có sự cân nhắc đến nội dung này có ảnh hưởng như thế nào. Nó thể hiện sự thiếu nhận thức và văn hóa của bộ phận giới trẻ hiện nay", ông Nam phân tích.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết đối với trẻ em, việc tiếp cận các sản phẩm truyền thông có nội dung kinh dị, ghê rợn, hù dọa có thể làm trẻ bị tác động tiêu cực như hoảng sợ, lo âu, có những suy nghĩ ám ảnh, thậm chí dẫn đến cảm giác kém an toàn và có các xáo trộn về sinh hoạt, giấc ngủ.
Khi có cảm xúc lo lắng, nhiều trẻ có hành vi quấy khóc, bám cha mẹ hoặc thu mình, ít chịu tương tác với người khác.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo lần đầu tiên vào tháng 4-2019, trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2 - 4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày.
"Cần quy định thời gian sử dụng thiết bị điện tử phù hợp cho từng độ tuổi và cần kiểm soát nội dung trẻ tiếp cận. Cha mẹ phải làm gương cho con. Mối quan hệ gia đình có thể xem vẫn là nền tảng cho việc phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ em.
Một bữa cơm chung không dùng thiết bị điện tử có thể giúp cha mẹ, con cái lắng nghe và quan tâm nhau hơn. Đó cũng là cách cha mẹ dạy cho con cái hiểu về những giá trị tốt đẹp thực tế bên ngoài không gian ảo", ông Toàn Thiện nói.
Trẻ biếng ăn, không ngủ còn biện pháp nào?
Chuyên gia tâm lý Toàn Thiện cho biết hãy giúp trẻ rèn luyện thời gian biểu hợp lý để đảm bảo chất lượng giấc ngủ và thời lượng ngủ đủ theo từng độ tuổi.
Trước khi ngủ không nên dùng thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh từ màn hình máy tính, điện thoại có ảnh hưởng lớn tới việc ức chế sản xuất hormone melatonin, do đó làm giảm cả số lượng giờ ngủ và chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, hãy cho trẻ chủ động trong bữa ăn. Khi ăn, hãy khuyến khích và tạo niềm vui khám phá thức ăn hơn là ép buộc. Điều này càng làm trẻ chán ăn và gia tăng tình trạng biếng ăn.
Nên giới hạn thời gian ăn, không nên vừa ăn vừa xem thiết bị điện tử dẫn đến kéo dài bữa ăn quá lâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận