Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm người dân vào hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9 đạt hơn 6,449 triệu tỉ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022 - mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.
Đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê đến cuối tháng 9 này, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỉ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỉ đồng so với cuối tháng 8.
Nhà đầu tư thận trọng
Tiền gửi của người dân chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ cuối năm ngoái khi các nhà băng đua nâng lãi suất. Sang năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành. Lãi suất huy động tại các ngân hàng về mức rất thấp.
Ở kỳ hạn 3 tháng, một số ngân hàng áp dụng lãi suất chỉ quanh mức 3%. Còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng với lãi suất hơn 5%/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng khi lãi suất hạ, tiền gửi tiết kiệm sẽ giảm, chứng khoán hay các kênh đầu tư khác hưởng lợi. Tuy nhiên con số thực tế cho thấy diễn biến không hoàn toàn như vậy.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM - Công ty Chứng khoán DSC - cho biết dòng tiền chảy vào chứng khoán còn khá thận trọng vì triển vọng phục hồi kinh tế chưa rõ nét.
Cách đây nửa năm, ông Huy là một trong số ít các chuyên gia "đi ngược" khi dự báo tiền sẽ khó ồ ạt chảy vào chứng khoán ngay cả khi lãi suất huy động giảm sâu.
"Thị trường chứng khoán cải thiện nhiều, nhưng nói lãi suất tiết kiệm giảm, tiền vào chứng khoán là khó xảy ra, ít nhất trong ngắn hạn", ông Huy từng nhận định.
Ông Huy đã chỉ ra sau năm 2022 nhiều "đau thương", đa phần nhà đầu tư chứng khoán tham gia thị trường vẫn còn lỗ. Do đó hành vi chung vẫn khá thận trọng.
Đến thời điểm này, vị chuyên gia quan sát, ngay cả khi lãi suất tiết kiệm có giảm nhưng vẫn mang lại sự "an tâm" cho nhà đầu tư hơn so với chứng khoán.
"Xu hướng thận trọng trong đầu tư hay thắt lưng buộc bụng là tất yếu khi triển vọng kinh tế chưa rõ ràng. Nhà đầu tư thích sự chắc chắn. Tiết kiệm đáp ứng điều đó", ông Huy lý giải.
Vị chuyên gia chỉ ra không chỉ chứng khoán, thời điểm này cũng chứng kiến sự bế tắc chung của nhiều kênh đầu tư và ngay cả với sản xuất kinh doanh.
Khi tìm hiểu những diễn biến trên thị trường, ông Huy tổng hợp, phân tích số liệu từ Trung Quốc - một thị trường có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. "Từ năm 2021, tiền gửi tiết kiệm của Trung Quốc đã tăng gấp đôi dù hạ lãi suất, nợ cá nhân cũng giảm mạnh, kinh tế cũng chưa phục hồi và chứng khoán giảm. Tất nhiên có nhiều lý do khác nhau, nhưng cũng nhiều điểm tương đồng khi quan sát để suy ngẫm", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Sự an toàn, phòng thủ của người dân trong việc thận trọng đầu tư còn biểu hiện khi "giá vàng nhẫn ở mức cao nhất lịch sử và chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới". Đây là dấu hiệu rất đáng lưu ý của nền kinh tế Việt Nam, ông Huy nêu quan điểm.
Xu hướng thời gian tới thế nào?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27-11, VN-Index giảm 0,69%, đóng cửa ở mức 1.088 điểm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 11.790 tỉ đồng, thấp nhất từ đầu tháng 11-2023.
Thanh khoản toàn thị trường cả 3 sàn đạt 13.250 tỉ đồng, giảm 40,1% so với phiên liền trước và giảm 32,5% so với trung bình 20 phiên.
Theo chuyên gia Chứng khoán SHS, nỗ lực vượt ngưỡng cản ngắn hạn 1.100 điểm vẫn chưa thành công.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đang trong nhịp hồi phục sau đợt giảm rất mạnh vừa qua. Tuy nhiên những nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.
Về góc nhìn trung hạn, chuyên gia Chứng khoán SHS dự báo sau giai đoạn giảm sâu, thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại trong khoảng thời gian kéo dài.
Anh Hoàng Thắng - một tư vấn đầu tư chứng khoán lâu năm trong nghề - cũng nhận định thị trường có diễn biến thận trọng khi bước vào tuần giao dịch mới.
Hiện tại áp lực cung hàng chưa gây sức ép lớn tại vùng giá giảm nhưng với trạng thái thận trọng của dòng tiền, có khả năng diễn biến thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng và tiềm ẩn rủi ro giảm điểm thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận