19/05/2007 05:14 GMT+7

Ám ảnh nước trong Mùa len trâu

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Không thể không cảm nhận, không bị cuốn hút tức thì ngay từ đầu phim. Nước lũ ào về mênh mang, cuồn cuộn tràn đầy màn ảnh, và tiếng kể chuyện đều đều của nhân vật chính do chính tác giả lồng tiếng:

3mi7joaJ.jpgPhóng to
Nằm trong chương trình chiếu phim VN miễn phí do Viện Trao đổi văn hóa Pháp phối hợp với Saigon Movies Media tổ chức tại TP.HCM, Mùa len trâu được chiếu lúc 15g ngày 19-5 tại rạp Đống Đa (890 Trần Hưng Đạo, Q.5) và 19g ngày 21-5 tại IDECAF (28 Lê Thánh Tôn, Q.1)

1. Mênh mông nước nổi, trâu không còn một nhúm cỏ để ăn, cha mẹ Kìm cũng không còn giạ lúa nào trả tiền công thuê người đi “len trâu” suốt một mùa nước lên. Cậu bé Kìm 15 tuổi dắt hai con trâu, gia nhập đám giang hồ hảo hớn len trâu.

Sau mùa len trâu thứ nhất, cậu bé đã vỡ vụn thành những mảnh vỡ của người đàn ông, nhuốm tất cả thói quen giang hồ của những kẻ len trâu hung dữ và mông muội. Đến mùa thứ hai, sau cái chết của người cha, một mình chèo thuyền giữa mưa đầy trời, mênh mang nước nổi không bến bờ, cậu bé Kìm đã ngộ ra nhiều điều, đã đi hết một vòng tròn số phận và đã quay về với người đàn bà mà cậu đã đem lòng yêu...

Cuộc vỡ vụn và trưởng thành của nhân vật chính liên quan đến tất cả những cuộc vỡ vụn và trưởng thành của tất cả các nhân vật khác trong phim, và đặc biệt không một trường đoạn nào mà không liên quan đến nước, với triết lý nhân bản của nó, đúng là đã xuyên suốt Mùa len trâu, đúng là đã thành một thứ ngôn ngữ phim truyện riêng, thật độc đáo của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.

2. Hoàn toàn không hề ngẫu nhiên, nước - đã từ mã số nghệ thuật ngôn từ trong hai truyện ngắn: Mùa len trâuMột cuộc biển dâu, trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam - đã được chuyển hóa thành mã số nghệ thuật thị giác trong ngôn ngữ đạo diễn của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, thành Mùa len trâu, với sức ám ảnh đặc biệt từ đầu đến cuối bộ phim truyện này.

Trong vài lần trả lời phỏng vấn của báo chí Việt, Nguyễn Võ Nghiêm Minh có những bộc bạch rất đáng lưu ý về ý đồ sáng tạo bộ phim truyện đầu tay của mình, ngay từ trong dự án làm phim (đã được lên khung từ năm 2000, hoàn thành thủ tục năm 2003, là sản phẩm hợp tác giữa Hãng phim Giải Phóng, Hãng Novak (Bỉ) và 3Praduction (Pháp).

Nguyễn Võ Nghiêm Minh tự nhận rằng khi còn ở VN, ông từng đọc Hương rừng Cà Mau với một cái nhìn mộc mạc của tuổi mới lớn. Sau 16 năm làm khoa học tại Mỹ, đã thành tiến sĩ vật lý, hứng khởi bắt tay vào phóng tác hai truyện ngắn của Sơn Nam, lựa chọn những ý tưởng cho kịch bản phim Mùa len trâu, trước khi bộ phim được khởi quay vào tháng 8-2003, ông mới phát hiện nhiều ý nghĩa khác, mới mẻ và chìm sâu của văn chương Sơn Nam.

GkfGpwVc.jpgPhóng to

Ông thấy “mùa nước nổi là một cảnh trí rất hùng vĩ trong sự tưởng tượng của tôi, tôi thấy vẻ đẹp rất đặc biệt của một không gian bị nước bao phủ mặc dù tôi chưa bao giờ đặt chân tới vùng Cà Mau, An Giang.

Nước trong

Mùa len trâu là biểu tượng của sự chết (mùa nước nổi không có đất để chôn nên người ta dìm xác người ở dưới nước, trâu bò chết ở dưới nước mục rã ra trong nước, cây cỏ bị nước làm cho mục nát) nhưng từ trong môi trường chết nảy sinh sự sống (sinh vật lấy mầm sống từ nước, cá sinh sôi, lúa nảy mầm...).

Thứ hai, nước trong Mùa len trâu là biểu tượng của thời gian trôi qua, thời gian mang tính chất lịch sử đang trên đà bị mất đi, lối sống của những người chăn trâu mất đi, bởi con trâu thay thế bằng máy cày. Đó là những ý tưởng đã theo đuổi tôi”.

Do đó, với ông, nước - vốn chỉ là một bối cảnh được lấy từ truyện ngắn Sơn Nam - đã được ông mạnh mẽ đẩy lên thành mã nghệ thuật thị giác trong phim, bao hàm trong đó cùng lúc hai “vai diễn”: nước - vừa làm nền cảnh văn hóa sông nước cho những nhân vật trong phim, vừa là một “nhân vật” đặc biệt, có thân phận nghệ thuật hẳn hoi. Nước trở thành cái nền tư tưởng của bộ phim, là “nhân vật” xuyên suốt Mùa len trâu, đã dẫn dắt Nguyễn Võ Nghiêm Minh hợp tác ăn ý với Yves Cape, nhà quay phim người Bỉ, trong việc tạo độ tương phản sáng - tối cho hình ảnh với nhiều khoảng tối cố ý.

Bị lôi cuốn bởi ý tưởng: muốn tạo một phong cách đạo diễn độc đáo, mới lạ xuyên suốt bộ phim của mình, từ cách kể chuyện, kiến tạo tâm lý nhân vật, điều độ diễn xuất tự nhiên cho các diễn viên, Nghiêm Minh đề nghị quay nội cảnh với cách chiếu sáng giống như sân khấu kịch và ngay cả ngoại cảnh ông cũng nhất quyết cho quay ngược sáng. Ông không quan tâm đến đúng sai theo qui luật thông thường, ông chỉ thấy quay ngược sáng trong Mùa len trâu đã thật là đẹp và khẳng định “đó là sự lựa chọn của tôi”.

Lại chính nhà văn Sơn Nam rất đồng thuận với cách “chế tác” phim của Nguyễn Võ Nghiêm Minh từ hai truyện ngắn của mình, khi Sơn Nam nhận xét thật hồn hậu: “Hồn cốt trong truyện của tôi vẫn được giữ lại trên phim, chẳng hạn như tình người, lòng nhân hậu. Tôi viết cuốn truyện này đã 50 năm rồi nhưng không ai làm phim vì họ không tìm đâu ra... trâu để quay phim, bây giờ người ta xài máy cày hết rồi. Có ông Nguyễn Võ Nghiêm Minh... mướn được trâu để quay (350 con) tôi thấy rất hãnh diện.

Tôi coi như đã trả được cái món nợ tinh thần với đồng bào ĐBSCL quê tôi. Tôi chỉ hi vọng bộ phim chiếu nhiều ở dưới đồng bằng, được in ra video để bán cho bà con thưởng thức xứ mình”.

Như thế, Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã tạo tác được một bộ phim trên giấy thật hoàn chỉnh, từ chất liệu văn học của Sơn Nam, với một cấu trúc điện ảnh tài năng. Trong đó, các yếu tố văn hóa: nước - trâu - người của vùng đất mũi Cà Mau đã quyện hòa và hợp nhất thành một tam giác nghệ thuật vững vàng, khiến Mùa len trâu đạt đến một giá trị điện ảnh thật lộng lẫy: giá trị cảnh sắc, vốn là cái không dễ đạt đến trong phim truyện; nhất là đối với các đạo diễn Việt sống quá lâu ở xứ người như Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Cho nên tôi gọi tên giá trị đó theo cách người ta tính tuổi vàng, và cho đây là... vàng ròng, không bợn tì vết của tạp chất...

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên