Hiện trường vụ tai nạn chiều 20-2 tại xã Lộc Thủy - Ảnh: T. Mai |
Thực tế cho thấy tại những đường ngang giao cắt tuyến đường sắt Bắc - Nam đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ cho ngành đường sắt.
Riêng ở xã Lộc Thủy, vụ tai nạn nêu trên không phải là đầu tiên. Ngày 3-9-2012, chiếc taxi do tài xế Nguyễn Thanh Vũ điều khiển chạy từ quốc lộ 1 rẽ vào thôn An Bàng đã bất chấp tiếng còi hiệu của tàu hỏa, cố vượt qua đường ngang thì gặp phải tàu hàng số hiệu 240-T1 chạy hướng Nam - Bắc tông mạnh, làm 1 người chết và 4 người bị thương.
Cương quyết lắp rào chắn
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh - chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ tai nạn ở đường ngang giữa tàu hỏa với ôtô khiến 5 người chết.
Ông Mạnh cho biết trong tổng số gần 60 đường ngang dân sinh ở địa bàn huyện có rất ít đường đảm bảo tiêu chuẩn. Trong đó có những đường ngang hình thành từ rất lâu, việc cấm các đường ngang rất khó.
Giải pháp của địa phương chủ yếu là tuyên truyền, vận động, cảnh báo, phát quang quanh đường ngang để tạo tầm nhìn.
“Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là ngành đường sắt, đầu tư các đường ngang bài bản và đạt chuẩn để hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo tính mạng của người dân” - ông Mạnh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Khôi - cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT - cho rằng ý thức của người điều khiển phương tiện vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.
Ông Khôi đề nghị “nên thêm vào chương trình đào tạo lái ôtô qua đường ngang giao nhau với đường sắt trong hệ thống văn bản pháp luật”.
Ông Khôi còn nói để giảm thiểu tai nạn một cách căn cơ, ngành đường sắt sẽ khảo sát toàn bộ các đường ngang dân sinh, kiểm tra hệ thống đèn hiệu, biển cảnh báo, cần chắn.
“Bên cạnh đó, phải có sự hỗ trợ quyết liệt của địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt gây mất tầm nhìn” - ông Khôi nói.
“Ở những nơi có khu công nghiệp nằm cạnh đường sắt thì hầu như khi đầu tư xây dựng người ta quên mất việc đảm bảo an toàn khi đi đường sắt. Tôi nghĩ các khu công nghiệp, khu kinh tế phải tính toán đến phương án làm cầu vượt, đường gom đối với những đoạn có đường sắt đi qua” - ông Khôi bày tỏ.
Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu phải xử lý triệt để tình trạng mất an toàn ở các đường ngang dân sinh.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, đường nào cần thiết thì phải cương quyết lắp rào chắn, địa phương phải phối hợp với ngành đường sắt xử lý nghiêm việc lấn chiếm hành lang.
Đối với những công trình đang thi công gần đường sắt, địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Giải mã hộp đen tàu lửa tìm nguyên nhân tai nạn
Trong một diễn biến khác, chiều 21-2, đại tá Lê Quốc Hùng, giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện các bên liên quan đang tiến hành giải mã hộp đen của tàu SE2 để tìm ra nguyên nhân vụ việc.
“Theo điều tra bước đầu thì khi xảy ra va chạm, tàu lửa vẫn chưa đạt được tốc độ tối đa nên khả năng lỗi do lái tàu chủ quan là rất thấp” - ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Thừa Thiên - Huế, hiện vẫn chưa thống kê được thiệt hại ngoài 3 người chết, 4 người bị thương.
Ông Sơn nói chỉ mới tạm thời thông tuyến đường sắt Bắc - Nam vào sáng 21-2, việc khắc phục ở tuyến đường xảy ra tai nạn sẽ còn diễn ra trong thời gian dài.
“Các đầu máy, toa tàu gặp nạn sẽ được đưa về Đà Nẵng để sửa chữa. Có khả năng chúng tôi sẽ dùng đến xe cẩu chuyên dụng để chở đầu tàu về Đà Nẵng” - ông Sơn nói.
Về phía chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường ray ngang với đường dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Riêng với địa điểm xảy ra vụ tai nạn, ông Cao nói đã làm việc với ngành đường sắt, sẽ có kế hoạch lắp đặt thêm hệ thống cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận