05/12/2024 11:58 GMT+7

Ám ảnh dị ứng thời tiết lúc giao mùa, xử trí thế nào?

Dị ứng thời tiết rất thường gặp trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Dị ứng thời tiết nổi mề đay, mẩn ngứa... là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, sinh hoạt của người mắc.

Ám ảnh dị ứng thời tiết lúc giao mùa, xử trí thế nào? - Ảnh 1.

Dị ứng thời tiết rất thường gặp trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là thời điểm giao mùa - Ảnh minh họa

Thời tiết thay đổi, từ nóng chuyển sang lạnh, chị Hà Thị Minh (43 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) khổ sở vì thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu. Mỗi khi trời lạnh, da chị thường xuyên bị nổi mẩn đỏ, ngứa, đặc biệt là khu vực đùi, bắp chân, lưng.

"Tôi rất sạch sẽ, thường bôi kem dưỡng ẩm nhưng tình trạng ngứa vẫn không cải thiện. Mẩn ngứa trên da rất khó chịu, gãi nhiều khiến da bị tổn thương, sau đó để lại sẹo xấu, tôi không biết phải làm sao", chị Minh cho hay.

5 biểu hiện của dị ứng thời tiết

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vào thời điểm giao mùa hay những ngày nóng và lạnh, cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi của môi trường gây ra hiện tượng dị ứng thời tiết

Mỗi người sẽ phản ứng khác nhau trước tác nhân gây dị ứng thời tiết, và mức độ dị ứng cũng khác nhau sẽ dẫn đến những biểu hiện khác nhau.

Dị ứng thời tiết lạnh nổi mẩn đỏ là hiện tượng xảy ra vào mùa đông, nhiệt độ hạ thấp làm không khí trở nên khô hơn là nguyên nhân khiến cho tình trạng dị ứng xảy ra. Thậm chí những lúc trời mưa hoặc có gió cũng có thể xảy ra tình trạng dị ứng thời tiết này.

Dị ứng thời tiết đặc trưng bởi những dấu hiệu như nổi mề đay và nổi mẩn đỏ. Dị ứng thời tiết bao gồm dạng cấp tính và mãn tính.

Nếu bệnh ở trạng thái cấp tính sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến dưới 6 tuần, biểu hiện lâm sàng là những triệu chứng ngứa, gây khó chịu cho người bệnh. 

Nếu những dấu hiệu này không được chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mãn tính có thể gây nguy hiểm cho cơ thể với biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ…

Theo các bác sĩ, khi những người có cơ địa dị ứng tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như thời tiết nóng, lạnh, phấn hoa, nước mưa... sẽ xảy ra những biểu hiện của dị ứng thời tiết như:

- Phát ban: Ban xuất hiện trên bề mặt da với những mẩn đỏ, nhất là ở vùng tay, chân, kể cả ở mặt gọi là dị ứng thời tiết ở mặt. Những ban này làm cho cơ thể có cảm giác ngứa, khó chịu dẫn đến động tác gãi càng làm cho những nốt mẩn đỏ này lan rộng hơn và thành từng đám nổi khắp bề mặt da.

- Sưng rộp tấy đỏ: Da của người bị dị ứng thời tiết nổi mề đay hay dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ cũng sẽ bị sưng lên, đặc biệt là những vùng da tiếp xúc trực tiếp với thời tiết bên ngoài.

- Viêm mũi: Những dấu hiệu của viêm mũi như hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu cũng sẽ xuất hiện khi bị dị ứng thời tiết.

- Các loại viêm kết mạc dị ứng: Được phân làm hai loại cấp tính và mãn tính.

Viêm kết mạc dị ứng cấp tính: Là tình trạng phản ứng viêm ngay sau khi tiếp xúc với các dị nguyên. Tình trạng dị ứng này diễn ra trong thời gian ngắn, khiến mí mắt sưng, ngứa và có cảm giác nóng rát.

Viêm kết mạc dị ứng mãn tính: Là tình trạng phản ứng viêm kéo dài gây ra một số triệu chứng như mắt đỏ, sưng, có ghèn vàng hoặc xanh dính bên mí mắt vào mỗi sáng. Tình trạng viêm này dễ xảy ra đối với người thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, đeo kính áp tròng qua đêm, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm kết mạc khác...

- Nổi mề đay cấp tính: Đây là triệu chứng đặc trưng và cũng là triệu chứng nguy hiểm đối với bệnh dị ứng thời tiết nổi mề đay đã ở giai đoạn nặng. Nổi mề đay cấp tính là nổi mề đay khắp cơ thể một cách đột ngột khiến cơ thể rơi vào trạng thái khó thở, tụt huyết áp nhanh, sốc phản vệ và có thể dẫn đến tử vong.

Ám ảnh dị ứng thời tiết lúc giao mùa, xử trí thế nào? - Ảnh 2.

Thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả dị ứng thời tiết - Ảnh minh họa

Phòng tránh ra sao?

Bên cạnh phương pháp điều trị dị ứng thời tiết bằng các loại thuốc..., việc thay đổi lối sống, sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Những thói quen cần duy trì bao gồm: Uống nhiều nước ép trái cây để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại những tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài; Không sử dụng thuốc lá, thức uống có cồn như bia rượu, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa;

Giữ cho cơ thể ở nhiệt độ ổn định để tránh khỏi tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột; Ăn nhiều rau củ quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể;

Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; Có thể sử dụng thêm những thuốc bổ chứa vitamin B1, B6, B12; Hạn chế lao động nặng nhọc dưới trời nắng để giảm tiết mồ hôi. Mặc ấm và giữ ấm cho những bộ phận nhạy cảm (như đầu) vào mùa đông;

Tránh xa những nơi ồn ào để tránh hạ huyết áp và đau đầu; Khi thấy da có dấu hiệu dị ứng mẩn ngứa thì cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ những nơi bị dị ứng, đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường;

Tránh gãi hoặc ma sát mạnh trên da vì dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm da; Mang những loại quần áo mỏng nhẹ, mềm mại và dễ thấm mồ hôi nhằm giúp cho da hạn chế bị cọ xát và dị ứng không thể lan rộng khắp cơ thể;

Đối với những bệnh nhân có triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng, cần đeo khẩu trang khi ra đường và hạn chế tiếp xúc với những loài động vật; Bệnh nhân cũng được khuyên nên kiêng ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng, đậu phộng.

Ám ảnh dị ứng thời tiết lúc giao mùa, xử trí thế nào? - Ảnh 3.Lý Tử Thất bị dị ứng khi trổ tài làm tủ sơn mài

Gương mặt của 'tiên nữ đồng quê' Lý Tử Thất bị kích ứng da, sưng phù, khiến nhiều người khó nhận ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên