05/09/2011 00:10 GMT+7

Ám ảnh bão Katrina thứ 2

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Chỉ một tuần sau cơn bão Irene ở bờ Đông làm 43 người chết, nước Mỹ giờ lại hứng chịu cơn bão nhiệt đới Lee ở miền nam, trong khi nỗi ám ảnh của cơn bão Katrina năm 2005 còn chưa phai mờ.

InGrQOs1.jpgPhóng to
Một khu nhà bị san bằng sau khi bão Talas quét qua Tanabe, tỉnh Wakayama ngày 4-9 - Ảnh:Reuters

Bão Lee đã quét qua bang Louisiana từ sáng sớm 3-9 bằng những trận mưa lớn và gió rất mạnh với tốc độ 95 km/giờ, có nguy cơ gây nên lụt lội nguy hiểm và đe dọa hệ thống đê bao của thành phố New Orleans.

Bão Talas ở Nhật Bản

Ít nhất 20 người thiệt mạng, hơn 53 người mất tích và 94 người bị thương khi bão Talas đổ bộ vào miền tây Nhật Bản từ ngày 3-9.

Tính đến nay, bão Talas đã gây lũ lụt nặng nề ở khu vực miền tây Nhật Bản và gây lở đất ở nhiều nơi, cắt đứt giao thông chính trên đảo Shikoku và đảo Honshu. Hiện bão Talas đang di chuyển rất chậm về phía biển Nhật Bản. Tại tỉnh Nara, bão Talas làm nước sông dâng cao cuốn trôi nhiều khu nhà ở trong làng Totsukawa, làm ít nhất 2 người chết và 7 người mất tích. Trong khi đó, tại tỉnh Wakayama đã có 12 người chết và 29 người mất tích.

Theo Kyodo, khoảng 460.000 người tại miền tây và trung Nhật Bản đã được lệnh sơ tán. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo sẽ tiếp tục có mưa lớn và gió mạnh, có nguy cơ gây ra lũ và lở đất.

Cơn bão phức tạp

Theo Trung tâm dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC), bão Lee đang chậm lại khi di chuyển về phía bắc hay tây bắc trong 24 giờ tới, rồi ngoặt dần về phía đông bắc.

Thống đốc bang Louisiana Bobby Jindal đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi người dân sẵn sàng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Cư dân ở các vùng thấp ngang với mặt nước biển thuộc các bang ven biển cũng như các bang Kentucky và Tennessee sẽ phải đối mặt với lũ lụt - giám đốc NHC Bill Read cảnh báo. Theo NHC, bão Lee, cơn bão thứ 12 của Đại Tây Dương, có khả năng gây mưa lớn và ngập lụt trên 50cm ở đông nam Louisiana trong vài ngày tới, trong đó có vùng trũng New Orleans.

Truyền hình Mỹ sáng 3-9 đã chiếu cảnh những đường phố của Orleans vắng người và chìm ngập dưới nước.

Chính quyền Mỹ cho biết bão Lee làm gián đoạn việc cung cấp dầu khi các tập đoàn khai thác dầu khí ngoài khơi vịnh Mexico như Royal Dutch Shell, Exxon Mobil Corp và BP Plc buộc phải đóng cửa các giàn khoan để tránh bão. Tổng cộng có 169 giàn khoan đã bị đóng cửa, tức 1/4 trên tổng số 617 giàn khoan trong vịnh Mexico.

Ám ảnh của bão Katrina

“Cơn bão này đang di chuyển chậm một cách khó hiểu, chúng ta cần phải thận trọng” - thị trưởng thành phố New Orleans Mitch Landrieu cảnh báo.

Theo Reteurs, đã có 10 khu vực của thành phố New Orleans ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu cư dân luôn theo dõi sát diễn biến thời tiết và lũ lụt.

New Orleans đang xuất hiện mưa lớn và sẽ hứng những trận mưa như trút trong vài ngày tới khi bão Lee quét qua, theo Cơ quan dự báo thời tiết Mỹ. Các vùng thấp New Orleans bắt đầu ngập, nước đã tràn vào một số con đường ở Plaquemines, St. Bernard. Cư dân ở Jefferson đã được lệnh sơ tán.

New Orleans là vùng trũng, hơn nửa thành phố nằm dưới mặt nước biển và được bảo vệ bởi một hệ thống đê bao.

Cư dân New Orleans vẫn chưa hết bị ám ảnh bởi cơn bão Katrina năm 2005. Khoảng sáu năm về trước, cơn bão này đã làm vỡ đê và nhấn chìm 80% thành phố của họ, làm 1.500 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 80 tỉ USD. Truyền hình ngày ấy chiếu cảnh người Mỹ tuyệt vọng, giơ dòng chữ kêu cứu trên các mái nhà. Tại một khu vực nghèo của thành phố, thi thể nhiều nạn nhân của bão Katrina trôi lềnh bềnh trong nước lũ. Hơn 10 tỉ USD đã được đầu tư để xây dựng lại, nhưng thành phố này vẫn chưa được khôi phục bao nhiêu do luôn phải đối mặt với thiên tai.

Để tránh thảm họa Katrina thứ hai, thị trưởng Mitch Landrieu tuyên bố người dân New Orleans sẽ không bao giờ quên thảm họa này và không bao giờ cho phép lặp lại sai lầm. Ông cảnh báo bão Lee còn phức tạp trong 36 giờ tới. “Đừng lơ là với cơn bão này” - ông kêu gọi.

Vì sao bão ngày càng dữ dội?

Các nhà khoa học ghi nhận số lượng các cơn bão không thay đổi, nhưng cường độ của chúng đã tăng lên trong nửa thế kỷ qua. Kết quả một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 8-2005 đã xác nhận điều này. Dựa trên khảo sát tốc độ gió vào lúc mạnh nhất, các nhà khoa học nhận thấy cường độ của các cơn bão trên Đại Tây Dương và phía tây Thái Bình Dương đã tăng lên 70% trong 30 năm qua. Kết quả của một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Science vào tháng 9-2005 cũng cho thấy số lượng các cơn bão cấp 4 và 5 đã tăng 57% trong thời gian từ năm 1970-2004. Tương tự, tỉ lệ lốc xoáy có cường độ cao tăng từ 20% lên 35% trong 30 năm qua.

Vì sao cường độ của các cơn bão ngày càng tăng cao? Kerry Emanuel, giáo sư khí hậu học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng nguyên nhân do nhiệt độ nước biển tăng. Các đại dương đã nóng lên từ nhiều thập niên qua làm cường độ của các cơn bão tăng. Nhiệt độ của các đại dương tăng lên lại tương ứng với sự nóng lên của Trái đất do hiệu ứng nhà kính. “Bằng chứng về mối liên hệ giữa các cơn bão ở Đại Tây Dương và sự biến đổi khí hậu toàn cầu xem ra khá thuyết phục”, giáo sư Kerry Emanuel viết trên báo New York Times.

Cường độ ngày càng tăng của các cơn bão còn do một hiệu ứng khác của sự biến đổi thời tiết: mực nước biển dâng cao. Theo các nhà khoa học, mực nước biển đã dâng cao trung bình 20cm do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

T.N. (Theo Le Monde)

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thiên tai Bão Katrina Irene