Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Billboard, "ông trùm" đứng sau thành công của BTS, Bang Si Hyuk chia sẻ rằng đang nỗ lực kết hợp công nghệ AI tiên tiến nhất vào âm nhạc và tạo ra đa dạng nghệ sĩ ảo phục vụ nhu cầu âm nhạc của con người.
Đây cũng chính là mục tiêu trong chiến lược sắp tới của ông.
Bước đột phá mới của K-pop
Theo The Korea Times, AI đã và đang có được sức hút trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc với sự gia tăng đáng kể về số lượng sáng tác.
Tuy chất lượng sản phẩm chưa thể bằng con người nhưng tốc độ và sự tiện dụng của công nghệ này rất vượt trội. Bởi để tạo nên một bài hát, AI chỉ cần vài phút bằng cách tận dụng thuật toán và dữ liệu lưu trữ khổng lồ.
Cũng vào tháng 5 vừa rồi, Công ty HYPE của Bang Si Hyuk đã cho ra mắt dự án mang tên Midnatt.
Đây là phiên bản AI của ca sĩ Lee Hyun, có thể chuyển đổi giọng của nam thành giọng nữ và hỗ trợ ghi sẵn thành 6 ngôn ngữ khác nhau mà thậm chí còn không có dấu hiệu biến dạng về giọng hát.
Các ông lớn công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất âm nhạc bằng AI
Và có lẽ bước phát triển đột phá trong cuộc cách mạng này chính là sự xuất hiện của các thần tượng ảo.
Đầu tiên phải kể đến nhóm nhạc nữ aespa với concept AI đầu tiên trong lịch sử gây sốt. Song song với đội hình chính 4 thành viên là sự xuất hiện của các thành viên ảo.
Không thể phủ nhận việc sử dụng bản sao ảo đã cho phép aespa tiếp cận người hâm mộ ở mọi lúc mọi nơi và bỏ qua tất cả rào cản về ngôn ngữ - một điều mà các nghệ sĩ bằng xương bằng thịt rất khó làm được.
Thành công của aespa đã mở đường cho các dự án thần tượng ảo tiếp theo được đón nhận như MAVE, Superkind, K/DA... và sắp tới là Naevis - ca sĩ AI solo đầu tiên của SM Entertainment với sự hoàn thiện về kỹ năng di chuyển, giọng nói và khả năng giao tiếp như người thật.
AI có đang đe dọa K-pop?
Sự kết hợp trí tuệ nhân tạo trong K-pop là minh chứng cho tiềm năng sáng tạo, đổi mới của công nghệ trong ngành giải trí.
Thế nhưng cũng không thể phủ nhận AI đã và đang mang lại sự hỗn loạn cho ngành công nghiệp âm nhạc.
The Korea Times đưa tin Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc khẳng định rằng nếu không có những quy định về pháp luật liên quan, AI có thể phá vỡ ngành công nghiệp âm nhạc.
Bởi nếu để cho các bản nhạc do AI tạo ra chiếm lĩnh thị trường, đó sẽ là mối đe dọa đối với những người đang làm việc trong ngành sản xuất âm nhạc.
Mất việc, mất khả năng sáng tạo, đạo nhái, vấn đề bản quyền và giả mạo danh tính là những nỗi lo của họ khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ này.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các thuật toán dựa trên AI, các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc đã có thể liên tục tạo ra những giai điệu thu hút và bắt kịp xu hướng.
Nhưng đồng thời cũng có những điểm công nghệ AI hay thần tượng ảo không thể thay thế người thật. Đó là mối liên kết cảm xúc hay sự tương tác giữa người với người ngoài đời thực.
AI sẽ thích hợp nhất để là một công cụ hỗ trợ giúp các nhà sản xuất âm nhạc tăng cường khả năng sáng tạo và mở ra cơ hội mới cho việc sản xuất giải trí phục vụ nhu cầu và thị hiếu của công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận