Vụ kiện là diễn biến mới nhất trong loạt kiện tụng về vấn đề bản quyền của giới xuất bản, nhà văn, cơ quan báo chí... với các bên phát triển AI. Sự bùng nổ của công nghệ này cũng đang đòi hỏi các nước cần mau chóng xem xét lại luật bản quyền để kịp thời thích ứng với tình hình mới.
Kiện tụng liên miên về AI
Để hoạt động hiệu quả, AI cần được nhà phát triển nhập vào một lượng dữ liệu khổng lồ. Các ứng dụng sẽ ghi nhớ, phân tích dữ liệu, thậm chí sáng tạo nội dung mới để đáp ứng yêu cầu người dùng. Quá trình này gọi là "huấn luyện AI".
Vấn đề ở đây là rất nhiều dữ liệu cần cho quá trình đó đã được đăng ký bản quyền. Để đảm bảo tiến độ dự án và tối ưu hóa lợi nhuận, nhiều nhà phát triển AI đã âm thầm cho các công cụ của họ học tập những dữ liệu đó khi chưa xin phép.
Trong đơn kiện Nvidia, nhóm nhà văn cho biết tác phẩm của họ nằm trong một tập dữ liệu gồm khoảng 196.640 quyển sách. Nvidia đã dùng tập dữ liệu này để huấn luyện NeMo cách mô phỏng ngôn ngữ viết của con người trước khi gỡ bỏ chúng hồi tháng 10-2023 "do báo cáo vi phạm bản quyền".
Nhóm nguyên đơn cho rằng chính hành động gỡ bỏ là động thái ngầm thừa nhận việc vi phạm bản quyền của Nvidia. Đến nay tập đoàn này vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Nvidia không phải "ông lớn" đầu tiên vướng phải rắc rối pháp lý vì AI. Trong sáu tháng cuối năm 2023, nhà phát triển ChatGPT OpenAI lần lượt đối mặt đơn kiện từ nhóm 17 nhà văn (trong đó có George R.R. Martin, tác giả bộ tiểu thuyết Băng hỏa trường ca đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình nổi tiếng Trò chơi vương quyền), và báo New York Times. Cả hai vụ kiện đều xoay quanh cáo buộc công ty công nghệ này tự ý sử dụng các tác phẩm của nguyên đơn để "đào tạo" ChatGPT.
Trước đó, tháng 1-2023, một nhóm nữ nghệ sĩ sáng tạo cũng đã khởi kiện Stability AI - cha đẻ mô hình AI tạo sinh chuyên sáng tạo hình ảnh Stable Diffusion. Nhóm này cho rằng Stability AI đã cho công cụ của họ học tập hàng triệu sản phẩm của giới nghệ sĩ để kiếm lời.
Tranh cãi về bản quyền
Đến nay, tất cả các vụ kiện đều chưa ngã ngũ nhưng cả hai phía đều đã thể hiện rõ ràng quan điểm của mình. Trong đơn kiện OpenAI, nhóm 17 nhà văn khẳng định các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - công nghệ đằng sau các công cụ AI nổi tiếng) có thể "nhả ra sản phẩm phóng tác, tức những chất liệu dựa trên, bắt chước, tóm tắt hoặc viết lại sản phẩm của nguyên đơn, làm ảnh hưởng đến thị trường của họ".
Đơn kiện Stability AI nêu: "Tác hại đối với tác giả gốc không còn là lý thuyết. Các sản phẩm tranh ảnh do AI tạo ra "theo phong cách" của một nghệ sĩ cụ thể đã được bán trên Internet, tranh giành lợi nhuận với họ". Nhóm nguyên đơn "muốn chấm dứt sự vi phạm quyền lợi trắng trợn trên quy mô lớn này trước khi nghề nghiệp của họ bị loại bỏ bởi phần mềm máy tính vận hành hoàn toàn dựa trên công sức vất vả của họ".
Phản hồi đơn kiện của nhóm 17 tác giả, người phát ngôn của OpenAI Lindsey Held khẳng định công ty này tôn trọng quyền của các nhà văn, đồng thời tin rằng họ sẽ hưởng lợi lớn từ công nghệ AI. "Chúng tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau tìm ra cách hưởng lợi chung để giúp mọi người tận dụng công nghệ mới trong một hệ sinh thái giàu nội dung", bà Held nói.
Dù kết quả các vụ kiện ra sao, cộng đồng quốc tế không thể phủ nhận sự xuất hiện của AI mang đến những ảnh hưởng rất lớn với mọi ngành nghề. Tiến sĩ chuyên ngành lịch sử hội họa Sarah Adams tại ĐH Ghent (Bỉ) nhận định: "Sản phẩm do AI tạo ra thách thức cách nhìn nhận về quyền tác giả và buộc chúng ta suy nghĩ lại về vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo".
Luật sư Jim Holloway (Công ty luật Baker & McKenzie) chia sẻ trong bài xã luận đăng trên website Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF): "Các trường hợp sử dụng AI tạo sinh đang ảnh hưởng mạnh đến cách nhìn truyền thống về quy trình sáng tạo, quyền tác giả, quyền sở hữu và thách thức giới hạn của luật bản quyền. Những công ty phát triển và sử dụng AI tạo sinh nên cẩn thận để không vướng phải những rủi ro liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ".
Tác phẩm của AI có được bảo hộ?
Vấn đề tác phẩm do AI tạo ra có được bảo hộ bản quyền hay không cũng là chuyện được tranh cãi toàn cầu. Tháng 8-2023, một thẩm phán ở Mỹ đã đưa ra phán quyết để các nhà lập pháp có thể tham khảo.
Ngày 18-8, thẩm phán Beryl Howell khẳng định sản phẩm do AI tạo ra mà không có sự tham gia của con người sẽ không được bảo hộ trí tuệ ở Mỹ. Bà Howell nhấn mạnh chỉ những tác phẩm do con người tạo ra mới được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Bà Howell nói: "Chúng ta đang tiến đến những "vùng đất mới" của vấn đề bản quyền khi nghệ sĩ bắt đầu sử dụng AI. Điều này sẽ dấy lên "nhiều câu hỏi khó" cho luật bản quyền".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận