Để giải quyết các thách thức này, trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ hữu hiệu, giúp các đại biểu tiết kiệm thời gian, nắm bắt thông tin kịp thời và tối ưu hóa quá trình thảo luận chính sách ở Quốc hội.
Công cụ hữu hiệu
Trong bối cảnh mới, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối mặt với nhiều thách thức trong việc thảo luận và xây dựng chính sách, từ khối lượng tài liệu khổng lồ đến áp lực hiểu biết chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với thời gian của mỗi kỳ họp, ĐBQH phải xử lý hàng nghìn trang báo cáo và dự thảo luật, gây áp lực lớn đến sức khỏe và khả năng tập trung vào các nội dung chính.
Bên cạnh đó, ĐBQH đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, không thể hiểu sâu tất cả các lĩnh vực, dẫn đến việc phân tích và phản biện có thể thiếu tính chuyên môn. Thảo luận chính sách và các dự thảo luật đòi hỏi ĐBQH nắm chắc đường lối của Đảng, xu hướng quốc tế, cũng như những vấn đề nổi cộm mà đất nước đang và sẽ đối mặt để đưa ra những ý kiến, giải pháp thiết thực.
Tuy nhiên, khối lượng công việc lớn và thiếu công cụ hỗ trợ tối ưu khiến nhiều đại biểu gặp khó khăn trong việc cập nhật nhanh chóng thông tin và phản biện chính xác.
Nếu các ĐBQH được trang bị kỹ năng công nghệ thông tin (IT) và biết cách khai thác hiệu quả AI, AI có thể giúp đại biểu không chỉ rút ngắn thời gian tìm kiếm, đọc thông tin mà còn hỗ trợ phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp và đánh giá thông tin hiện tại cũng như xu hướng tương lai.
AI cho phép có thêm các góc nhìn đa chiều, giúp họ đưa ra các ý kiến phản biện thực tế và sắc sảo hơn trước các vấn đề quốc kế dân sinh. Từ việc tóm tắt nhanh chóng hàng trăm trang tài liệu chỉ trong vài giây, giúp đại biểu nắm bắt các ý chính mà không cần đọc toàn bộ văn bản, đến khả năng dự báo các tác động của chính sách, AI hỗ trợ đại biểu đưa ra các ý kiến có tính dự báo cao, giúp nghị trường có được các phản biện mang tính thuyết phục và toàn diện hơn.
Điểm đặc biệt là AI có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ, cập nhật báo cáo và số liệu từ khắp nơi trên thế giới, giúp ĐBQH nắm bắt xu hướng toàn cầu và học hỏi từ các quốc gia khác. Công cụ này giúp đại biểu so sánh, chọn lọc và vận dụng hiệu quả các chính sách phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Nhờ đó ĐBQH có thể tăng cường chất lượng phát biểu, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao trong các phiên thảo luận mà vẫn tránh được lúng túng khi gặp phải các vấn đề phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu.
AI kết nối với thông tin cử tri và dư luận xã hội
Thông tin từ cử tri qua các cuộc gặp mặt đại diện và dư luận xã hội qua báo chí là nguồn thông tin quan trọng giúp mỗi ĐBQH hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Khối lượng thông tin này lớn và khó xử lý, nhưng AI có thể hỗ trợ phân tích và tổng hợp từ các nguồn khác nhau, giúp ĐBQH sàng lọc các vấn đề chính yếu mà không phải tìm kiếm thủ công qua các công cụ truyền thống. Điều này giúp đại biểu đưa ra các ý kiến phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu của xã hội, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri.
Bước vào kỷ nguyên công nghệ số, mỗi ĐBQH cần trang bị kỹ năng công nghệ để khai thác AI một cách hiệu quả, bao gồm sử dụng công cụ phân tích dữ liệu và cập nhật thông tin qua các nền tảng kỹ thuật số. AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là "người bạn đồng hành" giúp ĐBQH vượt qua các thách thức, nâng cao chất lượng phát biểu và ra quyết định sáng suốt hơn.
Với khả năng tóm tắt, phân tích dữ liệu và dự báo xu hướng, AI góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng các phiên thảo luận tại Quốc hội. Trong thời đại số, ĐBQH rất cần phải có kỹ năng công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới, mang lại giá trị thiết thực cho cử tri và đất nước. Đại biểu am hiểu và có những ý kiến xác đáng luôn là mong muốn của cử tri cả nước.
Thách thức và hạn chế của việc sử dụng AI
Dù AI mang lại nhiều lợi ích, việc sử dụng nó vẫn còn những hạn chế cần lưu ý. AI phụ thuộc vào chất lượng dữ liệu đầu vào; nếu dữ liệu không chính xác, kết quả phân tích có thể lệch lạc và ảnh hưởng đến nhận định của đại biểu. Bên cạnh đó, AI không thể thay thế sự hiểu biết chuyên sâu và phán đoán của đại biểu trong các vấn đề nhạy cảm.
Việc đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ cho ĐBQH cũng là thách thức lớn để đảm bảo họ sử dụng AI hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ này. Ngoài ra, vấn đề bảo mật quốc gia và quyền riêng tư cần được chú trọng để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm liên quan đến các thông tin cử tri và dư luận xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận