Bạn Lê Thanh 55 tuổi ở Đồng Tháp gửi thắc mắc cho Tịt Tuốt: “Mấy tháng nay tôi đi cầu phân lỏng, dễ đi nhưng trên phân lại có vệt máu, tôi vẫn khỏe, ăn ngủ tốt, mỗi tối thường lai rai ít lon bia với bạn bè, thỉnh thoảng có đau bụng chút chút, uống bia vô thì hết. Bệnh gì lạ vậy?”. Theo thư anh, tôi nghĩ là anh đang có một vài vị “khách không mời” cư trú trong ruột già (từ chuyên môn gọi là “đại tràng”). Những vị khách đó gọi theo từ dân dã thì là những cục thịt dư, từ chuyên môn là polyp.
Polyp đại tràng
Là do niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo ra một khối thịt nhô lên trong lòng ruột già, nó có thể có cuống hoặc không. Kích thước có thể nhỏ như hạt đậu nhưng có thể to như trái bóng bàn. Còn tại sao đang yên đang lành nó lại mọc ra polyp? Theo lẽ thường ruột được kiểm soát bởi 2 nhóm gien: Nhóm gien gây tăng sinh tế bào và nhóm gien ức chế tăng sinh. Khi những gien ức chế bị yếu đi thì lập tức nhóm gien tăng sinh lấn át và sinh ra polyp. Nếu không phát hiện sớm và cắt bỏ thì một số có thể phát triển thành ung thư.
Polyp đại tràng trước đây chỉ chiếm 1-2% dân số. Nay đời sống càng cao, lượng rau trong bữa ăn giảm đi, trong khi thịt tăng lên rất nhiều thì polyp đại tràng đã chiếm 30-50% số người trưởng thành. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 50 trở lên (90%), hiếm gặp ở đối tượng dưới 40 tuổi.
Những người dễ bị polyp đại tràng
Tuổi tác gắn liền với bệnh tật là điều không thể tránh khỏi. Lớn tuổi hệ miễn dịch suy yếu, những gien ngăn cản khối u cũng yếu, khiến gien sinh khối u phát huy tác dụng, và thế là ở một số người bỗng xuất hiện những “vị khách lạ” đến “nằm vạ” trong ruột già.
- Rượu, bia, thuốc lá là yếu tố thuận lợi làm tăng tỉ lệ mắc polyp tới 20%. Vì vậy những ai dính dáng nhiều đến mấy thứ này, xem như vô danh sách chờ polyp gọi!
- Nếu trong gia đình (cha mẹ, ông bà) bị polyp đại tràng, thì con cháu họ cũng dễ bị polyp.
- Thói quen ăn uống được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu của polyp đại tràng.
- Ăn nhiều thịt đỏ (heo, bò), ăn nhiều dầu mỡ (giàu chất béo no, và nhiều nối đôi), lại ít ăn rau, ít vận động, béo phì đều là đối tượng của những khối u trong đó có polyp đại tràng.
Các nhà khoa học của Trường ĐH Cambridge (Anh) tìm ra hợp chất có tên gọi là N-nitrosocompound trong ruột. Nếu lượng chất này cao (do ăn thịt màu đỏ) sẽ làm phá huỷ DNA của tế bào thành ruột, gây ra khối u.
Đó là chưa kể, hiện nay trên thị trường có “thịt bẩn”, những hóa chất “phù phép” vào đến ruột sẽ kích thích những gien tăng sinh, mà tạo ra polyp hay ung thư.
Khi bạn ăn nhiều rau, chất xơ sẽ làm tăng nhu động, đẩy những chất có nguy cơ đi nhanh, không còn cơ may tiếp xúc với niêm mạc đại tràng mà gây hại.
Phụ nữ đã bị ung thư vú, tử cung, buồng trứng nên ăn nhiều rau để ngăn khả năng tạo ra polyp đại tràng.
Những biểu hiện của polyp đại tràng
Thường bạn có ít mụn trên mặt, bạn thấy đau nhức, khó chịu và muốn nhanh chóng “tống khứ” chúng đi. Nay “mụn thịt” mọc trong ruột già, chừng 30% số người vẫn “vui vẻ” với chúng vì không thấy những dấu hiệu khó chịu. Như anh Thanh ở Đồng Tháp là các triệu chứng tương đối rõ.
- Đi cầu ra máu: là triệu chứng có giá trị gợi ý chẩn đoán polyp đại tràng. Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân, hoặc phân lẫn nhày máu màu nâu, đen hoặc lờ lờ máu cá.
Một số người sẽ thắc mắc rằng: vậy có thể nhầm với bệnh trĩ không? Không, bởi trĩ thường táo bón và máu tươi tưới trên cục phân rắn.Trong khi polyp đại tràng phân mềm mà có máu kèm theo.
Những bạn mà “các vị khách polyp” không ngụ ở trên cao mà nằm ở phần trực tràng (gần hậu môn) thì thường đi cầu phân lỏng, đôi khi đau quặn, mót rặn y như bị lỵ.
- Lại có trường hợp “vị khách polyp hơi bị “béo phì” cỡ trái bóng bàn, nằm chẹn lòng ruột thì bạn sẽ có triệu chứng giống như tắc ruột (đau bụng, nôn, bí trung và đại tiện).
Kể xong các bạn thấy biểu hiện của polyp đại tràng rất nghèo nàn, tuy nhiên tự theo dõi cơ thể bạn sẽ thấy những biến đổi khác lạ và nên đến bệnh viện khám, đừng bao giờ coi đó là “chuyện nhỏ”.
Polyp có biến thành ung thư không? Câu trả lời là “có” và “không”. Tin tốt là không phải tất cả polyp đại tràng đều biến thành ung thư, và tin xấu là: một số đã biến thành ung thư. Vì vậy để tránh hậu họa thì phát hiện và cắt nó sớm rất quan trọng.
Làm sao biết mình bị polyp đại tràng?
- Lời khuyên của các nhà tiêu hóa là: Từ 50 tuổi bạn cần soi đại tràng mỗi năm 1 lần.
Khi có polyp thì cắt bỏ qua đường hậu môn. Sau cắt bác sĩ sẽ xét nghiệm polyp xem nó có nguy cơ biến thành ung thư không.
Sau khi cắt cần thực hiện chế độ “bỏ nhậu, lườm thịt, gắp rau”, tăng cường vận động để các “vị khách không mời” hết cơ hội tái xuất.
Bạn nào đọc xong nghi mình cũng “có khách trong ruột” lại sợ phải “chổng bàn tọa” trước mặt bác sĩ, thì tối thiểu nên xét nghiệm phân trước. Nếu trong phân có lẫn máu thì đành… lên bàn soi vậy, kẻo hậu quả khôn lường đấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận