25/04/2012 08:30 GMT+7

Ai sở hữu cây sáo bằng ống nước?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Câu chuyện lùm xùm giữa nghệ sĩ Mai Đình Tới và anh nông dân Kiều Văn Thanh (chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent) đã khép lại khi hai người đều không ai nắm bản quyền sáng chế trong tay.

EMrLaw0G.jpgPhóng to

Ngoài cây sáo bằng ống nước, thí sinh Kiều Văn Thanh còn biểu diễn với các nhạc cụ tự chế khác tại chương trình Tìm kiếm tài năng - Ảnh: T.T.D.

Tuy nhiên, những tranh cãi lại chuyển hướng sang câu chuyện bản quyền sáng chế xung quanh cây sáo làm từ ống nước. Người bảo đó là sáng tạo của Mai Đình Tới, người nói hàng ngàn nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự chế được loại nhạc cụ này.

Mang câu chuyện này đến hỏi ông Tạ Quang Minh (cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ), ông Minh khẳng định: trong danh mục các sản phẩm được bảo hộ bởi Luật sở hữu trí tuệ không có đối tượng này nên cục không thể cấp bằng sáng chế cho loại hình này.

Một luật sư trong lĩnh vực bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ đồng tình với quan điểm Cục Sở hữu trí tuệ không cấp bằng sáng chế cho cây sáo bằng ống nước là đúng. Luật sư này lý giải: “Liệt kê bảy nhóm đối tượng được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ thì nhạc cụ này không nằm trong số đó. Nhạc cụ này cũng không nằm trong danh mục bảo hộ theo quyền tác giả. Anh Mai Đình Tới sáng tạo ra cây sáo bằng ống nước nhưng đó không phải là một sáng chế hay một giải pháp công nghiệp. Nếu anh Tới muốn đăng ký sáng chế thì sẽ phải cải tạo kích thước, kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc, tức là định hình nó thành một sản phẩm riêng biệt. Khi đó, sản phẩm của anh sẽ được bảo hộ”.

Tuy nhiên, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (văn phòng luật sư Phạm và liên danh) lại cho rằng: muốn biết sản phẩm có được bảo hộ hay không thì không phải soi trong các nhóm đối tượng được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ. Bởi vì phân loại đối tượng này chỉ là để quản lý, sắp xếp tư liệu. Thực tế con người ngày càng tạo ra những sản phẩm chưa ai biết đến bao giờ. Cho nên nếu sản phẩm không thuộc nhóm mà luật quy định không được bảo hộ thì hoàn toàn có đủ quyền xin cấp bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Xưa nay ít ai làm cây sáo từ ống nước, nếu chứng minh được trên thế giới chưa ai từng làm cây sáo này thì hoàn toàn đủ tư cách xin bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ.

Nhưng cũng theo luật sư Khánh Toàn, chiếc sáo bằng ống nước hiện nay có thể đã thành sản phẩm cộng đồng, không thuộc quyền sở hữu của ai. “Rất tiếc, chiếc sáo bằng ống nước đã được bộc lộ rồi, có nghĩa là đã mất tính mới. Sản phẩm chỉ được cấp bằng sáng chế (nếu chứng minh đủ tư cách bảo hộ như đã nói) khi tác giả của nó gửi đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ trước khi công khai. Nếu anh Tới chưa gửi thì hiện nay đã quá muộn, sản phẩm này không còn được bảo hộ nữa và ai cũng có quyền sử dụng biểu diễn”, luật sư Khánh Toàn khẳng định. Như vậy, theo Luật sở hữu trí tuệ và theo nhiều ý kiến độc giả, cây sáo bằng ống nước đã thật sự thuộc về sở hữu dân gian rồi.

Câu chuyện tranh cãi đã có thể khép lại nhưng cũng mở ra một kinh nghiệm - không phải là không bổ ích - cho bất cứ ai có ý tưởng sáng tạo, có sáng chế và muốn được bảo hộ.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên