TTCT - “Chất lượng đồng nhất, một nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn thực phẩm” - ba yêu cầu mà cố vấn an ninh lương thực của Chính phủ Mỹ Rick Gilmore, người vừa ở Việt Nam tuần qua, đưa ra để nâng chất lượng và vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Một cuộc đua mới của các doanh nghiệp nông nghiệp dường như đã xuất hiện, nhưng các giá trị nông nghiệp mới cần thêm nhiều công sức để có thể đạt tới, và cũng sẽ phải mất nhiều thời gian để nông dân thật sự tham gia cuộc đua này. Làm rau sạch ở Củ Chi -N.C.T.Ngay quận 1 (TP.HCM), người ta có thể chứng kiến một hình ảnh khá tương phản cho công cuộc tiếp thị và bán sản phẩm nông nghiệp hiện tại.Một bên là cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của nhà nước - một ngôi nhà cũ với bảng hiệu không thể đơn giản hơn, bên trong là quầy hàng chật chội kiểu bao cấp với những người bán hàng đứng sau quầy. Một bên là cửa hàng của tư nhân với mô hình siêu thị mini bày bán các sản phẩm rau củ quả tươi đóng gói đẹp, ghi rõ ngày sản xuất và xuất xứ sản phẩm.Kinh doanh của doanh nghiệp - Nhận thức của nông dânNăm 2007, khi Louis Vuitton quyết định mở một nhà máy ở Pondicherry (Ấn Độ), rất nhiều người ngạc nhiên: trong suốt lịch sử của thương hiệu huyền thoại này, họ chưa bao giờ rời châu Âu, thậm chí rất ít xưởng khâu bên ngoài nước Pháp.Lý do để Pondicherry được chọn, thoạt nhìn đơn giản là nơi đây sở hữu những thợ khâu đồ da nổi tiếng nhất Ấn Độ. Nhưng các nhà quan sát thì đặt ra một giả thiết khác cho động cơ quyết liệt của Louis Vuitton: bởi vì chính nơi này sẽ là nơi những món hàng “fake” tinh xảo nhất được tạo ra.Louis Vuitton muốn thuê chính những “thích khách” này làm việc cho mình, vừa tận dụng được tay nghề của họ vừa giảm thiểu nguy cơ cho hãng. Ngoài mở nhà máy, Louis Vuitton thậm chí còn mua cổ phần trong công ty sản xuất đồ da lớn nhất địa phương. Công ty địa phương này cũng đầu tư sản xuất các mẫu đồ da sinh lợi lớn, nhưng chủ trương không nhái các hãng lớn, trong đó có Louis Vuitton.Câu chuyện này được ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch PAN Group, đang sở hữu nhiều công ty nông nghiệp lớn tại Việt Nam - kể cho phóng viên nghe bên lề một sự kiện, khi được hỏi về những người nông dân.Từ lâu, khi nói tới sản xuất nông sản Việt Nam, người ta đã truyền khẩu nhau về “luống rau để bán và luống rau để ăn” của người nông dân. Luống rau để bán thì sẽ phun thuốc bừa bãi, luống rau để nhà ăn thì trồng tự nhiên. Tác giả truyện tranh Thành Phong, trong một truyện của anh, từng xây dựng bi kịch của một đứa trẻ con nhà bán rau không bao giờ được mẹ cho ăn rau, và đứa trẻ con nhà bán thịt luôn thèm thịt rỏ dãi. Những lo ngại đó không phải là không có căn cứ.Cách đây không lâu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra kết quả điều tra: 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm, gần một nửa phun gấp đôi so với khuyến cáo. Liên tục xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm. “Rau sạch” trở thành một khái niệm huyền bí được mọi nhà phân phối sử dụng để bán hàng. Người nông dân, do lòng tham hay do thiếu hiểu biết, đã tác động tiêu cực tới thị trường nông sản và trên hết, tự gây hại cho bản thân mình.Không biết từ bao giờ, hình ảnh người nông dân với cách làm tùy tiện, chỉ vì lợi ích trước mắt và ngắn hạn ấy trở nên phổ biến. Nhưng thực tế khó phủ nhận là họ - những nông dân một nắng hai sương - sẽ khó mà quy hoạch mảnh ruộng của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới.Nhưng ai sẽ thay đổi nhận thức và hành vi của người nông dân? Câu trả lời của ông Hưng: những “Louis Vuitton” - các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp.Quan điểm ấy được tiến sĩ Rick Gilmore ủng hộ một phần (ông là cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng trong vấn đề an ninh lương thực, giám đốc điều hành Diễn đàn An ninh lương thực toàn cầu), người vừa đến Việt Nam tuần rồi trong một chuỗi sự kiện liên quan đến nông nghiệp.Cuộc phỏng vấn riêng với vị học giả tốn khá nhiều thời gian để sắp xếp nhưng thông điệp được đưa ra khá ngắn gọn: vị thế của nông sản Việt phụ thuộc vào nhận thức của người nông dân.Tiến sĩ Gilmore khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường nông sản toàn cầu. Và để đạt được mục tiêu đó thì những nhà đầu tư như PAN Group dù có lớn đến mấy cũng không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề. Việc kinh doanh của doanh nghiệp phải song hành với nâng cao nhận thức của nông dân.Khu vực nhà nước không thể gánh được toàn bộ trọng trách này, tiến sĩ Gilmore khẳng định. Những ngày qua diễn ra một cuộc tranh luận khác về phát biểu của bà chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Thái Bình trên VTV. Sau khi nhận xét “cánh đồng đẹp như tranh”, bà liên tục khẳng định mình đã chỉ đạo nông dân phun những loại thuốc “tốt nhất”.Nhưng người nông dân trên địa bàn của bà Minh thì lại nói về “khả năng thiếu ăn” và “làm gì có gì mà thu” trong vụ mùa này.Còn ai nữa ngoài doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ truyền thông cho nông dân? Câu trả lời hẳn sẽ được nhiều người bật ra dễ dàng: Hội Nông dân. Nhưng trong báo cáo “Chính sách nông nghiệp Việt Nam” của OECD năm 2015, tổ chức này dù nhìn nhận vai trò của Hội Nông dân Việt Nam (VFU) là để phổ biến, giải thích chính sách mới và vận động nông dân song vẫn đi đến kết luận thông qua các nghiên cứu, khảo sát thực tế: “Rõ ràng rằng VFU đã không thật sự trở thành một tổ chức được hỗ trợ bởi nông dân và hoạt động hiệu quả vì lợi ích của nông dân”.Câu chuyện của NHKKhông phải công ty nào cũng mong muốn trở thành Louis Vuitton - hướng đến việc đưa ra thông điệp với người sản xuất. Khi Vingroup tung ra thị trường sản phẩm rau sạch hồi đầu tháng này, kèm theo hàng loạt thông điệp về thị trường, nhiều nhà quan sát không khỏi làm lạ vì thông điệp xanh sạch của công ty này dùng đến nhiều từ khóa rất kêu như “công nghệ Israel” hay “vì thế hệ tương lai”.Thật khó mà liên tưởng gì được đến một nền sản xuất nông sản Việt Nam hiện tại với nền tảng cơ bản nhất của nó là người sản xuất - nông dân.Thứ vắng bóng ở đây là điều mà tiến sĩ Rick Gilmore gọi là hoạt động “giới thiệu đến những người nuôi trồng các giá trị tốt về nông nghiệp” của những nhà đầu tư nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều nhà kinh doanh hiện nay, trong các chiến dịch truyền thông, tập trung vào đối tượng khách hàng tiềm năng của họ là các cư dân thành thị, hay rộng hơn là người mua, chứ không nói đến người sản xuất.Tuy nhiên, với các đặc thù của nông nghiệp, khi nông dân không chỉ là “người lao động” mà còn là “nhà sản xuất” thì hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng. NHK - kênh truyền hình công của Nhật - là một điển hình về việc “lôi kéo” người nông dân vào các hoạt động nông nghiệp mới. Đài này từ lâu đã được biết đến với chính sách “nâng tầm ẩm thực Nhật để khuyến khích tiêu thụ nông sản Nhật”.Một trong những chương trình nổi tiếng nhất của họ là “Go, Kitchen, Go!” (Căn bếp lên đường!). Cũng là một chương trình nấu ăn cùng với những đầu bếp nổi tiếng, nhưng họ sẽ đi trên một “căn bếp di động” và đến khắp các làng quê để nấu nướng bằng những sản vật địa phương.Trong các bản quy hoạch chính sách của Bộ Nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp Nhật, thì “khu vực nông thôn” luôn được nhắc đến là một đối tượng cần được quảng bá (promote) và nâng tầm. Đất nước này không thiếu các nhà đầu tư lớn, nhưng họ ý thức được rằng sẽ không thể chỉ làm nông nghiệp bằng các khoản đầu tư hay các mệnh lệnh hành chính.Điều tra doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê năm 2011 chỉ ra rằng hiện chỉ có 955 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (không tính lâm nghiệp và thủy sản), hoạt động trên khoảng 0,5 triệu ha, tức là chỉ chiếm khoảng 5% diện tích đất nông nghiệp. Thị trường vẫn sẽ bị chi phối bởi những hộ nông dân trong một thời gian dài nữa.Và những doanh nghiệp lớn như PAN Group hay Vingroup sẽ vẫn tiếp tục phải “đơn thương độc mã” trong khoản đầu tư của mình, và nông sản Việt chưa thể có được ba đòi hỏi “chất lượng đồng nhất, một nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn thực phẩm” mà tiến sĩ Rick Gilmore vạch ra, trừ khi họ thực thi được hoạt động “giới thiệu các giá trị nông nghiệp mới” đến nông dân.Ông Nguyễn Duy Hưng gọi đó là việc “đổ xô nước lên một cái cây” và hi vọng nước sẽ “lan ra trên mặt đất”. Tuy nhiên, hoạt động để “nước lan” này không đơn giản. Bản thân Louis Vuitton, ví dụ của ông Hưng, cũng đã phải rút chân khỏi thị trường Ấn Độ bốn năm sau khi quyết tâm biến các nghệ nhân ở đây trở thành người làm việc cho mình.Thị trường hàng “fake” của Louis Vuitton, đặc biệt là giày, xuất xứ từ Ấn Độ vẫn không ngừng tăng trưởng. Một chính sách tốt vẫn cần nhiều bên tham gia. “Chúng ta cần một cuộc đua” - ông Hưng nói, một cuộc đua giữa các doanh nghiệp xác lập giá trị mới và phần còn lại. “Lợi ích song hành” là cách diễn đạt của tiến sĩ Gilmore.Cuộc đua có thể đang hình thành, ít nhất giữa các doanh nghiệp tư nhân lớn. Nhưng có một yếu tố mà chắc chắn là cố vấn an ninh lương thực của Nhà Trắng cũng khó tính tới với kinh nghiệm làm việc ở thị trường Mỹ của mình. Đó là các doanh nghiệp nhà nước.Báo cáo “Chính sách nông nghiệp Việt Nam” của OECD nói rằng các doanh nghiệp này “có quyền chi phối thị trường đáng kể”, và “không thực hiện đủ tốt vai trò của mình” trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu, dẫn tới thực tế “Việt Nam đang phải chịu thiệt hại từ hàng hóa chất lượng thấp và giá rẻ ở thị trường xuất khẩu” cùng rất nhiều vấn đề khác.Đó là một bài toán không dễ giải. Và “các giá trị nông nghiệp mới” của những doanh nghiệp như của ông Hưng có thể sẽ phải mất nhiều thời gian để “song hành” với nông dân, khi mà mối quan hệ này vẫn đang rất lỏng lẻo và đầy bất công.Còn nhớ, trong chuỗi giá trị ngành gạo mà chuyên gia Nguyễn Đình Bích từng nhận xét là “dài nhất thế giới”, ngoài phân chia lợi nhuận thiệt thòi cho nông dân (bỏ ra 70% chi phí sản xuất, hưởng lợi nhuận chưa tới 30%), các khâu trung gian vô cùng lôi thôi còn để lại một hậu quả khác là không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. ■“Chất lượng đồng nhất, một nhà cung cấp đáng tin cậy và an toàn thực phẩm” là ba yêu cầu mà cố vấn an ninh lương thực của Nhà Trắng Rick Gilmore vạch ra trước câu hỏi: “Làm sao Việt Nam trở thành một thế lực trong thị trường nông sản toàn cầu?”. Đó đều là những yêu cầu vô cùng khó khăn nếu để nông dân tự quy hoạch nhỏ lẻ và cảm tính trên mảnh ruộng của riêng mình. Những “phong trào” chặt cây cũ trồng cây mới để rồi khi giá giảm lại tiếp tục thay đổi vẫn chưa có điểm dừng... Chưa kể nhiều “phong trào” rất đáng ngờ về tính khoa học và động cơ, có thể gây hại cho cả nền nông nghiệp trên diện rộng, như phong trào nuôi ốc bươu vàng cách đây nhiều năm. Tags: Nông dânNông nghiệp xanhAi cầm tay nông dân
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức thế giới 23-12: Ông Trump đòi giữ lại TikTok; Nga tiếp tục lấy đất ở Ukraine NGỌC ĐỨC 23/12/2024 Ông Trump đòi "lấy lại" kênh đào Panama vì sợ Trung Quốc tiến chiếm; Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục đánh Houthi.
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.