Tuổi Trẻ Online nhận được ý kiến của bạn Trần Thị Kim Anh (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) nói về niềm đam mê của giới trẻ ngày nay và khẳng định: "Ai rồi cũng sẽ có những chuyến đi cho riêng mình".
Huyền Chip ra mắt Đừng chết ở châu Phi
Phóng to |
Huyền Chip trong một lễ hội tại Bolivia trong chuyến du lịch bụi đến Nam Mỹ năm 2013 - Ảnh: facebook |
Thời gian gần đây cộng đồng mạng tranh luận khá sôi nổi về những cuốn sách du ký của tác giả Huyền Chip. Có rất nhiều ý kiến! Người thì ngưỡng mộ sự dũng cảm và những trải nghiệm thú vị mà cô bạn trẻ tuổi sở hữu được sau hành trình khám phá của mình. Người thì tỏ ra hoài nghi, khắt khe hơn khi cho rằng Huyền Chip chưa trung thực, còn mập mờ trong việc lý giải vì sao xin được visa, việc làm quá dễ dàng ở một số quốc gia…
"Đừng ngồi một chỗ chỉ để ngưỡng mộ hay phán xét những thành quả của người khác đạt được. Hãy làm đầy balô của mình mỗi ngày từng chút từng chút một cho đến thời điểm bản thân nhận ra “chín muồi” rồi thì hãy xách nó lên và đi!". |
Tôi chỉ xin mượn sự kiện này để nói tới những trăn trở của bản thân về cách nhìn về đam mê của giới trẻ ngày nay.
Có lẽ chưa bao giờ những khẩu hiệu như “hãy là chính mình”, “hãy sống với đam mê”… xuất hiện dày đặc và bùng nổ như bây giờ. Và những câu chuyện kể về sự thành công của những người trẻ dám nghĩ, dám làm và đã thành công khi đi theo tiếng gọi của con tim được ca ngợi phần nào củng cố thêm niềm tin các bạn trẻ vốn bị những suy nghĩ già cỗi, cứng nhắc của người lớn áp đặt mà không dám thoát khỏi vỏ bọc của chính mình.
Tuy nhiên, dám sống nhưng vẫn còn nhiều người lạc đường trong chính đam mê của mình. Vì sao tôi lại nói như thế? Bởi có những người bỏ đại học để lập nghiệp và thành công nhưng cũng có người bỏ đại học lập nghiệp rồi thất bại, rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Cũng là phượt, nhưng sẽ có những người học được rất nhiều thứ và làm phong phú thêm vốn sống của mình, nhưng cũng có những người sau chuyến phượt lại cảm thấy chẳng được gì ngoài mệt mỏi khi phải đội nắng đội gió trên những con đường dài.
Để thấy không có đam mê nào giống đam mê nào cho nên chúng ta đừng lấy sự thành công của những người đi trước làm thước đo của chính mình. Câu chuyện kể của họ quả thật rất hấp dẫn, chúng ta cũng muốn thử nhưng chắc chắn trải nghiệm và kết quả không giống họ được.
Bởi mỗi cá nhân có hoàn cảnh sống, điều kiện giáo dục, cá tính, thể lực và xu hướng tư duy khác nhau, do đó nên chăng hãy làm những gì mình có thể làm và phù hợp với chính mình. Dù rằng tuổi trẻ là tuổi dấn thân, nổi loạn và thể hiện mình nhưng không nhất thiết là du lịch khi còn trẻ, bỏ học để kinh doanh khi còn trẻ…
Có người mắc lỗi rồi rút kinh nghiệm từ thực tế nhưng cũng có người tự trang bị kiến thức từ sách vở, thầy cô để sau này tránh đi những lỗi đó. Không ai hay ai dở cả, chỉ khác nhau ở cách thức thực hiện mà thôi.
Ai rồi cũng có những chuyến đi cho riêng mình
Tôi không đi nhiều lắm nhưng cũng đã du lịch bụi qua nhiều nước, có cơ hội chia sẻ với các bạn trẻ phương Tây. Cá nhân tôi thấy những hình thức đi bụi không phải hiếm. Tôi tin rằng phần lớn những bạn nghi ngờ những người đi "phượt" chỉ là những bạn suốt ngày ngồi một chỗ than vãn và nếu có "xê dịch" cũng đi theo tour, có người chăm sóc từ A-Z. Chúng ta nên tự hào về các bạn trẻ năng động xung quanh mình thay vì chê bai họ. (DZŨNG NGUYỄN) |
Song song với việc nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc, GS.TS Trần Văn Khê cũng là một người đi đây đi đó rất nhiều, từ trường học ở Việt Nam cho đến các hội trường lớn ở nước ngoài. Ông thể hiện được đam mê, cái tâm và tầm của mình đối với âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị truyền thống khác của dân tộc nói chung, dù rằng ông đã bước đến cái tuổi mà nhiều người chỉ muốn ở nhà để vui đùa cùng con cháu.
Hay như GS Ngô Bảo Châu trải qua bao nhiêu khó khăn để đạt được thành công như hôm nay, ông không nhốt mình trong phòng để nghiên cứu mà ông cũng đi. Ông đi để góp công sức và trí tuệ để phát triển hơn nữa cho Viện Toán học Việt Nam. Ông đi không phải để kể lại những gì mình đã đạt được mà để chia sẻ những điều ông nghĩ sẽ giúp ích cho giới trẻ Việt Nam.
Và còn rất nhiều những con người thầm lặng - ở nhiều độ tuổi khác nhau, đang tiếp tục hành trình của mình để tạo ra hoặc mang đến cho người khác những giá trị của cuộc sống. Cho nên, đi để khám phá hay đi để sẻ chia đều mang một ý nghĩa riêng của nó. Mỗi người có ánh sáng của riêng mình, vậy không lý do gì chúng ta buộc mình phải thành công sớm hoặc thành công giống như họ.
Xách balô lên và đi...
Để dấn thân có lẽ chúng ta phải hiểu mình trước tiên và nhìn xem mình có gì và còn thiếu gì trong chính chiếc balô của mình. Chiếc balô ấy ngoài đam mê, kiến thức, kỹ năng còn có sự thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nữa… Bởi có một thực tế mà tôi nhìn thấy đó là nhiều bạn trẻ cứ đi theo đam mê để rồi hoặc vô tình hoặc cố ý quên đi sự lo toan, vất vả của cha mẹ. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nên ít nhiều hãy có cái nhìn thực tế một chút để khi quyết định làm việc gì đó không phải canh cánh trong lòng dẫn đến đứt gánh giữa đường.
Chẳng hạn nếu đam mê của bạn là du lịch phượt, bạn cũng nên xác định là "đi hoài đi mãi" hay lâu lâu đi một chuyến vào những ngày nghỉ. Bởi nếu trong khi bạn đi du lịch mà gia đình bạn vẫn sống tốt thì còn gì tuyệt bằng. Nhưng sẽ ra sao nếu cha mẹ đã ngoài tuổi lao động, đàn em thì khó khăn để được đến trường và bạn vô tâm trước những hoàn cảnh đó?
Vì vậy, chúng ta có thành công với đam mê riêng mình hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Điều kiện cần và đủ để sống với đam mê chứa trong chiếc balô trên vai của mỗi chúng ta chứ không phải trên vai của bất cứ ai mà chúng ta ngưỡng mộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận